15/12/2018 11:44 GMT+7

Nguy cơ mai một văn hóa dân gian

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Buồn, đau đáu, lo lắng là tâm trạng chung của những ai quan tâm đến giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một "chưa được chặn đứng".

Nguy cơ mai một văn hóa dân gian - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng (Gia Lai) biểu diễn văn nghệ cho khách tham quan tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Xưa khoai sắn chúng ta đói mới ăn nhưng giờ là đặc sản. Văn hóa dân gian cũng vậy. Chính phủ sắp tới sẽ rất chú trọng đến sự đặc sắc của từng vùng văn hóa, bởi về lâu dài thì sự đặc sắc văn hóa sẽ là lợi ích kinh tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Hội thảo Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ

VH-TT&DL, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức chiều 14-12 tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

Bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch thường trực Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cùng dự và chủ trì hội thảo.

Lời hứa "không có cơ sở"

Từng đến với đồng bào các dân tộc từ năm 1956, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) chia sẻ nhiều tâm tư với văn hóa của các dân tộc thiểu số. 

Ông nói chính sách của Đảng với các dân tộc thiểu số đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng nhiều chính sách bị bất cập. 

Ông dẫn ví dụ như chính sách tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đào tạo cán bộ văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhà nước thực hiện tái định cư cho những đồng bào dân tộc thiểu số đã hiến bờ xôi ruộng mật của mình để làm thủy điện và hứa cho họ nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, nhưng lời hứa này theo ông là "không có cơ sở". 

Đồng bào Si La tại Mường Tè (Điện Biên) ở nơi tái định cư muốn có đất dựng cái cổng làng ở phía đông như truyền thống văn hóa của họ, nhưng đất nơi tái định cư không thể thỏa mãn được yêu cầu của họ. 

Hay một làng tái định cư khác của đồng bào dân tộc thiểu số ở Mai Sơn, Sơn La, mỗi người được 1ha đất ở... bãi chó chạy, không canh tác được.

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Trường ĐH Văn hóa cần có một khoa riêng để đào tạo cán bộ làm văn hóa ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng thực tế hiện nay cán bộ văn hóa cơ sở thường là người Kinh, không mấy ai học tiếng dân tộc thiểu số. 

GS Tô Ngọc Thanh cho rằng đây là chuyện cấp bách nhưng chúng ta sẽ phải mất nhiều năm nữa mới giải quyết được, nếu quyết tâm làm.

Trước khi ngừng lời, GS Tô Ngọc Thanh nói với tình cảm sâu đậm với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào ở Tây Bắc và Tây Nguyên, ông rất buồn. 

Và ông ước được diện kiến trực tiếp với lãnh đạo cấp cao một buổi gần đây để được trình bày bằng lời, giải thích cụ thể về câu chuyện mà ông còn đau đáu khôn nguôi.

Văn hóa cần được giữ gìn bởi chính cộng đồng

Là người dân tộc Sán Dìu, TS Hoàng Cầm - phó viện trưởng Viện Văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - lại chỉ ra một câu chuyện khác: chuyện định kiến văn hóa dân tộc thiểu số lạc hậu. 

Nhiều năm chúng ta hô hào "miền núi tiến kịp miền xuôi"..., thay vì phải ghi nhận giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số và tôn vinh sự đa dạng. 

Định kiến này, theo TS Hoàng Cầm, sẽ dẫn đến một hệ quả tai hại là chính người dân tộc thiểu số tự ti về dân tộc mình và không còn động lực để giữ gìn, bảo vệ, phát huy văn hóa của mình nữa.

"Người dân tộc thiểu số phải tự thân, tự chủ bảo vệ văn hóa của người ta thì mới mong giữ được văn hóa. 

Còn một khi tự người dân không có ý thức tự hào về văn hóa của mình, yêu văn hóa của mình để giữ lại thì Nhà nước có bỏ nhiều tiền vào cũng không giữ nổi. Nhà nước không thể làm thay. Quan trọng là khơi gợi niềm tự hào trong họ" - TS Hoàng Cầm nói.

Ông lấy ví dụ về nhóm 19 dân tộc thiểu số đang được dẫn dắt bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống của mình dựa trên niềm tự hào và trân trọng văn hóa của mình một cách khá hiệu quả, bởi một dự án cộng đồng, Nhà nước không cần tiêu tốn đồng ngân sách nào.

Chung quan điểm, đại diện đến từ UNESCO Hà Nội cho rằng di sản văn hóa chỉ sống được nếu đi được vào cộng đồng, giới trẻ thấy có nhu cầu cần tìm đến văn hóa và thấy được lợi ích kinh tế của di sản văn hóa.

Đồng tình rằng văn hóa cần phải được giữ gìn bởi chính cộng đồng, bà Tòng Thị Phóng nói Nhà nước "biết ơn nhân dân lắm" bởi dân vẫn âm thầm giữ gìn văn hóa của mình bao năm qua, trong khi Nhà nước "chưa chặn đứng được nguy cơ mai một văn hóa dân gian của dân tộc thiểu số do đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng".

Thầy giáo say mê văn hóa dân gian

TTO - Đọc sách, đi chùa, gặp các cụ cao niên tìm hiểu phong tục người dân... thầy Trần Minh Thương viết thành sách, giảng dạy cho học trò cái hay cái đẹp của văn hóa miền Tây.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên