Từ tháng 6-2024, Tập đoàn Viettel đã gửi văn bản đến các địa phương thông báo chỉ duy trì việc cung cấp miễn phí dịch vụ vận hành hệ thống VBDLIS tối đa ba ngày/tuần đến hết tháng 9-2024. Sau thời gian này, đơn vị này sẽ ngừng cung cấp miễn phí dịch vụ với lý do tập trung nhân lực và vật lực cho các địa phương đã ký hợp đồng.
Chỉ qua chỉ lại, hàng loạt hồ sơ nhà đất bị ùn ứ
Ngày 27-6, phần mềm VBDLIS do Tập đoàn Viettel cung cấp cho Tiền Giang đã tạm ngưng, doanh nghiệp này cũng gửi thông báo cho biết chỉ cung cấp dịch vụ miễn phí vận hành hệ thống VBDLIS ba ngày/tuần. Ngay sau đó, một số người dân khi đến các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục nhà đất đã bị ảnh hưởng do phần mềm gián đoạn.
Ông Phạm Nguyên Khang (người dân xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã gặp "rắc rối" khi đi làm các thủ tục nhà đất. Ông Khang được cơ quan chức năng thông báo không thể giải quyết và kêu liên hệ Viettel. Khi liên hệ Viettel, ông Khang cũng thất vọng ra về khi được thông báo chỉ hỗ trợ miễn phí dịch vụ trong ba ngày/tuần.
"Họ chỉ làm các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Khi mình đi trúng ngày thứ ba, thứ năm hay thứ bảy, họ trả lời không có giải quyết thủ tục, đành phải đi về. Mình chỉ đi liên hệ công chứng thôi mà Phòng TN&MT bị vướng nên rất khó khăn. Lẽ ra cơ quan chức năng phải bố trí người trực để nhận hồ sơ cho người dân. Còn đằng này mình mang hồ sơ đến nhưng được bảo là không làm, mất thời gian quá", ông Khang bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Phương, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi xảy ra vụ tạm ngừng cung cấp hệ thống VBDLIS, cơ quan này đã có văn bản đề nghị Viettel tiếp tục duy trì và "cầu cứu" đến Bộ TN&MT có ý kiến để Viettel mở trở lại thông suốt. "Hệ thống VBDLIS đã được mở trở lại để hoạt động liên tục, không còn khóa đứt quãng các ngày như trước nữa", ông Phương cho hay.
Ngày 18-6, khi Viettel gửi văn bản đến UBND tỉnh Tiền Giang và Sở TN&MT tỉnh này, trong đó cho biết sẽ xem xét tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn phí cho các tỉnh thành chậm trễ, không ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Theo ông Phương, sau khi làm việc với Viettel để được mở lại, Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang đang thực hiện các thủ tục để có thể thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.
"Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến đến Tập đoàn Viettel hỗ trợ cho duy trì miễn phí hệ thống VBDLIS được liên tục để không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trong thời gian tỉnh hoàn thành các thủ tục tiến hành thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo quy định", ông Phương nói thêm.
Vẫn đang "tích cực" xúc tiến thủ tục đấu thầu
Theo văn bản được gửi đến cơ quan chức năng Tiền Giang, Viettel cho biết hệ thống VBDLIS được triển khai tại địa phương rất hiệu quả với số lượng giao dịch gần 13.000 hồ sơ/tháng, kết nối với các hệ thống của cơ quan thuế, hệ thống phục vụ hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, số lượng nhân sự và tài nguyên hạ tầng công nghệ thông tin đang được doanh nghiệp này tập trung ưu tiên cho các địa phương đã ký hợp đồng thuê dịch vụ nên chỉ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ miễn phí vận hành hệ thống VBDLIS cho tỉnh này ba ngày/tuần.
Tương tự, Sở TN&MT tỉnh Long An cũng chỉ có ba ngày/tuần có thể làm việc trên phần mềm VBDLIS do bị Viettel "khóa" các ngày còn lại về yêu cầu thực hiện các thủ tục thuê phần phềm để sử dụng. Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An, việc tiếp nhận hồ sơ của người dân vẫn diễn ra trong các ngày còn lại.
"Nhưng phải chờ ngày được mở hệ thống mới nhập dữ liệu vào được. Về lâu dài, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung" - ông Thuấn nói và cho biết cơ quan này đang tích cực thực hiện các thủ tục để có thể đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cung cấp phần mềm và hạ tầng thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai trong quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo ông Thuấn, phương án thuê dịch vụ là khả thi nhất bởi chi phí rất cao, thời gian thực hiện kéo dài, không có nhiều đơn vị cung cấp và các đơn vị này cũng hướng đến mục đích cho thuê nên không thể thực hiện phương án tự xây dựng hệ thống. Dù vậy khi xây dựng phương án thuê phần mềm và hạ tầng thiết bị trước đây, một vướng mắc đã phát sinh là sản phẩm thuê phải được công nhận là hoàn thiện theo quy định.
"Nhưng vào thời điểm đó, chưa có phần mềm nào được bộ thẩm định là đảm bảo tiêu chí này", ông Thuấn cho hay. Do vậy, theo ông Thuấn, khi lên các phương án xét duyệt, lựa chọn nhà cung cấp phần mềm và hạ tầng thiết bị trong thời gian tới, Long An sẽ đưa vào tiêu chí phải được bộ thẩm định, cho ý kiến là đảm bảo bộ tiêu chí nói trên thì mới có thể ký kết hợp đồng.
"Để giải quyết vấn đề trước mắt, sở cũng đã chủ động mời Viettel làm việc và đề nghị đơn vị này có thể hỗ trợ trong thời gian tỉnh hoàn tất các thủ tục, phương án thuê. Lộ trình hoàn tất các thủ tục cũng như các phương án thuê sẽ được đưa ra để phía Viettel có thể tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp phần mềm của Long An sắp tới", ông Thuấn cho biết.
Và trong khi chờ cơ quan chức năng thuê phần mềm, người dân ở nhiều nơi phải đi lên đi về do hồ sơ "đóng băng" khi hệ thống VBDLIS bị ngắt.
Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo
Ngày 9-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT), cho biết Viettel thông báo ngừng cung cấp dịch vụ cách đây hơn một năm, từ tháng 6-2023. Tháng 5-2023, Bộ TN&MT cũng đã có văn bản thông báo gửi các địa phương đề nghị chủ động, tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Bộ TN&MT đã có văn bản đốc thúc các địa phương cả năm nay rồi. Có địa phương "kêu" trình tự thủ tục mất thời gian, có nơi lại cho biết do kinh phí khó khăn. Trình tự thủ tục để tiêu tiền ngân sách phải qua nhiều bước, mất thời gian nên bị chậm.
Theo Luật Đất đai 2024 và các nghị quyết trước đó, trách nhiệm lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thuộc về các địa phương. Các địa phương phải tự chủ động, không liên quan gì đến trung ương trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin hay nâng cấp phần mềm", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, ngày 20-6 vừa qua, Bộ TN&MT cũng đã có văn bản số 3983 về "đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai" gửi UBND các địa phương, trong đó đưa ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, đồng thời đề nghị UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện.
"Không ít địa phương "chuyển mình" chậm nhưng cũng có địa phương triển khai nhanh chóng và đã thuê được phần mềm. Ví dụ như Trà Vinh là địa phương làm rất tốt", ông Tuấn cho biết.
Không thể để gián đoạn giải quyết thủ tục đất đai cho dân
Việc Viettel cung cấp dịch vụ dữ liệu ba ngày/tuần sẽ rất khó giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân kịp thời do khối lượng công việc bị dồn, áp lực giải quyết hồ sơ trên hệ thống VBDLIS rất lớn, thiết bị và nhân lực không đảm bảo...
Nhiều địa phương đã thừa nhận như vậy khi cho biết thủ tục đất đai phụ thuộc vào hệ thống VBDLIS. Chẳng hạn 100% thủ tục hành chính về đất đai tại Đắk Lắk đều thông qua hệ thống VBDLIS. Tiền Giang có số lượng giao dịch VBDLIS khoảng 13.000 hồ sơ/tháng, Long An khoảng 21.000 hồ sơ/tháng...
Chậm ký hợp đồng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ
Những năm qua VBDLIS (do Tập đoàn Viettel triển khai) được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hệ thống hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đất đai.
Ban đầu VBDLIS được Viettel cung cấp cho các tỉnh thành thuộc dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (viết tắt VILG) được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án bắt đầu triển khai năm 2017 và đã kết thúc năm 2022.
Theo Viettel, VBDLIS được doanh nghiệp duy trì vận hành miễn phí cho gần 36 tỉnh thành trên toàn quốc với 388/705 huyện, gồm 28 tỉnh thành cả nước thuộc dự án VILG và 8 tỉnh ngoài dự án VILG từ tháng 1-2021 đến nay. Tuy nhiên doanh nghiệp này không thể kéo dài việc cung cấp dịch vụ miễn phí.
Thời gian qua doanh nghiệp này thường xuyên đốc thúc các địa phương xúc tiến việc ký hợp đồng thuê dịch vụ nhưng đến nay chỉ mới một vài địa phương thực hiện. Do đó mới đây Viettel thông báo đến các địa phương sẽ duy trì cung cấp dịch vụ miễn phí vận hành hệ thống VBDLIS tối đa ba ngày/tuần đến hết tháng 9-2024.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một tỉnh phía Nam có sử dụng dữ liệu đất đai VBDLIS đã xảy ra việc chậm trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân. Điển hình như trường hợp ông N.A.T. thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù phiếu hẹn trả kết quả vào chiều 7-6 nhưng đến ngày 10-6 hồ sơ vẫn chưa được tính thuế.
Trong khi theo thủ tục phải hoàn tất đóng thuế, phí liên quan thì mới được cấp giấy. "Lý do bên cơ quan thuế nói rằng hệ thống dữ liệu bị ách tắc giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế nên vẫn chưa có dữ liệu để tính thuế", ông T. nói.
Tương tự, nhiều trường hợp người dân làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa thế chấp... tại cơ quan đăng ký đất đai cũng bị chậm trễ so với trước vì dữ liệu "nhỏ giọt". "Việc chậm trễ xóa đăng ký thế chấp nhà đất thôi đã khiến người dân phải chịu thêm lãi vay ngân hàng, gặp khó khăn khi giao dịch mua bán nhà đất hoặc thậm chí phải chịu đền cọc mua bán nhà" - một "cò" dịch vụ nhà đất than phiền.
Phải đảm bảo hạ tầng để phục vụ người dân
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, 36 tỉnh thành đã sử dụng miễn phí hệ thống dữ liệu đất đai của Viettel để giải quyết hồ sơ đất đai của người dân những năm gần đây. Nhiều địa phương cho rằng việc chậm trễ là do cần thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai từ Viettel bởi đây là việc phức tạp, kinh phí lớn, phải thực hiện theo đúng quy trình quy định pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, đơn vị triển khai hệ thống VBDLIS, đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng thuê dịch vụ. "Chúng tôi không thể cung cấp dịch vụ dữ liệu đất đai miễn phí mãi vì còn phải tập trung nhân sự và tài nguyên hạ tầng để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả cho các địa phương đã ký hợp đồng thuê dịch vụ", vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Trần Như Khuê, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Người dân, doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi phải được sử dụng dịch vụ công thuận tiện hơn, có nhiều tiện ích hơn.
Do vậy các địa phương, bộ, ngành có trách nhiệm đáp ứng đòi hỏi này để một mặt đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước, mặt khác vừa gia tăng nguồn thu ngân sách khi cung cấp ngày càng nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp từ dữ liệu đất đai. Các địa phương cần khẩn trương đầu tư, thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.
"Phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách cần ưu tiên xem xét, đảm bảo tiến độ, không thể để gián đoạn giải quyết thủ tục đất đai cho người dân khi nguy cơ là hiển hiện đến cuối tháng 9-2024. Người dân trả tiền và họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công được thông suốt, thuận tiện", bà Khuê nói.
TP.HCM phải hoàn thành thuê vận hành dữ liệu đất đai trước 30-8
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao các sở ngành triển khai quy trình, thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng hạng mục thuê phần mềm và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai TP.HCM.
UBND TP giao Sở TT&TT xin ý kiến của Ban cán sự Đảng UBND TP chấp thuận chủ trương triển khai. Sau khi có chủ trương, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc đấu thầu, ký hợp đồng thuê, hoàn thành trước ngày 30-8 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận