27/03/2014 06:35 GMT+7

Nguy cơ hoại tử xương hàm từ thuốc bisphosphonates

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM đã phát hiện ba bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của thuốc bisphosphonates (BP), trong đó có hai bệnh nhân uống thuốc này điều trị loãng xương.

mo5GmSIG.jpg
Phẫu thuật hàm mặt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM - Ảnh: bệnh viện cung cấp

Thông tin này được bác sĩ Bùi Hữu Lâm - phó khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP - báo cáo tại hội nghị khoa học bệnh viện gần đây. Đáng lưu ý là khi bác sĩ kê đơn (thường là bác sĩ nội khoa, bác sĩ điều trị ung thư) còn thiếu cảnh báo về tác dụng phụ này cho người bệnh thì bác sĩ răng hàm mặt sau khi nhổ răng thấy ổ răng của bệnh nhân không lành, lại không xác định được bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của BP - vì điều này chỉ mới xảy ra thời gian gần đây ở Việt Nam.

Hoại tử xương hàm

Điển hình là tháng 10-2013, bệnh nhân P.T.K.N. (79 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định) đến phòng mạch tư của một bác sĩ nha khoa ở TP.HCM (làm việc ở Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP) khám và được bác sĩ phát hiện bị hoại tử xương hàm do BP. Bệnh nhân kể bị loãng xương và được bác sĩ cho uống fosamax 70mg mỗi tuần một viên, liên tục từ năm 2005-2013. Trước đó, tháng 9-2012 bệnh nhân bị đau và đi nhổ răng ở Quy Nhơn nhưng ổ răng không lành, đau, chảy máu rỉ rả từ nướu. Tháng 11-2012, bệnh nhân vào TP.HCM và đến một bệnh viện chuyên khoa khám bệnh, được nạo ổ răng và làm sinh thiết... nhưng vẫn thỉnh thoảng sưng đau.

Một bệnh nhân khác là bà L.T.G. (79 tuổi, TP.HCM) cũng bị hoại tử xương hàm trên do tác dụng phụ của BP từ năm 2011, dù đã đến một bệnh viện chuyên khoa khám, điều trị nhưng bác sĩ không phát hiện được. Tháng 3-2013 bà bị sưng, đau cằm bên phải và đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP khám. Lần này bác sĩ thấy hàm dưới của bà G. lộ xương hoại tử, nướu xung quanh viêm, dễ chảy máu. Nghi ngờ bà G. bị hoại tử xương hàm do BP, bác sĩ hỏi kỹ bệnh sử mới biết bà đang điều trị loãng xương bằng thuốc fosamax 70mg (mỗi tuần uống một viên) liên tục hơn ba năm.

Bệnh nhân thứ ba là bà V.T.B.T. (71 tuổi, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP tháng 12-2013 với chẩn đoán hoại tử xương ổ sau nhổ răng 36. Khai thác bệnh sử cho thấy bà T. bị đa u tủy từ năm 2011 và được bác sĩ huyết học điều trị bằng hóa trị liệu kết hợp với thuốc BP dạng truyền tĩnh mạch.

Biến chứng nghiêm trọng

Theo bác sĩ Hữu Lâm, thuốc BP có tác dụng chính là ức chế tiêu xương dẫn đến tăng mật độ xương và giảm nồng độ canxi huyết thanh, được chỉ định trong điều trị loãng xương, đa u tủy, di căn xương của các ung thư phổi, thận, vú, tuyến tiền liệt. Thị trường hiện có hai loại BP khác nhau, một loại có chứa nitrogen và một loại không chứa nitrogen. Từ năm 2003 đến nay, thế giới có rất nhiều báo cáo về hoại tử xương hàm do sử dụng BP dài ngày. Tất cả báo cáo đều cho rằng hoại tử xương hàm do BP là biến chứng nghiêm trọng và đặc biệt rất khó điều trị.

Khi sử dụng thuốc BP dạng truyền tĩnh mạch, 70% hàm lượng BP được giữ lại trong xương. Còn BP dạng uống chỉ có 10% BP được tích lũy trong xương. Dù ngưng sử dụng, lượng BP vẫn lưu giữ trong xương tới 11 năm sau mới được loại thải hết ra khỏi cơ thể. Nếu sử dụng BP dạng tĩnh mạch thì tác dụng phụ nhiều hơn, biến chứng sớm hơn, trung bình khoảng 12 tháng. Ở BP dạng uống, trung bình khoảng ba năm sau khi sử dụng thuốc mới có thể xảy ra biến chứng.

Bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do BP sẽ tùy tình trạng hoại tử mà được điều trị bảo tồn (sử dụng các dung dịch súc miệng sát khuẩn, thuốc giảm đau đơn thuần hay kết hợp với kháng sinh, kháng nấm); điều trị phẫu thuật (cắt bỏ xương hoại tử, thuốc kháng sinh) gồm phẫu thuật tại chỗ (chỉ can thiệp lên phần xương ổ, không can thiệp vào phần xương nền của hàm dưới hay hàm trên) hay phẫu thuật triệt để (cắt bỏ toàn bộ xương hoại tử); và các điều trị bổ trợ khác để cải thiện sự lành thương của xương hàm bị hoại tử.

Khám, điều trị răng trước

Bác sĩ Hữu Lâm cho biết khi bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do sử dụng BP thì cả người bệnh và bác sĩ đều quan tâm đến việc tiếp tục hay ngừng sử dụng BP. Vấn đề này giới y khoa còn tranh cãi, nhưng bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử xương hàm do BP đều cần được bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khám kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ kê đơn BP để bảo đảm các quyết định tiếp tục hay ngừng điều trị BP.

Với bệnh nhân ung thư, ngưng hay không ngưng thuốc phải cân nhắc lợi ích sức khỏe của bệnh nhân, nếu ngưng thuốc mà diễn tiến bệnh ung thư nhanh hơn, khiến bệnh nhân tử vong sớm hơn thì vẫn phải chấp nhận điều trị. Ngưng hay không ngưng nên dựa trên kết quả tham vấn giữa bác sĩ răng hàm mặt, vốn là người thường phát hiện đầu tiên biến chứng hoại tử xương hàm, với các bác sĩ kê đơn là bác sĩ nội khoa, bác sĩ chấn thương chỉnh hình hay bác sĩ ung thư. Với bệnh nhân loãng xương đang điều trị BP nếu ngưng thuốc thì có thể gặp nguy cơ gãy cổ xương đùi do loãng xương thì còn nguy hiểm hơn. Do vậy, tốt nhất là uống thuốc BP có sự theo dõi thêm bởi bác sĩ nha khoa.

Để tránh tác dụng phụ của thuốc BP do tác động kéo dài của thuốc đối với xương, bác sĩ Hữu Lâm khuyên trước khi uống thuốc bệnh nhân nên đi khám răng để bảo đảm tình trạng răng miệng của mình không có đe dọa biến chứng nhiễm trùng, hoặc phải nhổ răng trong tương lai gần. Ngoài ra, trong thời gian uống BP cũng phải đi khám, theo dõi hàm răng định kỳ, thậm chí suốt đời.

Có thể không xuất hiện triệu chứng

Bác sĩ Bùi Hữu Lâm cho biết bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của BP có thể có biểu hiện như lộ xương ổ không gây triệu chứng, không đỏ hay chảy mủ hoặc bệnh nhân đau và có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ, đôi khi nhiễm trùng lan rộng, rò mủ, thậm chí cả gãy xương bệnh lý. Bệnh nhân có thể có bệnh sử điều trị nha khoa xâm lấn hoặc chấn thương do răng giả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không phát hiện điều gì bất thường trước đó.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên