10/04/2015 11:43 GMT+7

Người Việt uống rượu bia vô tội vạ

DIỆU NGUYỄN - NGỌC ĐÔNG ghi
DIỆU NGUYỄN - NGỌC ĐÔNG ghi

TT - Về thói quen “trăm phần trăm” của người Việt, nhiều người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại VN cho rằng: sao dễ dàng mua và uống rượu bia đến thế.

* Homer Samaroo (Mỹ): 

Hệ lụy rất khủng khiếp

Các con số về lượng bia rượu mà người VN tiêu thụ được công bố gần đây dường như phù hợp với những gì tôi thấy và biết về nơi này. VN khá “thoáng” với việc tiêu thụ rượu bia và ít có những hạn chế hoặc cảnh báo để kiểm soát việc này.

Uống rượu dường như trở thành một phong tục, nhưng những hệ lụy từ việc uống rượu bia của người Việt như đánh nhau, tai nạn giao thông, giết người, tâm thần do nghiện rượu thì thật khủng khiếp. Sống ở VN gần sáu năm, tôi đã thấy người Việt uống bia rượu một cách vô tội vạ.

Khác với ở Mỹ, ở VN người ta có thể dễ dàng và tự do mua bia hoặc rượu mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Tại Mỹ, bạn phải trình chứng minh thư để chứng minh bạn đã hơn 18 tuổi, hay thậm chí hơn 21 tuổi, để có thể mua bia. Ngoài ra có rất nhiều thông báo trên đài phát thanh hoặc truyền hình về việc uống rượu, ai có thể uống và được uống ở đâu, về mối nguy hiểm khi lái xe sau khi uống cũng như tác hại của rượu đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.

Tôi nghĩ nếu người VN nhận thức được rõ hơn những nguy cơ của bia rượu, việc tiêu thụ sẽ có thể được hạn chế và dễ quản lý hơn.

* George Berczely (Argentina): 

Uống để xả stress

Ở Argentina người ta uống bia mỗi khi có tiệc nướng và cũng không uống nhiều lắm. Người Argentina uống nhiều rượu vang đỏ trong khi người Việt chuộng bia uống với nhiều đá hơn. Điều này có thể là do thời tiết nóng ở đây.

Theo tôi nghĩ, việc nhiều người ở VN thường tụ họp uống bia sau giờ làm là để xả stress. Tôi thích cái cách mà đồng nghiệp giao lưu với nhau trên bàn nhậu để tạo sự tin tưởng và vui vẻ với nhau khi làm việc.

* Tai Linda Boettcher (Đức): 

Rượu bia ở VN giá rẻ và dễ mua

Tôi sống ở VN được hai tháng và thấy người ta uống rượu bia như là một nét văn hóa không thể thiếu khi gặp gỡ bạn bè hay đồng nghiệp. Ở Đức chúng tôi chỉ uống vào những dịp đặc biệt, hoặc hai tuần, thậm chí lâu hơn mới uống một lần. Còn tùy vào đó là dịp gì, và uống với ai chúng tôi sẽ uống nhiều hoặc ít. Trong những buổi họp gia đình vui vẻ, mọi người cũng uống bia nhưng không ai say cả.

Rượu ở Đức cũng khá rẻ, bạn có thể dễ dàng mua được cả lít rượu vodka loại thường với chỉ khoảng 5 USD. Còn ở VN rượu bia không những rẻ mà còn dễ mua. Tôi không rõ ở VN độ tuổi được phép uống rượu là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ ai cũng có thể mua và uống được dù là các cô gái vị thành niên.

* Lauren A. (Mỹ): 

“Lái xe sau khi đã quá say là điều kinh khủng”

Tôi sống ở VN hơn bốn năm. Ở nước mình, chúng tôi cũng thường đi uống sau giờ làm, vào cuối tuần, vài người uống bia, có người chọn rượu. Tôi uống trung bình ba lần một tuần. Ở Mỹ có người uống rất nhiều, nhưng cũng có người chỉ uống khi có dịp đặc biệt.

Rượu bia có thể khiến người uống cảm thấy dễ chịu và thoải mái, thư giãn. Tuy nhiên, vấn đề là người ta dễ bị lậm vào mặt xấu của việc nhậu nhẹt, khi mà họ thậm chí chả nhớ gì về đêm hôm trước, khi họ say xỉn, hành xử thô lỗ. Và đặc biệt ở VN, lái xe khi đã quá say là một điều thật kinh khủng.

Tôi nghĩ chính quyền nên có nhiều biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát người lái xe khi uống rượu nhằm tránh gây tai nạn cho người khác.

Trường ĐH Y dược cấm cán bộ uống rượu bia

 

Ban giám hiệu Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa triển khai kế hoạch phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến các khoa, phòng chức năng, công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên trường.

Theo đó, nhà trường yêu cầu các đơn vị trong trường tập trung thực hiện các nội dung: tổ chức phát động xây dựng cơ quan, đơn vị không lạm dụng đồ uống có cồn, ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, viên chức và HSSV trong việc thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực.

Ngoài ra vận động cán bộ, viên chức, người lao động và HSSV không sử dụng đồ uống có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thời tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về tác hại và biện pháp giảm tác hại của đồ uống có cồn, trong đó chú trọng tư vấn, dự phòng cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ...

Nhà trường đưa quy định vào nội quy, quy chế của cơ quan, giám sát việc thực hiện, đồng thời có các hình thức xử lý kỷ luật.

TRẦN HUỲNH

DIỆU NGUYỄN - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên