07/08/2019 08:48 GMT+7

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Bộ Tài chính Mỹ ngày 6-8 chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi phá giá đồng nhân dân tệ. Trung Quốc không giấu giếm phương án đáp trả. Nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ đang hiển hiện.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản tháng 6-2019 - Ảnh: AFP

Vài giờ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố quyết định liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) khẳng định Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" quyết định này.

PBOC cũng cho rằng Chính phủ Trung Quốc chưa hề và sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ để đối phó với những căng thẳng thương mại với Mỹ.

Đáp trả

Chính quyền Bắc Kinh ngày 5-8 đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua sản phẩm nông sản của Mỹ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thêm 10% thuế quan lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngay buổi chiều cùng ngày, đồng nhân dân tệ giao dịch tại Trung Quốc (CNY) cán mốc tỉ giá 7,0304 CNY đổi 1 USD, trong khi đồng nhân dân tệ giao dịch tại thị trường ngoại (CNH) đạt 7,0807 CNH/USD. Đây là mức yếu nhất của đồng nhân dân tệ so với đồng USD kể từ năm 2008.

Dù Trung Quốc sau đó khẳng định không biến đồng tiền của họ thành vũ khí trong chiến tranh thương mại với Mỹ, chính việc PBOC thiết lập tỉ giá sát mức báo động như trên lại cho thấy quốc gia này vẫn có thể thay đổi lập trường, kênh CNBC nhận định.

Trung Quốc đã đánh trúng 2 điểm nhức nhối nhất đối với tổng thống Mỹ. Thứ nhất, ông Trump vốn phản đối chính sách "đồng đô mạnh" và chỉ trích các quốc gia khác cố tình phá giá đồng tiền để hưởng lợi thế thương mại. Thứ hai, ông luôn muốn Trung Quốc mua hàng nông sản để giảm ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại đối với nông dân Mỹ.

Sau khi tỉ giá nhân dân tệ và đồng USD vượt quá lằn ranh đỏ, ông Trump lập tức đăng đàn Twitter, chỉ trích đây là "một vi phạm lớn" có thể khiến Trung Quốc yếu đi theo thời gian.

Tổng thống Mỹ không quên nhắc khéo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED): "Các anh có đang nghe không đấy, FED?". Câu hỏi này của tổng thống Mỹ một lần nữa hối thúc FED tiếp tục hạ lãi suất để đồng USD lấy lại lợi thế cạnh tranh và giúp giới làm ăn mạnh dạn đầu tư vào Mỹ.

Trước đó, ngày 31-7, FED đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Thế nhưng điều này vẫn chưa đủ để cả tổng thống Mỹ và các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Nguồn: BBC - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhưng vẫn chừa lối ra

Tính đến 12h10 ngày 6-8, tỉ giá chuyển đổi nhân dân tệ chốt ở mức 7,02202 nhân dân tệ đổi 1 USD, mạnh hơn mức 7,03518 trước đó nửa ngày. PBOC sáng 6-8 đã thiết lập tỉ giá nhân dân tệ tham chiếu là 6,9683 CNY đổi 1 USD. Động thái này cho thấy Bắc Kinh muốn làm chậm lại đà giảm giá.

Nói về việc PBOC để tỉ giá vượt ngưỡng 7 tệ đổi 1 đô, ông Marc Chand - trưởng chiến lược gia mảng thị trường của Bannockburn Global Forex - nói với CNBC: "Tôi cho rằng đây là tín hiệu lớn nhất của họ cho tới nay. Phía Trung Quốc ngầm ý rằng họ đang mất niềm tin vào việc có thể đạt được thỏa thuận cùng ông Trump. Tuy nhiên, tới nay họ vẫn sẵn sàng phối hợp và tiếp tục 'trò chơi'".

Tương tự, bài xã luận được đăng tải trên Thời Báo Hoàn Cầu, một tờ báo ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh, cũng nhận định việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ vẫn chỉ là "một động thái trả đũa điển hình".

Tờ này cho rằng chữ "ngừng" mà Bắc Kinh sử dụng hàm ý nước này vẫn để ngỏ một cơ hội để cả hai bên cùng đạt được giải pháp chung cho cuộc chiến thương mại. "Việc trì hoãn này sẽ kết thúc khi Mỹ thể hiện một thái độ tốt hơn" - bài báo viết, đồng thời cảnh báo: "Đây là một trong rất nhiều công cụ mềm mà Trung Quốc sở hữu. Dù không tỏ ra hung hăng, Trung Quốc vẫn sẽ giữ lời của mình như đinh đóng cột. Mỹ hơn bao giờ hết nên xem xét lại chiến lược tiếp cận Trung Quốc của mình".

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế nào là thao túng tiền tệ?

Thao túng tiền tệ (currency manipulation), hay còn được gọi là can thiệp thị trường ngoại hối, là một thao tác thuộc chính sách tiền tệ. Thao túng tiền tệ xảy ra khi một chính phủ hoặc ngân hàng trung ương mua hoặc bán đồng ngoại tệ để đổi cho đồng nội tệ của họ, nhìn chung là nhằm can thiệp tỉ giá hối đoái và chính sách thương mại.

Một quốc gia muốn khơi mào chiến tranh tiền tệ thường chủ động hạ thấp tỉ giá hối đoái. Đa số các nước thường neo tỉ giá đồng nội tệ của mình với USD vì đây là đồng tiền dự trữ toàn cầu, phương tiện thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các nước hiện nay đang áp dụng chính sách tỉ giá linh hoạt. Để làm được điều này, chính phủ phải tăng cung tiền để cung vượt cầu. Khi bơm tiền ra quá nhiều thì giá trị đồng tiền lập tức bị suy yếu, giảm xuống.

Ngoài chính sách tiền tệ nói trên, chính phủ một quốc gia cũng có thể dùng chính sách tài khóa mở rộng để tác động lên giá trị đồng tiền, như tăng chi tiêu công hay cắt giảm thuế khóa.

Chiến tranh tiền tệ - con dao hai lưỡi

Theo trang The Balance, các quốc gia khơi mào cho cuộc chiến tranh tiền tệ là nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Lý do là khi phá giá đồng nội tệ, hàng xuất khẩu của quốc gia đó, như Trung Quốc chẳng hạn, sẽ có lợi thế hơn, rẻ hơn trên thị trường nước ngoài. Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ tăng xuất khẩu hàng hóa, kiếm lời được nhiều hơn và từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Chiến tranh tiền tệ đồng thời khuyến khích đầu tư vào các tài sản trong nước. Thị trường chứng khoán cũng trở nên hấp dẫn hơn với khối ngoại. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tăng khi các doanh nghiệp nội được định giá thấp đi. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể đầu tư khai thác tài nguyên.

Ngoài cuộc chiến tranh tiền tệ nhiều người đang lo lắng sẽ bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại, thế giới từng chứng kiến nhiều cuộc tương tự. Điển hình nhất phải kể đến cuộc chiến tranh tiền tệ thứ nhất, kéo dài từ năm 1921 đến 1936. Cuộc chiến này bắt đầu với siêu lạm phát Weimar (Đức) với việc đồng tiền mất giá liên tục. Vào năm 1921, Đức đã buộc phải hủy đồng tiền của mình. Năm 1925, Pháp, Bỉ cùng một số nước khác cũng nối gót Đức.

Cuộc chiến tranh tiền tệ thứ hai nổ ra sau đó vào giai đoạn 1967 - 1987. Trong giai đoạn này, kinh tế Mỹ liên tiếp trải qua 3 thời kỳ khủng hoảng vào năm 1974, 1979 và 1980. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm 1974, kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, lạm phát vượt tầm kiểm soát vào những năm 1977 - 1981.

Cả hai cuộc này đều cho thấy một bài học duy nhất: chiến tranh tiền tệ thường không đem lại kết quả mong muốn như là tăng xuất khẩu và việc làm. Ngược lại, chiến tranh tiền tệ mang lại sự giảm phát hoặc lạm phát trầm trọng, suy thoái, khủng hoảng hoặc thậm chí là một cơn ác mộng kinh tế. Nước nào cũng giảm giá đồng tiền thì rốt cuộc không ai thật sự gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu cả và không nước nào có thể thoát khỏi suy thoái bằng cuộc chạy đua hạ giá tiền như vậy.

Trung Quốc Trung Quốc 'kiên quyết phản đối' Mỹ sau khi bị gán mác thao túng tiền tệ

TTO - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 6-8 khẳng định Trung Quốc "kiên quyết phản đối" quyết định của Mỹ dán nhãn nước này là "quốc gia thao túng tiền tệ".

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên