Châu Kỳ (1923 - 2008) là một trong những nhạc sĩ gạo cội của nền tân nhạc Việt Nam với gần 200 sáng tác.
Trong đó, nhiều tác phẩm của ông đã ăn sâu vào tâm trí khán giả như Thương về miền Trung, Con đường xưa em đi, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Đừng nói xa nhau, Được tin em lấy chồng, Giọt lệ đài trang, Túy ca…
Sau nhiều trắc trở trong chuyện tình cảm, Châu Kỳ may mắn tìm được "một nửa" thật sự của đời mình, đó là bà Kha Thị Đàng. Người đã gắn bó với cuộc đời ông gần 60 năm, từ năm 1956 và cùng chồng bôn ba khắp nơi.
"Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời".
Bà Kha Thị Đàng bật khóc thổ lộ
Hà Thúy Anh truyền tải những cảm xúc mạnh mẽ qua ca khúc ‘Con đường xưa em đi
Ca khúc Con đường xưa em đi chính là bài hát bắt đầu mối lương duyên của nhạc sĩ Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng.
Xuất hiện trong Người kể chuyện tình, bà Kha Thị Đàng không ngại nói về sự ra đời của tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian dài:
"Bài hát được sáng tác lúc chúng tôi làm việc ở nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Chính những hình ảnh này đã gợi cảm hứng cho Châu Kỳ viết nên những giai điệu cho bài hát, gửi tặng cho tôi".
Nam Cường trình bày ca khúc 'Thương về miền Trung'
Trong chương trình, Nam Cường tái hiện lại hình ảnh chàng nhạc sĩ trẻ Châu Kỳ trong những ngày đầu xa quê vào Sài Gòn lập nghiệp cùng cuộc gặp gỡ định mệnh với Mộc Lan, nàng ca sĩ gốc Hải Phòng thời ấy.
Tiếp nối hành trình của những chuyện tình buồn trong cuộc đời cố nhạc sĩ Châu Kỳ, Phú Quí và Thu Trang có một sự kết hợp đầy xúc động và kịch tính với hai ca khúc Giọt lệ đài trang và Khuya nay anh đi rồi.
Hai ca khúc tái hiện mối tình nhỏ gắn với kỉ niệm buồn của Châu Kỳ. Đây được coi là giai đoạn tăm tối nhất, đau buồn nhất trong cuộc đời cố nhạc sĩ vì mất đi người mình yêu thương.
Phú Quí trong vai người nhạc sĩ nghèo trình diễn ca khúc 'Giọt lệ đài trang'
Đó là chuyện nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang. Cô yêu Châu Kỳ say đắm, nhưng bị gia đình, mà nhất là bố dượng quyết tâm ngăn cấm. Tìm mọi cách vẫn không đến được với người yêu, cô nữ sinh chung tình, dại dột quyên sinh.
Thu Trang hóa thân thành Đoàn Thị Sum với số phận bạc mệnh qua ca khúc 'Khuya nay anh đi rồi'
Không giấu được nước mắt, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ rưng rưng kể về quá trình ra đời bài hát Giọt lệ đài trang:
"Ngày cô ấy chết anh Châu Kỳ không biết gì hết. Mãi đến 10 năm sau đám cưới của chúng tôi, anh ấy dẫn tôi về lại nơi xưa thì mới hay cô ấy đã tự tử. Tôi ra mộ cô và khóc rất nhiều, tôi hứa sẽ làm cho mối tình này sống mãi với thời gian. Chính từ đó ca khúc Giọt lệ đài trang ra đời".
Đau buồn, tuyệt vọng vì người yêu qua đời, Châu Kỳ đã bỏ Nha Trang vào Sài Gòn và tìm quên trong men rượu. Cũng trong những ngày tháng đó Châu Kỳ đã sáng tác ca khúc Tuý ca vào năm 1973, dựa trên phần thơ của thi sĩ Trương Minh Dũng,
Phía sau sự thành công của Châu Kỳ chính là Kha Thị Đàng. Có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống "chung cái nghèo" với người chồng nhạc sĩ đến tận cùng cuộc đời. Cô ấy cũng chính là người khán giả theo suốt cuộc đời người nhạc sĩ.
Phương Dung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận