28/11/2022 08:15 GMT+7

Nguy cơ hiếm muộn vì khuyết sẹo vết mổ cũ

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Các bác sĩ khuyến cáo chị em có chu kỳ hành kinh kéo dài nên đến cơ sở y tế để thăm khám, đặc biệt là đối với phụ nữ đã trải qua sinh mổ. Bởi rất có thể đây là dấu hiệu do vết khuyết sẹo mổ lấy thai gây ra.

Nguy cơ hiếm muộn vì khuyết sẹo vết mổ cũ - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ca khuyết sẹo vết mổ cũ - Ảnh: PHƯƠNG TRINH

"Đây là bệnh lý không chỉ mang đến nguy cơ hiếm muộn mà còn gây phiền hà và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chị em" - bác sĩ Lê Như Ngọc, khoa phụ sản Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, khuyến cáo.

Chịu đựng bất tiện kéo dài vì chuyện... tế nhị

Đi khám sức khỏe tổng quát để xin việc, chị H.H. (36 tuổi, trú tại phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vô tình phát hiện bệnh lý khuyết sẹo mổ lấy thai.

Khi sinh mổ đứa con thứ hai vào năm 2016, chị H. liên tục gặp tình trạng hành kinh kéo dài. Vốn nghĩ đây là "chuyện phụ nữ" nên chị âm thầm chịu đựng.

Hơn nữa từ khi mổ lấy thai cho đến khi gặp sự cố là hơn một năm nên chị chẳng nghĩ có liên quan gì đến vết mổ cũ. Tính ra thời gian từ khi có bệnh lý cho đến khi phát hiện, chị H. phải chịu đựng sự bất tiện suốt hơn năm năm trời.

"Kết thúc giai đoạn cho con bú tôi mới gặp tình trạng hành kinh kéo dài nên nghĩ cơ địa mình có vấn đề. Tôi mua thuốc tây rồi đông y uống mấy năm liền mà không biết do sẹo mổ thai gây ra. Đến khi gặp bác sĩ mới phát hiện ra" - chị H. nói.

Không riêng chị H. mà gần đây tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng thường xuyên gặp tình trạng chị em phải chịu chu kỳ hành kinh kéo dài nhiều năm trời. 

Mới đây, chị H.T. (37 tuổi, trú tại huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đến thăm khám tại bệnh viện vì chu kỳ hành kinh kéo dài hơn 20 ngày trong một tháng kèm với đau bụng âm ỉ mới phát hiện vết khuyết sẹo mổ cũ. 

Chị cho biết đã chịu đựng tình trạng này kể từ khi sinh mổ em bé thứ hai, tính từ năm 2015 đến nay đã được bảy năm.

Việc rong kinh kéo dài khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Ngoài việc khó chịu trong người thì chuyện chăn gối của vợ chồng cũng ảnh hưởng khiến chị từ bỏ e ngại quyết tâm đi viện.

Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận kết quả siêu âm đầu dò tử cung có đoạn sẹo mổ cũ với hình ảnh khuyết đáy sẹo kích thước 8x7x13 mm ở tử cung kèm ứ dịch. 

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định khuyết sẹo mổ cũ từ lần mổ bắt con là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại. Chị T. được tư vấn nhập viện, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật nội soi tạo hình đoạn vết mổ lấy thai.

Coi chừng khi "đòi" mổ bắt con

Bác sĩ Lê Như Ngọc cho biết khuyết sẹo mổ lấy thai là bệnh lý có dấu hiệu gia tăng trong thời gian vừa qua do có nhiều người chọn phương pháp mổ bắt con.

Nguyên nhân của bệnh lý là do sự phục hồi không tốt sẹo ở đoạn eo tử cung. Thông thường khuyết sẹo mổ lấy thai xuất hiện khi tình trạng mất liên tục của nội mạc tử cung, một phần hay toàn bộ lớp cơ thành trước eo tử cung gây ra sự hình thành túi dịch.

"Khuyết sẹo vết mổ cũ thường biểu hiện qua tình trạng chu kỳ hành kinh 3 - 4 ngày đầu rất bình thường nhưng sau đó rong kinh sẽ kéo dài, mỗi lần ra ít máu nâu sẫm kèm tức bụng nhẹ. 

Triệu chứng là rất dễ nhận biết nhưng nhiều người lại không nghĩ là bệnh vì đôi khi nó xuất hiện sau 3 - 5 năm sau thời kỳ sinh mổ nên có trường hợp chị em chịu đựng tình trạng này kéo dài hơn 10 năm vì không nghĩ đây là bệnh lý" - bác sĩ Ngọc nói.

Theo bác sĩ Ngọc, bệnh lý này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì rong kinh kéo dài và đặc biệt nguy hiểm hơn khuyết sẹo vết mổ cũ dẫn đến khó có thai cho lần sau, gây hiếm muộn.

Trong trường hợp thăm khám, điều trị bằng thuốc thất bại, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Khi can thiệp, có trường hợp người bệnh có tình trạng tử cung dính chặt vào thành bụng trước, trong khi bàng quang treo rất cao kèm với tình trạng tụ dịch ở vết khuyết sẹo.

Để xử trí được tình huống này, thông thường ê kíp bác sĩ phải tiến hành kết hợp cả phương pháp mổ nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng.

Có nhiều trường hợp các bác sĩ phải bóc tách thật cẩn thận, gỡ dính từng ít một để giải phóng tử cung, đẩy bàng quang xuống thấp. Đồng thời cắt lọc đoạn cơ tử cung tại vị trí sẹo cũ, khâu phục hồi vết sẹo mà không gây tổn thương thêm cho tử cung cũng như các cơ quan lân cận.

Đừng coi thường triệu chứng rong kinh, đau bụng âm ỉ

Bác sĩ Lê Như Ngọc cho biết hầu hết các sản phụ nhập viện phẫu thuật với tình trạng khuyết sẹo mổ lấy thai được công nhận chữa khỏi khi kết quả ghi nhận sau ba tháng triệu chứng rong kinh chấm dứt, kết quả siêu âm kiểm tra không còn hình ảnh tụ dịch ở đoạn vết mổ lấy thai cũ.

Theo bác sĩ Ngọc, nhiều bệnh nhân gặp bệnh lý này cho biết sẽ cảm thấy đau khi sinh hoạt chăn gối, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Do vậy ông khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng rong kinh, đau bụng âm ỉ phải đến viện.

Lăng kính 24g: Vô sinh, hiếm muộn... ‘nhờ’ khói thuốc Lăng kính 24g: Vô sinh, hiếm muộn... ‘nhờ’ khói thuốc

Lăng kính 24g ngày 3-4-2021: Truy thu 200 triệu đồng ngân sách phục vụ đoàn ông Võ Hoàng Yên; Nhiều thanh thiếu niên tụ tập nẹt pô, đua xe gây bất an cho người dân; Nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn học cao đẳng thay vì đại học...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên