17/05/2024 12:00 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 4: Cười, khóc với mượn vàng, trả vàng

Ngay thời điểm giá vàng đang leo thang chóng mặt này, nhiều người ở thế kẹt vẫn phải mượn vàng, nhưng trước đây chuyện mượn và cho mượn vàng còn phổ biến hơn nhiều.

Suốt thời gian dài, nhiều chuyện mua bán của người Việt đều được quy ra vàng và cả việc vay mượn cũng bằng vàng - Ảnh tư liệu

Suốt thời gian dài, nhiều chuyện mua bán của người Việt đều được quy ra vàng và cả việc vay mượn cũng bằng vàng - Ảnh tư liệu

Cần vốn làm ăn hay mua miếng đất, xây căn nhà, sắm chiếc xe... bị thiếu tiền thì ráng đi mượn, mà người cho mượn thì hầu hết cũng chỉ muốn cho mượn vàng để an toàn, đỡ lo tiền trượt giá.

Thậm chí suốt một thời gian dài, nhiều người dân bị túng khi làm đám cưới, lo đám tang, xoay xở cho con đi học... cũng "xin mượn bà hai chỉ, mượn ông một cây".

Trùng giai đoạn giá vàng "êm đềm" thì nhẹ nợ, nhưng xui xẻo dính ngay lúc giá vàng nhảy chồm chồm tăng như ngựa chạy thì thôi rồi.

Mượn 25 lượng vàng

Kể lại chuyện đi mượn vàng mà cười... rớt nước mắt, vợ chồng anh Nguyễn Minh Thành (nhân vật đã đổi tên) ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM, vẫn nhớ mãi kỷ niệm khó quên của chính mình cách đây gần 20 năm. Hồi đó, căn nhà ba thế hệ họ ở từ năm 1954 bị xuống cấp nặng nề.

Cha mẹ già nói cả đời đã bươn chải lo cho con được miếng đất mặt tiền rộng rãi, thì đến phần xây sửa lại nhà mới thì con cháu phải lo. Anh Thành - giáo viên tiếng Anh - thu nhập cũng tạm ổn, vợ bán tạp hóa nhỏ tại nhà để lo ba đứa con đang tuổi học và cha mẹ chồng già yếu.

Nếu sửa lại căn nhà cấp 4, họ xoay xở được, nhưng để xây mới hoàn toàn thì rất nặng nợ.

"Đó là hồi đầu năm 2007, thầu báo giá xây mới trọn gói căn nhà 3 lầu rưỡi trên miếng đất 5x22m là 950 triệu đồng.

Cũng vì thiếu tiền mà vợ chồng bàn tới bàn lui thêm mấy tháng thì thầu báo lại giá đã tăng lên 1,4 tỉ, bởi giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép năm 2007 tăng dữ dội.

Ông thầu nói tôi không quyết định nhanh thì giá còn lên tiếp", anh Thành kể. Vợ chồng họ hoảng quá đã ký hợp đồng luôn, trong khi thực tiền vợ chồng có chưa được một phần ba, còn lại phải đi vay mượn.

Anh nhớ: "Ban đầu, chúng tôi định thế chấp sổ đỏ miếng đất để vay ngân hàng, nhưng ba má tôi không chịu. Ông bà lớn tuổi, nghe làm giấy tờ cầm cố thì cứ sợ mất đất, và khuyên tôi nên mượn người thân trong dòng họ để yên tâm".

Thế là vợ chồng anh Thành chạy vạy đi vay mượn mỗi người một ít, trong đó có người anh họ mới "trúng" đầu tư đất ở Gò Vấp, đã cho mượn chẵn 20 lượng vàng SJC "để giúp vợ chồng thằng em xây nhà đàng hoàng cho cô chú mình ở".

Nhắc chuyện đặc biệt này, anh Thành vẫn nhớ thời điểm đó vàng đang lên giá, nhưng họ vẫn mượn vì không còn cách nào khác, đặc biệt là người thân trong dòng họ cho mượn cả 20 cây vàng chỉ với tờ giấy viết tay mấy chữ mà chẳng phải cầm cố sổ đỏ sổ hồng gì.

Sau đó, việc xây dựng đến phần hoàn thiện nhà bị hụt tiền, người anh họ này lại thoải mái cho mượn thêm 5 lượng vàng.

"Nhà ổng ở gần chợ Gò Vấp, sáng tôi qua lấy vàng thì ổng đang bị bà vợ "nhốt" trong nhà vì quên khóa luôn cửa ngoài để xách giỏ đi chợ.

Thế là ổng đứng trên ban công lầu, ném 5 lượng vàng gói trong tờ lịch cột dây thun để tôi đứng dưới hè đường chụp lấy", anh Thành cười kể mình đã chụp hụt. 

Tờ lịch gói vàng rớt xuống vỉa hè bị rách tung tóe ra 5 lượng vàng chói. Mấy người qua đường nhìn thấy cứ tròn mắt, chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh đã nhặt lại kịp.

Khúc đầu mượn vàng của vợ chồng anh Thành có vẻ dễ dàng, thậm chí quá dễ dãi và vui vẻ, nhưng đến phần trả thì lại là chuyện khác, nặng nề và khó khăn hơn nhiều.

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 4: Cười, khóc với mượn vàng, trả vàng- Ảnh 2.

Trả thành "75 lượng"

Nhà xây xong, sau ngày tân gia tưng bừng, họ bắt đầu phải tính chuyện trả nợ.

Những người cho mượn tiền đòi sớm nên họ phải cố gắng trả trước. "Tôi làm giáo viên tiếng Anh có cố dạy thêm thì thu nhập cũng chỉ giới hạn. 

Vợ bán tạp hóa nhỏ suốt ngày chỉ gom tiền lẻ, nên việc trả nợ hết sức căng thẳng. Người nào đòi rát thì mình ráng trả trước, ai chưa đòi dữ thì mình trả sau, nhiều khi phải lấy tiền người này đắp vào người kia, mượn tiền của người lấy lãi ít để đắp vào người tính lãi nhiều. 

Xoay xở rụng cả tóc gần 4 năm thì trả dứt điểm phần nợ tiền, lại đến 25 lượng vàng phải trả", anh Thành nhớ mãi giai đoạn quá nặng nề của đời mình.

Chính sự dễ dãi "giúp đỡ vợ chồng thằng em" của người anh họ mà vợ chồng anh Thành khoanh nợ vàng để trả sau cùng. Ai dè ngày họ mượn năm 2007, một lượng vàng bán ra được hơn 15 triệu đồng, nhưng đến ngày họ trả năm 2012 thì đã lên đến đỉnh 46 triệu. 

Nhớ lại chuyện này, anh Thành như vẫn còn vã mồ hôi căng thẳng: "Khủng khiếp luôn, tụi tôi mượn một phải trả thành ba, nếu quy ra tiền thì mượn 25 lượng vàng nhưng lúc trả đến 75 lượng. Vợ tôi lo lắng quá bị trầm cảm mất ngủ hơn cả năm".

Bi kịch của vợ chồng họ là phải trả nợ vào lúc giá vàng leo thang phi mã năm 2012. Nếu như họ có điều kiện trả trước đó 2, 3 năm thì giá vàng chưa cao đến mức như vậy, năm 2009 giá một lượng vàng còn xoay quanh mức 26 triệu, nhưng tới năm 2011 đã lên đến 36 triệu. 

Đây cũng là năm họ bị đòi nợ vàng nhưng vẫn ráng trì hoãn chưa trả để xem giá có giảm không, ai ngờ sang gần cuối năm 2012 đã nhảy lên đến 46 triệu. 

"Đến lúc này thì chúng tôi buộc phải đi vay mượn thêm để trả dứt điểm, vì anh họ thật sự cần tiền cho con đi du học, cũng như vợ chồng tôi quá hoảng sợ giá vàng sẽ leo cao nữa", anh Thành kể.

Tuy nhiên, đúng là khó lường như giá vàng. Suốt 6 năm sau ngày anh trả nợ giá 46 triệu đồng một lượng cuối năm 2012, giá vàng đều diễn biến thấp hơn 8-14 triệu đồng mỗi lượng. Đến cuối năm 2019 mới nhảy lên 42 triệu đồng mỗi lượng, và cuối năm 2020 đến mức 55 triệu.

Mượn vàng, trả vàng

"Vay vàng như ngồi trên đống lửa". Đây là câu nhận xét được rất nhiều người nói và họ khuyên là bây giờ nếu có việc thật sự cần thiết phải vay vàng thì nên cố gắng trả sớm, trả càng sớm càng yên tâm, vì ngồi đợi giá vàng xuống cho có lợi thì coi chừng lại "đau tim".

Ông N.M.T., từng kinh doanh tiệm vàng nhiều năm ở khu vực Chợ Lớn, nói: "Việc vay vàng và cho mượn vàng đã diễn ra từ xa xưa rồi, chứ không phải mới đây. Đó là thông lệ vì một thời mọi việc mua bán đều quy ra vàng, cũng như vàng là kim ngân bảo đảm được sự ổn định và tăng trưởng giá trị".

Ông T. kể thêm cha mình ngày xưa cũng phải vay mượn vàng bạn bè mới gầy nổi tiệm vàng nổi tiếng từ trước năm 1975. Hồi đó, người nghèo, người giàu gì cũng hay vay mượn vàng. 

Mượn vàng lượng trả vàng lượng, không được trả vàng chỉ dù tính tổng vẫn đủ lượng. Trước năm 1975, ai mượn vàng Kim Thành thì trả đúng vàng Kim Thành như sau này ai mượn vàng SJC thì phải đúng SJC mà trả...

"Người dân nghèo bí bách phải vay mượn ít vàng thì luôn thấy từ lỗ tới lỗ nặng hơn nếu quy ra tiền khi trả, mà sự thật đúng vậy.

Nhưng trong giới kinh doanh việc cho mượn hay đầu tư kinh doanh vàng nóng nhiều khi chính người chủ lại lỗ nặng, như lúc họ xuất vàng ra thì 80 triệu một lượng, nhưng hôm sau đã lên đến gần 90 triệu.

Đồng tiền làm ăn họ phải xoay vòng nhanh, đâu có ngồi đó mà đợi giá xuống được. Cách đây 15 năm, một tiệm vàng rất lớn, có uy tín ở quận 5 đã sụp đổ vì chuyện này. Đúng là không chỉ người nghèo, mà ngay cả người giàu nhiều khi phải khóc, cười với giá vàng" - ông N.M.T. kể.

---------------------

Từ 5 năm nay, chị Trúc Anh có thói quen mua vàng để dành. Từng hùn hạp kinh doanh nhỏ, nhưng cuối cùng chị nhận thấy mua vàng là "chắc ăn nhất".

>> Kỳ tới: Người trẻ sắm vàng

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 3: Một thời bắc vàng lá Sư Tử, nam Kim ThànhNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 3: Một thời bắc vàng lá Sư Tử, nam Kim Thành

Một thời nếu như vàng Kim Thành nổi danh Sài Gòn thì vàng Sư Tử nức tiếng Hà Nội. Trước khi "tiếng gầm" lùi vào dĩ vãng, hiệu vàng Sư Tử đã có tới 20 năm vàng son.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên