19/03/2020 14:38 GMT+7

Nguy cơ không còn vốn đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị định trệ thi công từ tháng 7-2019 đến nay vì thiếu vốn. Nay dự án này có nguy cơ không còn vốn đầu tư vì hiệp định vay vốn không được gia hạn kịp thời.

Nguy cơ không còn vốn đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh 1.

Công trình xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ thi công từ tháng 7-2019 đến nay - Ảnh: VĂN BÌNH

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng chính phủ về những vướng mắc kéo dài dẫn đến nguy cơ không còn nguồn vốn đầu tư cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM và Đồng Nai). Lý do là hai hiệp định vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB - nhà tài trợ) có tổng trị giá 636 triệu USD không được gia hạn kịp thời.

Trong đó hiệp định vay vốn lần 1 (2730-VIE) trị giá 350 triệu USD do không được gia hạn hiệp định nên nhà tài trợ ADB đã đóng khoản vay vào ngày 30-6-2019 và hiệp định vay vốn lần 2 (3391-VIE) trị giá 286 triệu USD dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 30-6-2020.

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị quyết về xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng vốn dư của khoản vay lần 2 để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của khoản vay lần 1 với giá trị khoảng 65 triệu USD; trước mắt chấp thuận gia hạn khoản vay lần 2 đến 14-12-2020.

Bộ Giao thông vận cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan chỉ đạo VEC rà soát tiến độ tổng thể của dự án và các gói thầu ADB để làm cơ sở tiếp tục đề xuất, thực hiện thủ tục gia hạn hiệp định nhằm hoàn thành dự án dự kiến vào cuối năm 2023.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC cho biết từ tháng 7-2019 đến nay dự án bị đình trệ do không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp đường cao tốc.

Đơn vị tư vấn giám sát C5 ở dự án này dự kiến ngân sách sẽ bồi thường cho hai nhà thầu Nhật Bản ở gói thầu J1 - xây dựng cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp nối Nhà Bè và Cần Giờ - và gói thầu J3 - xây dựng cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối Cần Giờ - TP.HCM và huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai - với số tiền 70 triệu USD.

Lý do là chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu vì chưa được cấp vốn thi công. Trong đó, chi phí phát sinh của gói thầu J1 là khoảng 32 triệu USD và gói thầu J3 khoảng 38 triệu USD.

Đến ngày 19-3-2020, dự án cao tốc Bến Lức - Long thành đã hoàn thành hơn 76% khối lượng và hiện nay do thiếu vốn nên công trình tiếp tục đình trệ. Hiện nay, trên công trường chỉ có 200 kỹ sư và công nhân làm việc, so với trước đây giảm 90% số lượng kỹ sư và công nhân thi công.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô

TTO - Trước mắt hai gói thầu tạm dừng thi công, nhiều khả năng chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành phải bồi thường khoảng 70 triệu USD cho nhà thầu. Nhà tài trợ đã hủy bỏ cấp vốn vay 170 triệu USD vì hiệp định vay hết thời hạn…

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên