Kai Hoàng (bìa trái) đang tâm sự về việc viết những đề tài cuộc sống đương đại - Ảnh: L.Điền
Chọn chủ đề Người trẻ viết gì về cuộc sống, từ phía ban tổ chức hoạt động trên muốn gửi gắm một thông điệp rằng những đầu sách của các cây bút trong độ tuổi hai mươi được giới thiệu ở đây vừa là một phần đối tượng của đời sống văn chương, vừa là những người đang làm nên các trang văn đương đại.
Sức viết đáng kể
Điểm chung của ba tác giả là sự nghiêm túc với văn chương và sức viết thật đáng kể. Như Kai Hoàng, chàng trai trẻ tuổi chỉ mới vào làng văn từ năm 2015 với tập truyện ngắn Tuổi trẻ nào rồi cũng sẽ qua nhưng sau 4 năm, đến nay anh đã có 9 đầu sách.
Tác phẩm mới nhất của Kai Hoàng ra mắt dịp này là Những đô thị buồn, anh cho hay tập truyện này viết về những người trẻ trong các khu đô thị, như một cách chia sẻ với bạn đọc đang cùng trang lứa với mình.
Cây bút sinh năm 1992 không chỉ gây ấn tượng bằng việc trong hai năm ra hai tiểu thuyết: Những mảnh mắt nhìn (2017) và mới đây là Gam lam không thực, mà chính thái độ chuyên nghiệp khi đến với văn chương đã ít nhiều gây được niềm tin trong bạn đọc.
"Tác phẩm đầu tay của tôi là loại tiểu thuyết - từ điển. Loại này chắc lạ lẫm với bạn đọc, nhưng vì tôi viết về câu chuyện một dòng họ, nhân vật nhiều, nên giải pháp viết tiểu thuyết theo từng phân mục như vậy là thích hơp hơn cả.
Còn Gam lam không thực ra mắt dịp này là loại truyện lồng trong truyện. Quan trọng là ý tưởng về nội dung ban đầu, và sau đó tìm được một hình thức tốt nhất để thể hiện ý tưởng đó".
Và Thái Cường cười hồn nhiên: "Viết văn là công việc của cảm xúc, nhưng tôi luôn tính toán và cài cắm các tình tiết...".
Tuy nhiên, lý tính trong công việc viết văn ra sách hơn cả có lẽ là . Chàng trai sinh năm 1997 quê ở Cà Mau vừa có quyển sách đầu tay in năm 2017, năm nay anh lên kế hoạch mỗi mùa ra một quyển sách mới.
“Cho đến nay tôi đã đạt tiến độ ra 3 cuốn trong ba mùa rồi, từ giờ đến cuối năm sẽ ra cuốn sách cho mùa đông nữa là đúng kế hoạch", Khánh Duy hào hứng nói.
Có ai đó buột miệng, chà, viết văn in sách theo kế hoạch chuyên nghiệp dữ vậy à, nhưng thực ra Khánh Duy đang còn là sinh viên ngành văn. Duy cho rằng đây là một lợi thế của anh, và trong việc viết, anh lấy cảm hứng từ phần lớn các mảnh đời thực tế của người dân miền Tây Nam bộ.
Nhìn lại các tác phẩm đã ra, Duy tự đúc kết các truyện khởi đầu của anh có cái kết hơi bi lụy, nhưng đến Cỏ dại thì các nhân vật đã thoát khỏi cái bi nặng nề, họ có niềm tin hơn, nắm níu cuộc sống của mình và dù trong hoàn cảnh nào cũng hy vọng vào cuộc đời phía trước.
Những chất liệu quý từ hiện thực
Khác với sự khởi đầu của một số cây bút trẻ gần đây lấy cảm hứng ngôn tình để xây dựng tác phẩm, ba cây bút trong buổi giao lưu này còn gặp nhau ở chỗ nhìn thấy mạch nguồn văn chương trong cuộc sống đương đại.
Kai Hoàng tự nhận mình viết từ cảm xúc của những trải nghiệm thật, đó có thể là đổ vỡ trong tình cảm, những khó khăn thời sinh viên, các cảnh huống ly hợp của bạn bè, của người xung quanh...
Và quan niệm sống đúng đắn cũng là cơ sở quan trọng cho những ai chọn mảnh đất "hiện thực" để xây dựng hành trình văn chương. Kai Hoàng chia sẻ rằng, trong Những đô thị buồn, có khi thông qua câu chuyện của nhân vật, độc giả của anh sẽ nhận ra, cuộc đời này có những nút thắt và mình phải giải quyết tháo gỡ chứ không phải chạy trốn nó.
Trong khi đó, Hoàng Khánh Duy cho rằng việc đi thực tế rất quan trọng đối với người viết, "nó giúp cho trang văn không hời hợt", anh nhấn mạnh.
Mạch nguồn cuộc sống luôn là nguyên liệu quý giá cho văn chương nếu người viết biết khai thác.
Hoàng Khánh Duy thổ lộ rằng sau bốn tập truyện ngắn năm nay, anh sẽ chuyển sang viết truyện dài và tạp bút. Khánh Duy cũng cho biết bản thảo đầu tiên về đề tài chiến tranh anh đã hoàn tất.
Còn Kai Hoàng tiết lộ anh đã chuyển từ đề tài viết về những người quê xứ sang các thân phận lặng thầm trong cuộc sống, đó là những người bệnh phong, những người làm nghề vớt xác trên sông, những phận đời nhỏ nhoi ít ai để ý nhưng thật nhiều tình tiết cảm động...
Sắp tới, anh sẽ ra mắt một quyển về đề tài này với nhan đề Người đi ngang cửa.
Có bạn đọc muốn biết công việc viết văn của những người trẻ như vậy liệu có ảnh hưởng gì từ các tác giả nước ngoài không, Thái Cường cho rằng anh chịu ảnh hưởng từ hai tác giả, một là Ian Mcewan tác giả quyển Chuộc tội anh đọc đã lâu, "Ông này ảnh hưởng đến mình về cách viết, cách xây dựng truyện. Và bên cạnh là Paulo Coelho với quyển Nhà giả kim, ông này thì ngược lại, sự giản dị trong cách viết của ông cũng là bậc thầy".
Chính sự chịu ảnh hưởng này lý giải cho việc một số độc giả cho rằng với quyển Gam lam không thực, người đọc cần tập trung để xâu chuỗi và nắm bắt mạch truyện.
Rất đông bạn đọc đến khai mạc Tuần lễ Sách hay tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L.Điền
Tuần lễ Sách hay lần thứ 12 sẽ diễn ra từ 20 đến 27-10 tại đồng thời 3 địa điểm: Nhà sách Tổng hợp 1 (62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1), Nhà sách Tổng hợp 2 (86 - 88 Nguyễn Tất Thành, Quận 4) và Gian hàng M01 (Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Bình, Quận 1).
Đây cũng là dịp kỷ niệm 41 năm thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp, nên Tuần lễ Sách hay giới thiệu 41 đầu sách mới xuất bản, đồng thời tái bản nhiều danh tác lâu nay đã tuyệt bản.
Bạn đọc có thể tìm trong đợt này các sách đáng chú ý như: Nghìn năm bia miệng (Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường), Chuyện về ứng xử văn hóa (Phạm Phương Thảo), Nguyễn Hiến Lê - con người và tác phẩm (Nhiều tác giả, Trần Văn Chánh chủ biên), Bóng chiều quê (Trần Bảo Định), Lòng người - Kokoro (Natsume Soseki - Đặng Lương Mô dịch), bộ sách dẫn luận ngắn mua bản quyền của Oxford về logic học, quan hệ nhân quả, về chủ nghĩa hiện sinh…
Các sách đều giảm giá bìa, sâu nhất đến 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận