Ngày 18-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Châu Trần Vĩnh - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết nước là tài nguyên và cũng giống như ngân sách nhà nước, cần điều tiết cho các mục đích sử dụng.
70 - 80% lượng nước tập trung hết vào mùa lũ
* Thưa ông, hiện nay nguồn nước đang được phân bổ ra sao?
- Trong những năm qua nguồn nước được phân bổ hài hòa, hợp lý, kết hợp với bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên các lưu vực sông.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nước tăng nhanh chóng, trong vòng 50 năm qua đã tăng gấp 3 lần. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỉ m3/năm.
Mâu thuẫn trong khai thác sử dụng nước gia tăng, trong bối cảnh nhiều nguồn nước bị suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở nhiều dòng sông, hạ lưu các sông chính như sông Hồng, sông Mã, sông Cả…
Hiện nay chúng ta chỉ mới quan tâm nước ở hạ du, nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện. Ưu tiên nhưng có phần cứng nhắc, chưa có quy định mềm theo thời gian. Ví dụ vào vụ đông xuân ở miền Bắc thì nước rất cần cho nông nghiệp, tuy nhiên sau vụ thì thứ tự cấp nước phải nhường cho lĩnh vực khác.
Hay có những thời điểm trong ngày có điện mặt trời thì nên giảm tần suất phát thủy điện để dành nước cho thời điểm thiếu điện…
Tổng lượng nước của Việt Nam là 840 tỉ m3/năm nhưng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, sông Đồng Nai... 70 - 80% lượng nước tập trung hết vào mùa lũ, 20 - 30% là ở mùa cạn. Giải pháp giữ nước cho mùa lũ nhưng khi có lũ về phải chống được lũ thì vô cùng khó.
Tổng lượng nước chúng ta không thiếu nhưng lượng nước trong lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 40%, 60% bên ngoài lãnh thổ… Bài toán khó nhất là giải quyết nước cho mùa cạn và nước theo vùng, miền. Vậy nên để điều hành nguồn nước một cách hiệu quả nhất phải cần đến nền tảng công nghệ số, tự động, trực tuyến.
Tôi cho rằng để xây dựng nền tảng công nghệ số, vận hành nguồn nước thông qua chiếc smart phone là rất khó nhưng nếu không làm, không đầu tư thì sẽ không bao giờ điều hành nguồn nước một cách khoa học, hiệu quả được.
Ứng phó thế nào trước hiện tượng El Nino?
* Ứng phó thế nào trước hiện tượng El Nino (có thể gây thâm hụt lượng mưa từ 25 - 50%) được dự báo duy trì đến năm 2024?
- Sang năm hiện tượng El Nino dự báo sẽ thiếu nước, chúng tôi đã chuẩn bị các tình huống. Để vận hành phải căn cứ vào tình huống rất cụ thể.
Cần điều tiết đến ngày 15-9 các hồ Hòa Bình, Sơn La phải tích nước dần. Để tích đủ nước hồ thủy điện lớn nếu không có lũ phải mất cả tháng, tuy nhiên nếu vận hành không khéo sẽ gây lũ chồng lũ. Còn ở miền Trung thì tháng 10, tháng 11 phải theo dõi sát sao để giữ nước cho mùa cạn.
Hiện nay có 11 lưu vực sông vận hành liên hồ chứa đều hướng tới giảm lũ hạ du, cuối mùa lũ phải tích nước cho mùa cạn.
Bảo đảm dự trữ nguồn nước trong các hồ, cân đối đủ nguồn nước cho 7 - 9 tháng mùa cạn.
Còn ở các hồ nhỏ, không nằm trong điều tiết của hồ chứa liên hồ thì trách nhiệm quản lý, điều tiết của các địa phương.
Vận hành nguồn nước phải theo từng vùng, ngoài miền Bắc bắt buộc chống lũ, tuy nhiên từ Thanh Hóa trở vào giảm lũ, nhiệm vụ phải giữ được nước cho mùa hạn…
Phải chủ động, có các giải pháp cụ thể cho từng hồ, từng vùng để vận hành nguồn nước một cách hiệu quả nhất.
Sẽ không ưu tiên phân bổ cho ngành, tổ chức, doanh nghiệp, đối tượng… sử dụng nước không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Nước là tài nguyên và cũng giống như ngân sách nhà nước, cần phải điều hòa, điều tiết cho các mục đích sử dụng. Hiện nay hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành của Việt Nam còn thấp. Giá trị sử dụng nước chỉ tạo ra 2,37 USD/m3, chỉ bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.
Dự kiến 5 tháng một lần sẽ công bố bản đồ thiếu nước theo từng khu vực
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: "Hiện nay cứ có hạn thì mới cứu hạn, khi có công cụ đủ mạnh thì tất cả các tình huống sẽ có kịch bản trước.
Ví dụ chưa có hạn hán thì sử dụng bình thường, nhưng khi có hạn thì các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân phải sử dụng nước ra sao?
Sắp tới chúng tôi sẽ công bố bản đồ thiếu nước theo từng khu vực, dự kiến 5 tháng công bố một lần, ví dụ màu xanh là ở mức được sử dụng nước bình thường, nhưng khi màu vàng và màu đỏ thì phải thật tiết kiệm, ở mức cảnh báo...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận