TTCT - Trong thế giới hỗn mang thông tin hậu hiện đại, những tư liệu của cuốn sách như những mỏ neo cần cho các luận cứ suy xét. Ảnh: M.N.Tất cả những chi tiết của cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì đã được tác giả thu thập từ một kho tư liệu khổng lồ, gồm cả những tài liệu chưa công bố trong Cục Lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, và những tư liệu lịch sử của chính người Đức kể về cuộc chiến tranh của Đức chống Liên Xô. Tựa của cuốn sách, nghe như một câu hỏi nhưng lại không hề có dấu chấm hỏi, là một sự trình bày rành mạch một vấn đề lớn lao: vì sao hàng triệu người Xô viết phải bỏ mình trong một cuộc chiến tranh hủy diệt.Một Holocaust thứ haiKhông, bạn đừng vội nghĩ: ồ, lại một cuốn sách kể về những tội ác man rợ của phát xít Đức, những hố chôn người, Holocaust… Vâng, có những chi tiết đó, nhưng cuốn sách này không đặt mục đích kể về những tội ác đó. Trong cuốn sách này, chúng là những con số, những câu chuyện để minh họa cho những luận điểm thuyết phục, rõ ràng, giúp bạn hiểu tận tường về cuộc chiến tranh mà đến nay, sau hơn 70 năm, trải qua bao nhiêu sóng gió thời cuộc và những biến động địa chính trị, thậm chí đất nước hứng chịu cuộc chiến thảm khốc đó - Liên Xô - không tồn tại nữa, nhưng những cựu binh ít ỏi còn sót lại và con cháu của họ, những thế hệ tiếp nối, vẫn tự hào gọi đó là “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, bất chấp những hệ tư tưởng nào đã đi qua đất nước này. Và để hiểu vì sao vào lễ Ngày chiến thắng hằng năm 9-5, vẫn có cuộc tuần hành của những “binh đoàn bất tử”. Những con, cháu, chắt mang chân dung những ông, cha, họ hàng thân thuộc đã ngã xuống lặng lẽ đi qua trung tâm thủ đô, những thành phố lớn, để nhắc nhở đồng loại và chính mình. Để nhớ.Trong 9 chương của cuốn sách, sử gia A. Dyukov trình bày cho độc giả thế nào là “Chiến tranh kiểu quốc xã” về “Giải pháp vấn đề Do Thái” của cuộc chiến, về biện pháp “Tiêu thổ”… Đúng với tiêu chí của một cuốn sách tư liệu, A. Dyukov không kể lại một câu chuyện bằng giọng điệu chủ quan. Tất cả những chi tiết của cuốn sách đã được tác giả thu thập từ một kho tư liệu khổng lồ. Chúng hợp thành từ những tài liệu chưa công bố trong Cục Lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, đến những tài liệu đã được công bố. Trong số đó, không chỉ là những tư liệu có tính chính thống, như tài liệu của phiên tòa Nürnberg mà còn có những tư liệu lịch sử của chính người Đức kể về “Cuộc chiến tranh của Đức chống Liên Xô”, về “Những cuộc nói chuyện bên bàn ăn của Hitler”… trong nỗ lực minh bạch hóa thông tin về cuộc chiến tranh, cũng như của chính những đồng minh của phát xít như những tư liệu viết từ Latvia, Litva.Chúng thuyết phục bởi đó chính là hồi ký của các bộ trưởng, tướng quốc xã lẫn các binh lính từng tham trận trong Thế chiến thứ hai, từ những thừa nhận “Chúng tôi là nạn nhân của một sai lầm”, những “Tiết lộ và thú nhận” của chính các quân nhân Đức…Dĩ nhiên, không thể thiếu những tiếng nói của các nhân chứng. Và đó cũng không chỉ là những nạn nhân Do Thái, những du kích quân, những nhà báo chiến trường, những thường dân Liên Xô mà số phận đẩy đưa họ phải sống vào một trong những thời điểm kinh khủng nhất của nhân loại. Còn có những nhân chứng Đức: từ các thống chế đến những sĩ quan tùy tùng; từ những người lính viễn chinh đến những thường dân…Tất cả được tập hợp để khắc họa lại cho những thế hệ đi sau, bức tranh toàn cảnh dự án địa chính trị của Hitler nhằm tiêu diệt hệ tư tưởng Bôn-sê-vich và “lũ người hạ đẳng”, cuộc chiến tranh hủy diệt của phát xít Đức trên những lãnh thổ Xô viết bị chiếm đóng, mà theo định nghĩa của chính các sử gia Đức, là một Holocaust thứ hai.“Ngày nay, không thể cho phép ký ức về hàng triệu con người bị sát hại một cách lạnh lùng biến mất chỉ vì họ từng là công dân Xô viết. Chúng ta phải nhớ về họ - người Nga và người Ukraine, người Belarus và người Do Thái, đàn ông và phụ nữ, người già và trẻ em.Chừng nào còn sống, chúng ta sẽ còn nhớ mãi.Hoặc đúng hơn là - chúng ta sẽ sống đến chừng nào còn nhớ mãi tất cả những điều này”. (Đoạn kết của cuốn sách)Ký ức lịch sử bị đứt đoạnSau 9 chương sách phác lại hình ảnh đa chiều của cuộc chiến, trong lời kết, tác giả giải thích vì sao tư liệu về cuộc chiến có tính định mệnh này lại quá ít ỏi thời Liên Xô, phân tích những sai lầm của Matxcơva trong việc tập hợp và công bố những tuyển tập hồ sơ, tài liệu cho công chúng. “Trong thời chiến tranh, đã có hàng ngàn bài báo và hàng chục cuốn sách viết về cuộc chiến. Alexei Tolstoy và Mikhail Sholokhov, Ilya Ehrenburg và Konstantin Simonov, với toàn bộ sức mạnh tài năng của nhà văn, đã thuật lại cho đất nước và thế giới về địa ngục trần gian mà phát xít Đức đã tạo dựng trên những vùng đất Liên Xô bị chiếm đóng. Sự thật còn khủng khiếp hơn bất cứ sự bịa đặt nào; các nhà văn và nhà báo đã trích dẫn những mệnh lệnh của các chỉ huy Đức, nhật ký và thư từ của binh lính và sĩ quan Đức - và như thế là quá đủ… Thế nhưng những tuyển tập này chỉ được xuất bản đến khoảng 15 - 30 năm sau đó… mà vì mục đích ngăn chặn sự phát triển mầm mống hận thù giữa các dân tộc sống trên lãnh thổ Liên Xô mà phát xít Đức đã gieo mầm trước đó, một lệnh cấm bất thành văn đã được áp dụng cho những nghiên cứu về sự chiếm đóng của phát xít Đức: nghiên cứu tỉ mỉ về chủ đề này có thể phá vỡ nền hòa bình trong nước và làm nghiêm trọng thêm vấn đề giữa các dân tộc”.Ông nhận định: Điều này dẫn tới một nghịch lý là tại Đức, Ba Lan và Israel, các nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh hủy diệt ở mặt trận phía đông còn có căn cứ hơn nhiều so với tại Liên Xô và sau đó là Nga: chỉ riêng ở Đức (cả hai phía của bức tường Berlin) trong vòng 30 năm, vài chục chuyên khảo về chủ đề này đã được xuất bản… trong khi “khoa học Xô viết đã cao ngạo bỏ qua các nghiên cứu này trong khi không tiến hành nghiên cứu của riêng mình”. Ảnh tư liệu của sư đoàn cảnh sát SS từ làng Sinyavino (Leningrad): “Giá treo cổ”. -Ảnh: zhurnal.lib.ruA. Dyukov thừa nhận điều mà ông gọi là “khoa học lịch sử chính thống tự nguyện buông vũ khí”, nên khi cần, như trong tình hình bị vu khống hiện nay, ở nước Nga “không có ai” để lên tiếng phản đối: quá thiếu những nhà nghiên cứu có tính hệ thống lịch sử Holocaust thứ hai này.Sự im lặng trong tư liệu của Liên Xô đã khiến ký ức lịch sử bị đứt đoạn. Mà chỉ nắm được những tư liệu này, con người hiện đại mới có thể hiểu hết bản chất những xung đột hiện nay giữa những quyền lực trên không gian hậu Xô viết.Những ai cầm trên tay cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì sẽ không phủ nhận được tính công phu của việc tập hợp tư liệu. Gần 200 trên tổng cộng 446 trang sách dành cho việc liệt kê các phụ lục, danh mục tham khảo và chú thích - một kho tàng tư liệu quý báu cho bất kỳ ai quan tâm tới lịch sử Thế chiến thứ hai.Không chỉ thế, tính thuyết phục của kho tư liệu càng tăng nhờ có sự đối chiếu chéo các đề mục, các thông tin tra cứu. Những vụ thảm sát, những sự kiện diệt chủng… được soi chiếu từ những tư liệu và góc nhìn khác nhau để đạt được tối đa tính khách quan của sự kiện, và từ đó là sự chân thực của lịch sử.Trong thế giới hỗn mang thông tin hậu hiện đại, những tư liệu của cuốn sách như những mỏ neo cần cho các luận cứ suy xét. Cuốn sách không đặt câu hỏi, mà là lời đáp trực tiếp lẫn gián tiếp cho rất nhiều câu hỏi bạn đang gặp phải trong dòng thời sự quốc tế hiện nay. ■ A.DyukovAlexander Dyukov sinh năm 1978 tại Matxcơva, nhà sử học, nhà chính luận Nga, điều phối viên của Nhóm thông tin về Tội ác chống lại loài người (IGCP), giám đốc quỹ “Ký ức lịch sử”, nhà nghiên cứu tại Viện lịch sử thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga.A. Dyukov có hơn 70 công trình nghiên cứu khoa học, được dịch ra nhiều thứ tiếng… Năm 2014, ông được phong trào nhân quyền quốc tế “Thế giới không có chủ nghĩa phát xít” trao giải thưởng cho hoạt động khoa học “nhằm tìm kiếm sự thật và bảo tồn ký ức lịch sử về những chiến sĩ chống chủ nghĩa phát xít…”. Tags: NgaChiến tranhSáchLiên XôĐiểm sáchXô ViếtChiến tranh thế giới
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Máy bay, xe không người lái mà TP.HCM thử nghiệm sẽ làm gì? CẨM NƯƠNG 16/11/2024 Việc TP.HCM là nơi tiên phong thí điểm máy bay, xe không người lái tại các khu công nghệ cao được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao.
Jake Paul đánh bại Mike Tyson sau 8 hiệp đấu QUỐC THẮNG 16/11/2024 Jake Paul đã đánh bại võ sĩ quyền Anh hạng nặng Mike Tyson trong màn so găng sáng nay 16-11 tại Mỹ.
Người Hà Nội gốc mà chỉ ba đời sống ở Hà Nội thì chưa đủ THIÊN ĐIỂU 16/11/2024 Giống như tranh luận thế nào là người Hà Nội gốc bao năm qua, khi PGS Phạm Xuân Thạch nêu quan điểm 'hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi' cũng nhận ý kiến nhiều chiều tưởng như chẳng có hồi kết.
Pháo tầm xa hạng nặng của Triều Tiên xuất hiện tại Nga? THANH HIỀN 16/11/2024 Hình ảnh do các blogger quân sự đăng tải cho thấy các khẩu pháo tầm xa của Triều Tiên đã được vận chuyển đến Krasnoyarsk (Nga) bằng tàu hỏa.