Những "bá tánh" đầu tiên thắp nhang trong ngày khánh thành lăng vua Hiệp Hòa và ông Bạch (thứ 5 từ trái qua) - Ảnh nhà báo Lê Thanh Phong cung cấp
Đây là cuốn sách nhà báo Lê Thanh Phong và nhà văn Nguyễn Một viết chung.
Trong cơn mưa Sài Gòn tầm tã chiều tối 4-11, nhiều bạn đọc và đồng nghiệp, bạn bè của hai tác giả vẫn đội mưa đến dự chương trình ra mắt sách tại Sài Gòn, mua ủng hộ trong số 200 cuốn sách phát hành ở buổi giao lưu để góp tiền giúp Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh Đồng Nai.
"Của để dành" từ người thật việc thật
"Lâu nay chúng ta nghe nhiều người nói các chuyện lớn quá, hô những khẩu hiệu kêu quá, nhưng mấy ai làm được những chuyện nho nhỏ để đời sống ngày một tốt hơn lên" - nhà báo Lê Thanh Phong chia sẻ cơ duyên cho sự gặp nhau trong ý tưởng của hai tác giả vốn là bạn lâu năm.
Thế nên họ bàn với nhau viết một quyển sách về những chuyện nhỏ của người thật việc thật, có thể kiểm chứng được, góp phần lan tỏa việc làm tử tế trong cuộc sống thường nhật này.
Trong khi những tin tức trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều về một cuộc sống bất toàn, về hình ảnh người Việt "xấu xí" thì hai tác giả của Người Việt tử tế hướng công chúng đến chiều ngược lại: người Việt tự ngàn xưa dạy nhau bao điều tử tế, câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" đâu phải dân tộc nào cũng có...
Thế nên nhà báo Lê Thanh Phong mới đưa ra hình ảnh về một ông Bạch phát tâm từ bi làm từ chuyện lớn như xây lăng cho vua Hiệp Hòa, đến xin được đóng học phí giúp trẻ em nghèo ở Thủ Đức (TP.HCM) không phải bỏ học.
Nhà văn Nguyễn Một kể chuyện bà chị ở quê khi hay tin hàng xóm mổ thịt con heo chết đã sang mua mấy ký thịt đem về chôn.
Khi được hỏi tại sao làm thế, chị nói heo này bị bệnh, không ăn được, "mua là để góp tiền cho người ta nuôi lại con heo khác".
Biết "yêu" - có khó?
Tại buổi giao lưu, có bạn đọc nhắc đến bài viết "Hãy làm gì để lấy lại danh dự đi" của nhà báo Lê Thanh Phong trong tập sách.
Ông Phong thừa nhận qua những chuyến đi nước ngoài, thấy người Nhật, người Đức viết các dòng cảnh báo thói hư tật xấu bằng tiếng Việt, thấy người Đài Loan đưa lên báo hình ảnh người Việt vi phạm vệ sinh nơi công cộng... ông "thật buồn":
"Tôi nghĩ tử tế có thể đơn giản chỉ là tình yêu thiên nhiên, vì mình yêu thiên nhiên thì không thể xả rác ra đường, có lòng yêu con người thì sẽ có cách ứng xử đàng hoàng".
Nhà văn Nguyễn Một kể lại hành trình ông học hai chữ "trượng phu" từ người cậu ruột, để rồi đến nay nhìn vào cách hành xử của thanh niên, đàn ông... lắm lúc phải thốt lên: "Đâu rồi hai chữ trượng phu!?".
Hay bài học về hành động dừng lại, ngả nón mỗi khi gặp đám tang dù không thân thích đến nay thật hiếm gặp. Rồi trên mạng xã hội đầy rẫy cách hành xử khởi từ sự hoài nghi và dẫn dắt con người đến chỗ nghi kỵ nhau, Nguyễn Một than: "Đến khi mình gặp nạn, ai giúp mình đây?"...
Đồng cảm với hai tác giả, bạn đọc Ngô Thị Cẩm Tú chia sẻ chị may mắn được học những điều "tử tế nho nhỏ" từ mẹ mình, như việc ngả nón khi gặp đám tang hay nhặt viên gạch, cành gai trên đường để tránh cho người khác vấp phải...
"Tôi tu từ tuổi mười hai / Không bằng anh lượm cây gai trên đường" - nhà văn Nguyễn Một đọc câu ca dao ở quê anh để chia sẻ với Cẩm Tú và để mọi người tin rằng trong tâm thức người Việt luôn có sự nhắc nhau làm các việc tử tế cho cộng đồng ngày một đẹp hơn.
Nhà văn Nguyễn Trí đặt câu hỏi: "Truyền thống người Việt là tử tế, ông cha mình cũng từng sống tử tế, hồi nhỏ tôi đi học cũng được dạy kính trọng người già, ngả mũ chào người đã khuất khi gặp đám tang...
Thế thì tại sao đến nay sự tử tế trong cuộc đời lại thiếu vắng đến mức hai tác giả phải kêu gào và đi tìm?".
Nhà báo Lê Thanh Phong cho rằng câu hỏi này là một thách thức với các nhà xã hội học và cần có những nghiên cứu nghiêm túc để đưa ra câu trả lời thuyết phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận