Hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đất đắp ở mỏ thương mại cũng vướng thủ tục
Theo nghị quyết của Quốc hội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026. Cao tốc này có ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 dài 18,2km. Còn dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai dài 19,5km.
Mới đây, Ban quản lý dự án 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án thành phần 2) đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai về các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp để đảm bảo tiến độ thi công.
Theo đó, đối với các mỏ thương mại ở tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý dự án 85 đã làm việc cùng đại diện các mỏ đá Tân Cang 1, 7, 8, 9 nhằm rà soát trữ lượng và nắm bắt vướng mắc về thủ tục pháp lý để khai thác vật liệu tầng phủ của các mỏ (bao gồm đất san lấp và đá phong hóa).
Theo báo cáo của các đơn vị quản lý mỏ, tổng trữ lượng vật liệu có thể khai thác của các mỏ Tân Cang 1, Tân Cang 7 và Tân Cang 8 là khoảng 1,5 triệu m³ đất tầng phủ và 2,2 triệu m³ đá phong hóa. Mỏ Tân Cang 9 trữ lượng vật liệu tầng phủ còn khoảng 3 triệu m³. Một số mỏ đã được nhà thầu thi công lấy mẫu thí nghiệm (Tân Cang 7, Tân Cang 8) cho thấy chất lượng đất tầng phủ tại các vị trí này đảm bảo tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, hiện các mỏ đều gặp các khó khăn khác nhau về thủ tục pháp lý, phương án khai thác chưa được phê duyệt nên chưa thể cung cấp ngay cho dự án theo tiến độ yêu cầu.
Do đó, Ban quản lý dự án 85 kiến nghị tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc và sớm chấp thuận cho phép sử dụng tầng phủ (nếu đạt chất lượng) của các mỏ đá để phục vụ nhu cầu vật liệu cấp thiết trước mắt của dự án...
Thời gian để hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không còn nhiều
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nằm trong danh mục 21 dự án được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo đó, có hai vị trí dự kiến khai thác đất đắp theo cơ chế đặc thù gồm nơi quy hoạch nhà ga T3 - sân bay Long Thành. Nơi này rộng khoảng 187ha, trữ lượng khai thác khoảng 5 triệu m³. Vị trí thứ hai là khu vực 16,15ha tại xã Phước Bình (huyện Long Thành) với trữ lượng khai thác khoảng 3,5 triệu m³.
Đối với nguồn đất từ nhà ga T3 sân bay Long Thành, tháng 2-2024, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết.
Tháng 3-2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan bổ sung khu vực khoáng sản vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án để tiến hành thủ tục khai thác theo các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép.
Tuy nhiên, thủ tục để khai thác đất đắp theo cơ chế đặc thù tại các vị trí nêu trên đến nay cũng chưa thông khiến các chủ đầu tư và nhà thầu rất lúng túng.
Theo Ban quản lý dự án 85, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phần lớn là nền đường đắp. Khối lượng đất đắp hai dự án thành phần đoạn qua tỉnh Đồng Nai là rất lớn, cần hơn 5 triệu m³. Nguồn đất đắp từ các mỏ thương mại chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, không ổn định về công suất và giá thành trong bối cảnh khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có quy mô lớn.
Hiện nay, thời gian thi công hoàn thành dự án như mục tiêu đề ra là không nhiều. Vì vậy, việc rà soát, sớm thống nhất cho phép nhà thầu thi công khai thác vật liệu đất đắp theo cơ chế đặc thù tại một số vị trí là hết sức cần thiết, đảm bảo sự thành công của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận