19/01/2020 07:11 GMT+7

Người Việt thật may mắn khi luôn có gia đình, có tết

TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi

TTO - 'Tôi nghĩ rằng người Việt thật may mắn, bởi họ không thường phải ở một mình, lúc nào cũng có bạn bè, gia đình, người thân, hết đám cưới đến sinh nhật, rồi những bữa cơm đoàn viên ngày tết', một người Úc sống ở Hội An chia sẻ.

Người Việt thật may mắn khi luôn có gia đình, có tết - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan đường hoa Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tết là để sum họp, đoàn viên, Tết của tình thân ấm áp. Đối với những người nước ngoài và người gốc Việt từng trải nghiệm Tết Việt, những giá trị truyền thống gia đình của người Việt trong Tết Nguyên đán luôn là một điều gì đó rất đặc biệt, khó quên...

* Cô Stéphanie Do (nghị sĩ Quốc hội Pháp):

Tết vui lắm!

Gia đình tôi cũng như nhiều người gốc Việt khác, mỗi khi Tết đến xuân về luôn là dịp tất cả mọi người trong gia đình tụ họp với nhau. Dù bận rộn, ai cũng tranh thủ về để quây quần ăn uống và chúc nhau sức khỏe.

Không khí tết trong gia đình luôn rộn ràng với hoa mai, bánh chưng, bánh tét. Mẹ tôi sẽ đi mua hoa mai, mua bánh, nấu những món ăn truyền thống của người Việt; còn mấy đứa con nít thì xếp hàng chúc Tết người lớn, nhận bao lì xì mừng tuổi.

Gia đình tôi luôn giữ gìn Tết để lớp trẻ biết về những phong tục của Việt Nam mình. Trong gia đình, mọi người vẫn luôn nói tiếng Việt với nhau, kể cả những thế hệ sau này sinh ra bên Pháp dù không nói giỏi tiếng Việt nhưng vẫn hiểu tiếng cội nguồn.

Bản thân chúng tôi cũng luôn cố gắng giữ những truyền thống Việt Nam. Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi điều đó, rằng Tết đến phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị đồ ăn tươm tất để đón ông bà, đón tết. Tết bên Pháp cũng giống như tết ở Việt Nam thôi, chỉ khác là ở Pháp không khí không được nhộp nhịp như ở Việt Nam bởi chỉ có những người gốc Á mới đón tết.

Rời Việt Nam khi 10 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ rõ không khí Tết khi đó. Tết ở Việt Nam vui lắm. Người lớn thì nấu bánh tét, trang trí nhà cửa. Khi đó vẫn còn được đốt pháo và lũ trẻ chúng tôi hay đi lượm xác pháo rồi bị la rầy.

Tôi háo hức mỗi khi tết đến vì được mặc áo mới, đi chúc tết người thân, được lì xì. Sau này, tôi vẫn hay trở về Việt Nam trong những chuyến công tác lẫn đi nghỉ và rất vui khi thấy Việt Nam ngày càng phát triển về nhiều mặt.

Lớn lên tại Pháp và trở thành đại biểu Quốc hội Pháp, năm nào Tết đến tôi cũng đến chúc tết và tham gia các hoạt động đón tết của Đại sứ quán Việt Nam, các hội người Pháp gốc Việt... Với tôi, hai tháng đầu năm luôn tất bật với những buổi chúc mừng năm mới. 

Cộng đồng người Pháp gốc Á tại Pháp luôn được đánh giá rất cao, không chỉ có thành tích học tập tốt mà sống rất hiền hòa, và là điển hình mà nước Pháp muốn các cộng đồng khác noi theo. Và trong đó, việc duy trì những nét văn hóa, bản sắc dân tộc đóng vai trò rất lớn.

Là một đại biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Pháp, ngoài công việc của một đại biểu thông thường, tôi có thể làm được nhiều hơn cho cộng đồng người Việt mà những đại biểu trước đây không nghĩ tới. Lý tưởng của tôi là nỗ lực hết mình để giúp mọi người tại Pháp có cuộc sống tốt hơn. Không chỉ vậy, tôi cũng luôn cổ vũ và thúc đẩy quan hệ Việt - Pháp.

Tôi đang chuẩn bị cho nhiều hoạt động trong năm 2020 như chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron đến Việt Nam và đón các đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp. Quan hệ hai nước kể từ năm 2017 đến nay rất tốt khi có nhiều chuyến thăm trao đổi cấp cao giữa hai bên. Người Pháp rất yêu mến Việt Nam, hi vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Người Việt thật may mắn khi luôn có gia đình, có tết - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài tạo dáng với nón lá ở Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TPHCM hôm 15-1-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Andrew Carmichael (người Úc, ở Nha Trang):

Hi vọng càng khá giả, Tết càng thâm tình hơn

Tôi rất trân trọng phong tục năm mới ở Việt Nam và thích nhất là không khí những ngày giáp tết. Tết là dịp dành cho ẩm thực. Những bữa ăn được chuẩn bị kỳ công rồi sau đó các thành viên trong gia đình sum vầy bên bàn tròn, uống chút rượu, chút bia cùng thức ăn ngày Tết. 

Có những món ăn đã được chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó như dưa món, thịt heo ngâm nước mắm mà nhắc đến tôi đã thấy thèm.

Với tôi, tết là những ngày giáp tết. Đến nay, sau khi ăn 13 cái tết ở Việt Nam, tôi vẫn thấy ngạc nhiên về Nha Trang và tất cả các thành phố của Việt Nam khi nó được mặc áo mới những ngày giáp tết. Bỗng nhiên đường phố đầy các chậu mai, chậu cúc, vạn thọ và các loại hoa xuân. Dưa hấu, trái cây bán đầy đường. 

Ngày 22, 23 tháng chạp, ngoài chợ đầy cá chép vàng để tiễn ông Táo về trời. Cả một kho văn hóa, truyền thống được trưng bày ở chợ.

Tết là thời gian dành cho gia đình. Sinh viên, học sinh, người đi làm xa về nhà ăn tết. Ai cũng có một quê hương để trở về. Với người nước ngoài như tôi, ở Việt Nam đâu cũng là quê hương nên tết tôi thường thích chạy xe máy đi du ngoạn, ngắm cảnh bà con chơi tết, đón tết, ăn tết, vui tết khắp Việt Nam.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và thông tin liên lạc, chúng ta có thể gọi điện thoại và nhìn thấy mặt, nghe giọng nói của nhau nên đón tết xa cũng đỡ nhớ nhà.

Tôi hi vọng Việt Nam giữ được những cách đón tết xưa, mang tính truyền thống với những điều mà tôi rất thích như việc chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ và tiễn ông Táo về trời. 

Tôi thích tục khai xuân với những việc làm đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp như khai ruộng, khai bút, trẻ con đọc sách ngày đầu năm và chúng học thuộc những câu chúc tết ông bà, cha mẹ và được lì xì. Ngày tết, lúc mọi người có mặt đông đủ là dịp cho những cuộc chuyện trò, những kế hoạch cho năm sau.

Kinh tế Việt Nam tốt hơn, nhiều gia đình có thể đón tết lớn, nhưng càng khá giả về kinh tế, tôi mong rằng cái Tết sẽ càng ý nghĩa, thâm tình hơn.

* Ông Stivi Cooke (người Úc, sống ở Hội An):

Người Việt thật may mắn!

Mỗi năm, cứ đến dịp này, hàng triệu người ở Việt Nam lại nô nức về quê ăn tết. Rồi sau đó các thành phố trở nên vắng lặng lạ thường, bởi những người con xa quê lên phố mưu sinh đã trở về nhà sau một năm làm lụng chăm chỉ và vất vả. Tôi vừa mới bay một chuyến và giờ ở sân bay đã đông nghẹt người về quê ăn tết rồi. Không khó để biết điều đó, bởi ai ai cũng khệ nệ quà cáp, rồi bánh tét bánh chưng bên mình.

Dù sống ở Hội An, một thị trấn không quá rộng lớn, tôi vẫn dễ dàng thấy cảnh người ta chộn rộn đón xe về nhà, tay xách nách mang bao nhiêu là quà tết. Nói nôm na, về nhà ăn tết như là một "nghĩa vụ" về mặt văn hóa ở Việt Nam vậy. Đoàn viên ngày tết giúp thắt chặt hơn tình thân gia đình, giúp người ta có được một khoảng lặng giữa nhịp sống tất bật của một năm.

Thỉnh thoảng, tôi nghĩ rằng người Việt thật may mắn, bởi họ không thường phải ở một mình, lúc nào cũng có bạn bè, gia đình, người thân, hết đám cưới đến sinh nhật, rồi những bữa cơm đoàn viên ngày tết.

Sống ở Việt Nam nhiều năm nay, tôi nhận thấy tình cảm gia đình của người Việt rất khắng khít. Tôi cũng không còn ngạc nhiên khi thấy một ai đó bỏ dở việc họ đang làm để phụ giúp gia đình mình nữa. Gia đình chiếm vị trí rất quan trọng trong văn hóa ở đây, việc trở về nhà đoàn tụ với gia đình trong ngày tết cũng là vì lẽ đó.

Tôi có một số bạn bè và nhiều học trò tiếng Anh người Việt, họ giúp tôi có cái nhìn cụ thể hơn về quan điểm của người ta đối với tết. Thường thì học sinh cấp I là thích tết nhất, các em nói rằng tết sướng lắm, được ngủ cả ngày, được ăn nhiều đồ ăn ngon, được mua quần áo đẹp và còn được cho quà, tiền lì xì nữa.

Những học sinh lớn hơn nói với tôi rằng các em thích tết vì có thời gian đi thăm ông bà và bạn bè mà lâu lâu mới có dịp gặp. Học sinh trung học và người trẻ trưởng thành thì cho biết họ hơi "căng thẳng" khi tết đến, bởi thể nào cũng nghe hàng tá câu hỏi về kết quả học tập, công việc, rồi bao giờ lấy vợ/chồng...

Những năm gần đây, khi càng có nhiều người tìm được việc làm tốt, thu nhập cao hơn thì hành trình về nhà ăn tết của người Việt lại càng hoành tráng hơn. Cũng thật buồn khi nghĩ đến những người không có tiền để về quê ăn tết, hoặc phải đi làm ngày tết, nhưng đó là cuộc sống mà, đôi khi bạn phải trải qua chông gai để sinh tồn.

Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét - linh hồn Tết Việt! Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét - linh hồn Tết Việt!

TTO - Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét… là những loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết, tuy cách làm khác nhau nhưng đều là những tinh hoa ẩm thực đại diện cho nền văn minh lúa nước của người Việt xưa.

TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên