06/11/2017 07:05 GMT+7

Ngụy biện chọi trâu

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

TTO - Thuyết ngụy biện đã chết ngắt trong luận lý học hình thức của Hy Lạp từ khuya. Ấy vậy mà nó đột nhiên sống dậy trong "sự nghiệp" chọi trâu của một số giáo sư, tiến sĩ.

Ngụy biện chọi trâu - Ảnh 1.

Thuyết ngụy biện (Sophisme - tiếng Pháp, Sophisma - tiếng Hy Lạp) là một trường phái lý luận không theo một quan điểm luận lý học đúng đắn nào.

Cần phải khẳng định rằng chọi trâu rồi mổ thịt cả trâu thắng và trâu thua bán giá cao cho người mua ăn mong tìm được điều may mắn là hoạt động lễ hội đặc thù ở một vài tỉnh miền Bắc. 

Các tỉnh còn lại ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung và Nam không có "lễ hội" quái chiêu này. Văn hóa Việt khẳng định con trâu là vật nuôi hữu ích cho nền nông nghiệp; người nông dân xem con trâu là bạn, thậm chí là thành viên trong gia đình.

Ai cũng hiểu con trâu sẽ bị mổ thịt để lấy da làm trống, lấy thịt làm thực phẩm cho con người. Thế nhưng, người ta chỉ mổ thịt trâu ở những nơi kín đáo; không phơi bày cảnh mổ trâu ra trước mắt đám đông. 

Lòng thương yêu con vật nuôi hữu ích đã khiến người ta phải làm như vậy. Vì vậy mà ngành nông nghiệp khuyến khích giết mổ tập trung các loài gia súc trong các lò tễ sinh, không để cho phụ nữ và trẻ con nhìn thấy những hình ảnh đó.

Lễ hội là sinh hoạt nhằm hướng đến tính văn hóa, tiêu biểu cho văn minh của một cộng đồng, một xã hội, một đất nước. Cái được gọi là văn hóa thì phải đẹp; phải góp phần nâng cao tâm hồn con người. 

Chọi trâu để xem thảm cảnh con trâu bị thương thế nào, máu chảy ra sao rồi đem ra đập đầu (hay chích điện), mổ thịt công khai trước mắt nhiều người là hành động tàn bạo. Hoạt động văn hóa không chấp nhận sự tàn bạo.

Những biểu hiện tàn bạo đó không giúp cho ngành du lịch thăng hoa thêm mà ngược lại làm cho khách kinh sợ, gọi đó là hành động dã man.

Tiếc thay, một số giáo sư, tiến sĩ đã ngụy biện để bảo vệ và khuyến khích sinh hoạt chọi trâu. Nó không phải là sinh hoạt văn hóa và cũng không xứng đáng được gọi là lễ hội. 

Đưa ra lý luận "Các tổ chức bảo vệ động vật có công ước bảo vệ thú hoang dã chứ làm gì có công ước bảo vệ vật nuôi" để khuyến khích chọi trâu là rất phản luận lý. 

Đối với vật nuôi, người ta áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhân giống thành công, không cần thiết phải ra công ước bảo vệ như thú hoang dã nhưng lại có những quy định chặt chẽ về mổ thịt. Riêng chó và mèo thì có công ước bảo vệ vì chúng là bạn của con người!

Lại có ý kiến cho rằng chính báo chí, truyền thông đã "gây sức ép" lên các cơ quan quản lý (khiến chọi trâu thất thu?) quả là chuyện buồn cười. 

Báo chí phản ánh dư luận của nhân dân. Một người dân bình thường, có lòng nhân ái thì không muốn có hội chọi trâu. Lý luận kiểu này là đã coi thường sự hiểu biết của nhân dân về lễ hội rồi đó!

Đồng ý rằng Tây Ban Nha và một số nước nói tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ còn duy trì trò chơi đấu bò tót; nhiều nước phương Tây còn tổ chức thi đấu quyền Anh (box), đã có võ sĩ bị tử vong. Đó là chuyện của nước người; không phải người ta làm là Việt Nam cũng nên làm theo. 

Năm 2016, người dân Columbia đã yêu cầu bỏ hẳn trò chơi đấu bò. Người Tây Ban Nha không bao giờ mổ thịt con bò trước đám đông để bán giá cao. Và cũng nên hiểu rằng đấu sĩ đấu bò hay võ sĩ quyền Anh là một nghề để thỏa mãn nhu cầu giải trí; trong khi đó chọi trâu được phong lên đến chức "lễ hội văn hóa".

Các hoạt động đó hoàn toàn khác nhau, không thể đem ra so sánh được.

Một xã hội nhân ái như xã hội Việt Nam không thể chấp nhận loại hình chọi trâu hay chém heo công khai dù loại hình đó nấp dưới cái vỏ "lễ hội".

Các giáo sư, tiến sĩ không nên cổ súy cho hoạt động tàn bạo ấy vì ta là dân tộc văn minh!

Tổ chức động vật châu Á kêu gọi chấm dứt chọi trâu Đồ Sơn Nóng chuyện chọi trâu: bên chủ "hòa" - bên chủ "chiến" Lấy sự tàn bạo của chọi trâu làm trò vui lễ hội?
ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên