Bác sĩ Trần Đăng Khai - khoa cột sống B Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - khám cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm - Ảnh: H.P.
Ông Trần Văn L. (50 tuổi) phải chịu đựng các cơn đau nhức trong suốt nhiều năm liền. Ông được chẩn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và điều trị nhưng vẫn không khỏi. Mỗi khi bị tái đau ông L. rất khó chịu, thi thoảng ông lại đau nhức vô cùng, kéo dài cả tuần lễ...
Nguy cơ gây yếu liệt
Trước đây, công việc của ông L. liên quan đến vùng lưng, thường xuyên mang vác đồ nặng nên bị ảnh hưởng, tổn thương cột sống.
"Tôi phát hiện mình bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khoảng 3 năm trước, trước đó tôi đã có những dấu hiệu đau nhức, khó chịu nhưng không đi khám. Tuy nhiên sau đó cơn đau nhức ngày càng nhiều, nhất là mỗi khi làm việc nên tôi đi khám.
Bác sĩ phát hiện bệnh, cảnh báo nếu không phẫu thuật và tiếp tục những công việc nặng nhọc thì tôi có nguy cơ bị liệt đôi chân vì dây thần kinh bị chèn ép. Hiện nay, hầu như tôi phải dừng hẳn công việc trước đây để hạn chế bệnh tái phát sau 2 lần phẫu thuật" - ông L. chia sẻ.
Không ít trường hợp than phiền về tình trạng đau nhức dữ dội, tê buốt ở khu vực xương sống và liên sườn. Tuy nhiên, hầu như chỉ khi thật sự không chịu nổi tình trạng đau đớn người ta mới tìm đến bác sĩ để chữa trị.
Người bệnh chủ quan, coi thường bệnh, điều trị không đúng phương pháp gây tốn kém tài chính, thậm chí người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ bại liệt.
Theo Ths.BS Trần Đăng Khai - khoa cột sống B Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, người bệnh tùy mức độ thoái hóa của đĩa đệm và mức độ nặng nhẹ của thoát vị mà có thể gặp nhiều khó khăn trong công việc, trong hoạt động thể chất, sinh hoạt hằng ngày, thậm chí có thể gây yếu liệt khó phục hồi.
Ngăn chặn tiến triển liệt
Theo BS CKII Hồ Nhựt Tâm - trưởng đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân độ tuổi từ 30-60.
Người bệnh bị chấn thương cột sống do làm việc quá nặng, nâng vật nặng không đúng tư thế, bị té hay tai nạn giao thông chấn thương cột sống thắt lưng. Hoặc mắc các bệnh lý cột sống như thoái hóa cột sống gây vẹo, gù, còng cột sống, thoái hóa đĩa đệm.
Một số nguyên nhân khác hiếm gặp: bẩm sinh, ăn uống thiếu dưỡng chất làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm, lâu dài dẫn đến thoát vị đĩa đệm...
Ths.BS Trần Đăng Khai cho biết bệnh nhân có các biểu hiện như đau lưng mãn tính hoặc cấp sau chấn thương, ngồi lâu hoặc xách nặng. Bệnh có thể tiến triển tê nhức lan xuống chân, giảm, mất cảm giác 2 chân, yếu liệt 2 chân.
Trong trường hợp cấp với khối thoát vị lớn có thể chèn ép chùm đuôi ngựa, gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa với biểu hiện: tê bì, yếu liệt 2 chân, tê vùng sinh môn, liệt ruột, tiểu khó, bí tiểu. Trong trường hợp này có chỉ định mổ khẩn.
Hiện nay có hai phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm chính là phương thức điều trị bảo tồn (nằm nghỉ, giảm đau, tập vật lý trị liệu...) và phẫu thuật tùy theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thông thường bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp bảo tồn, tuy nhiên nếu có chỉ định thoát vị đĩa đệm cấp gây liệt nặng, bệnh không cải thiện sau khi điều trị bảo tồn từ 6-12 tuần thì cần phẫu thuật ngăn chặn tiến triển liệt.
BS CKII Hồ Nhựt Tâm - trưởng đơn vị cột sống, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM - lưu ý các trường hợp bệnh nhân tái phát sau phẫu thuật - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Luôn giữ tư thế thẳng
BS CKII Hồ Nhựt Tâm lưu ý vấn đề phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm rất quan trọng. Việc giáo dục ý thức giữ gìn các tư thế đúng trong khi học tập, sinh hoạt, làm việc hằng ngày của mỗi cá nhân rất quan trọng.
Không nên làm quá sức mình hay làm việc trong tư thế không tốt trong thời gian dài. Các biện pháp vệ sinh lao động phù hợp với từng nghề.
Để phòng ngừa bệnh, người bệnh cần giữ cột sống thẳng trong lúc làm việc, tránh vận động thắt lưng quá mức. Đặc biệt là động tác cúi nâng vật nặng, tránh chấn thương cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, người bệnh cần năng tập luyện thể dục thể thao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận