24/11/2024 12:15 GMT+7

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc

Chiều 26-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó ngưỡng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ là nội dung được nhiều người nộp thuế đặc biệt quan tâm.

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc - Ảnh 1.

Phần lớn hộ kinh doanh nhỏ lấy công làm lời nên việc tính thuế chưa hợp lý sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong ảnh: tiệm tạp hóa ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngưỡng doanh thu VAT hiện tại đang tạo áp lực lớn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong bối cảnh giá cả không ngừng leo thang và chi phí sinh hoạt tăng cao, việc điều chỉnh ngưỡng doanh thu không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là yêu cầu công bằng để duy trì sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nhỏ.

Ngành thuế cần lắng nghe và điều chỉnh kịp thời để ngưỡng doanh thu phù hợp hơn với thực tế. Đừng lo thất thu vì khi có điều kiện làm ăn, chúng tôi vẫn đóng góp qua nhiều hình thức khác, từ thuế VAT đến việc tiêu dùng thêm cho con cái, gia đình.
Chị Kim Trâm (chủ quán bún bò tại TP.HCM)

Đừng sợ rằng nới ra là thất thu thuế

Sau 10 năm duy trì ngưỡng doanh thu tính thuế VAT ở mức 100 triệu đồng/năm, ngành thuế mới đây đề xuất điều chỉnh nhưng lại bị cho là chưa đáp ứng được thực tế biến động giá cả. Người kinh doanh nhỏ lẻ - vốn chịu nhiều áp lực chi phí - đang mong mỏi một chính sách linh hoạt hơn để giảm gánh nặng.

Anh Thanh Tùng, chủ tiệm hủ tiếu tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết giá vốn mỗi ngày đã vượt 3 triệu đồng, bao gồm xương, thịt, bánh hủ tiếu, gia vị, gas, mặt bằng và chi phí lao động. Với mức doanh thu tháng đạt khoảng 90 - 100 triệu đồng, anh nghiễm nhiên nằm trong diện chịu thuế.

"Gia đình tôi ba người lớn làm quần quật từ sáng tới tối, thêm một người phụ nữa mà vẫn chỉ lấy công làm lời. Nhưng chúng tôi không được giảm trừ gia cảnh như người làm công ăn lương. Rất mong cơ quan thuế cân nhắc nâng ngưỡng doanh thu tính thuế để chúng tôi dễ thở hơn", anh bày tỏ.

Chị Kim Trâm, chủ quán bún bò tại TP.HCM, cũng đồng tình. Hai vợ chồng chị vừa bán hàng vừa nuôi hai con đang học cấp II và cấp III với nhiều khoản chi phí lớn. "Vật giá tăng từng ngày, đời sống ngày càng chật vật nhưng ngưỡng doanh thu tính thuế thì quá thấp. Chúng tôi không chỉ đóng thuế mà còn phải nộp trên toàn bộ doanh thu, không tính đến lời lãi thực tế. Điều này rất bất hợp lý", chị chia sẻ.

Theo chị Trâm, khi thu nhập không tăng tương xứng với chi phí sinh hoạt, người dân buộc phải chi tiêu tiết kiệm khiến việc kinh doanh của chị cũng khó khăn hơn. "Ngành thuế cần lắng nghe và điều chỉnh kịp thời để ngưỡng doanh thu phù hợp hơn với thực tế. Đừng lo thất thu vì khi có điều kiện làm ăn, chúng tôi vẫn đóng góp qua nhiều hình thức khác, từ thuế VAT đến việc tiêu dùng thêm cho con cái, gia đình".

Nhiều ý kiến cho rằng việc giữ nguyên ngưỡng tính thuế trong bối cảnh giá cả leo thang suốt một thập niên là chưa công bằng với hộ kinh doanh. Điều chỉnh linh hoạt không chỉ giúp người dân bớt áp lực mà còn khuyến khích hoạt động kinh doanh phát triển bền vững hơn.

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc - Ảnh 2.

Một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên đường Vườn Lài, An Phú Đông, quận 12, TP.HCM - Ảnh: BÉ HIẾU

Giao Chính phủ quy định để điều chỉnh kịp thời

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật VAT sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Mục tiêu là giúp điều hành chính sách kịp thời và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế, nhận định đây là giải pháp hợp lý, tránh tình trạng chờ trình và phê duyệt của Quốc hội làm chậm quá trình điều chỉnh. Ông nhấn mạnh việc bỏ quy định yêu cầu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động 20% trước khi Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh ngưỡng doanh thu là cần thiết. "Chúng ta cần tránh lặp lại sai lầm như quy định giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, vốn lạc hậu và không được sửa đổi dù đã bất cập nhiều năm", ông Tú nói.

Theo ông Tú, mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và công bố minh bạch. Ví dụ nếu ngưỡng là 200 triệu đồng hoặc 300 triệu đồng, Bộ Tài chính cần đưa ra căn cứ thuyết phục để người nộp thuế hiểu rõ và chấp nhận.

Một chuyên gia thuế lâu năm đồng tình và nhấn mạnh rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, người kinh doanh nhỏ lẻ đang chịu áp lực lớn. Họ không chỉ phải lo duy trì hoạt động mà còn dễ rơi vào cảnh nghèo nếu gặp biến cố.

"Hộ kinh doanh tuy được gọi là tiểu thương nhưng thực tế thu nhập chỉ đủ sống. Do đó chính sách cần mang tinh thần chia sẻ với người nộp thuế. Đừng vì lo thất thu mà đưa ra ngưỡng cứng nhắc. Thuế không mất đi mà sẽ "lọt sàng xuống nia", đóng góp gián tiếp qua tiêu dùng và đầu tư", ông nói.

Cả hai chuyên gia đều kêu gọi ngành thuế thay đổi tư duy, từ tận thu sang nuôi dưỡng nguồn thu, bởi "chỉ khi chính sách thể hiện sự chia sẻ, người nộp thuế mới sẵn lòng đóng góp, giúp nguồn thu ổn định và bền vững".

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hải Minh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với hàng tạp hóa chỉ đủ trang trải cuộc sống dè sẻn - Ảnh: YẾN TRINH

Cần lưu ý đặc thù của hộ kinh doanh

Tiến sĩ Lê Đình Thăng, kiểm toán trưởng chuyên ngành 2 (Kiểm toán Nhà nước), đồng tình với việc giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT. Ông đề xuất căn cứ tính ngưỡng này nên dựa trên mức lương cơ bản của Nhà nước. Chẳng hạn quy định ngưỡng doanh thu không vượt quá 7, 10 hoặc 15 tháng lương cơ bản. Với mức lương năm 2024 tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, ngưỡng doanh thu sẽ linh hoạt tăng theo.

Ông Thăng nhấn mạnh chính sách thuế cần khuyến khích sản xuất kinh doanh. Do đó ngưỡng doanh thu có thể khác nhau tùy ngành nghề. Ngành nghề cần thúc đẩy có thể đặt ngưỡng cao hơn, như 300 hay 500 triệu đồng, để hỗ trợ người dân đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nên áp dụng chung một ngưỡng doanh thu để đảm bảo tính minh bạch và dễ thực hiện. Đồng thời thuế suất chỉ nên ở mức thấp 1-2% để khuyến khích tuân thủ.

Đặc biệt với người kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh và tự xoay xở, việc đánh thuế cần tránh mục tiêu tận thu, thay vào đó là nuôi dưỡng nguồn lực và tạo điều kiện để họ ổn định kinh doanh.

Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Đảm bảo tính linh hoạt, sát với thực tế

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT được đánh giá là phù hợp. Ngưỡng này cần được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế, xã hội và tốc độ tăng trưởng từng thời kỳ.

Hiện nay nếu mỗi lần thay đổi ngưỡng phải trình ra Quốc hội để xem xét, quyết định sẽ gây chậm trễ và kém hiệu quả. Giao quyền cho Chính phủ sẽ tăng tính chủ động, trách nhiệm và đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tế.

Điều này không chỉ giúp chính sách thuế kịp thời thích nghi với bối cảnh kinh tế mà còn giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp. Cụ thể mức ngưỡng sẽ do Chính phủ nghiên cứu và quy định dựa trên đánh giá khách quan về tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Có thể nâng lên 300 - 400 triệu đồng

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hằng năm không chịu thuế VAT được đánh giá là phù hợp, giúp điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện kinh tế - xã hội.

Nếu tiếp tục giữ quy định chỉ điều chỉnh khi CPI tăng trên 20%, việc thực hiện sẽ trở nên bất khả thi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Ngược lại nếu biến động lớn xảy ra, việc phải trình và phê duyệt liên tục cũng sẽ gây mất thời gian và không hiệu quả.

Thực tế nhiều cử tri và chủ hộ kinh doanh nhận định ngưỡng doanh thu hiện hành đã lỗi thời, gây nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Việc nâng ngưỡng lên 200 triệu đồng/năm, gấp đôi mức hiện tại, như đề xuất trong dự thảo là hợp lý. Mức này có thể áp dụng ngay khi luật có hiệu lực.

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc - Ảnh 4.

Đa phần người buôn bán nhỏ chỉ lấy công làm lời - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Nỗi lo của hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Bà Châu Thị Liên, tiểu thương chợ Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), chia sẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu như đồ gia vị, tạp hóa nhưng năm nay sức mua giảm mạnh, thu nhập chỉ bằng 40 - 50% so với trước. Lãi mỗi ngày chỉ vài chục nghìn đồng, không đủ để trang trải chi phí mặt bằng, điện, rác, hoa chi và thuế, trong khi riêng tiền hoa chi và thuế đã hơn 350.000 đồng/tháng.

Tương tự, ông Trần Văn Điển - chủ tiệm phở ở quận Bình Thạnh - cho biết mỗi ngày bán khoảng 20 tô phở với doanh thu 800.000 đồng. Dù vậy tiền mặt bằng và nhân công đã vượt 25 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí nguyên liệu. Ông cho rằng ngưỡng chịu thuế phải cao hơn 200 triệu đồng, bởi giá hàng hóa tăng liên tục, đặc biệt là chi phí đầu vào.

Tại chợ Cồn (Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị Nhung - kinh doanh đồ dùng thường ngày - nhận định mức doanh thu 550.000 đồng/ngày để chịu thuế là bất hợp lý. Bà nhấn mạnh rằng ngưỡng chịu thuế nên tăng lên để tiểu thương có thể duy trì kinh doanh.

Trong khi đó, ông Lê Văn Dũng - một hộ kinh doanh ăn uống tại TP Cần Thơ - chia sẻ quán phở của ông có doanh thu hơn 3 triệu đồng/ngày nhưng chi phí chiếm quá nửa. Ông đề xuất ngưỡng chịu thuế cần từ 300 triệu đồng/năm trở lên hoặc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để người dân dễ thở hơn.

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh: Hãy lắng nghe người trong cuộc - Ảnh 5.Tính thuế VAT cá nhân, hộ kinh doanh: Ngưỡng 200 triệu đồng/năm quá thấp, bán 1 bó hoa đã đóng thuế?

Cần xem xét lại ngưỡng doanh thu tính thuế, mức 200 triệu đồng/năm là quá thấp. Cũng không nên quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% mới điều chỉnh doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên