TTCT - Họ “Nguyễn” đã đứng vào hạng 13 họ phổ biến nhất ở Úc, vượt qua các họ “truyền thống” như “Brown”, “Johnson”, “Walker”, “Campbell” và “Robinson”. Dự báo đến năm 2023, nước Úc sẽ có nhiều người mang họ “Nguyễn” hơn là họ “Smith”. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 700 người Việt có mặt ở Úc từ trước năm 1975. Họ là những du học sinh đi từ miền Nam. Đến năm 1981, con số người Việt đến đây là 43.400 người. Đến năm 1991, Cục Thống kê Úc ghi nhận 124.800 người Việt định cư ở Úc. Tiếp theo, trong thời gian từ năm 1996 đến 2005, có khoảng 23.000 người Việt chọn Úc làm quê hương, họ chủ yếu là các du học sinh và những người này đứng ra bảo lãnh cho thân nhân họ.Từ năm 2005 trở đi là những người di dân trực tiếp từ Việt Nam sang Úc (tức không qua ngả du học). Họ là những quan chức, những doanh nhân và những người có khả năng tài chính có thể đầu tư từ 500.000 đến hàng triệu đôla tại Úc.Theo thống kê của Úc, từ năm 2006 đến 2016 đã có hơn 50.000 người từ Việt Nam đi định cư ở Úc (trong số này cũng có cả số đoàn tụ gia đình và du học sinh ở lại, chứ không chỉ di dân qua tay nghề và doanh nhân).Những đợt di dân này đã giúp biến cộng đồng người Việt ở Úc thành một trong những cộng đồng đông dân. Số liệu điều tra dân số Úc năm 2016 cho thấy có gần 300.000 người Việt ở Úc, khiến cộng đồng người Việt đứng hàng thứ 6 về dân số (sau các cộng đồng người Anh, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines).Điều thú vị là họ “Nguyễn” đã đứng vào hạng 13 họ phổ biến nhất ở Úc, vượt qua các họ “truyền thống” như “Brown”, “Johnson”, “Walker”, “Campbell” và “Robinson”. Dự báo đến năm 2023, nước Úc sẽ có nhiều người mang họ “Nguyễn” hơn là họ “Smith”.Lợi ích cho nước ÚcNhìn chung, tác động của các làn sóng di dân đến Úc được đánh giá là tích cực. Khi đề cập đến lợi ích của di dân, giới phân tích Úc thường đề cập đến ba lĩnh vực viết tắt bằng 3P: dân số (population), tham gia lao động (participation), và năng suất lao động (productivity). Úc là nước rộng về diện tích, nhưng dân số chỉ 24 triệu (hiện nay), và tỉ lệ sinh sản chỉ 1.9 trẻ sơ sinh trên mỗi phụ nữ, tức dưới mức độ tăng trưởng.Do đó, di dân là cần thiết cho tăng trưởng dân số và qua đó tăng trưởng thị trường kinh tế. Dân số Úc đang lão hóa nhanh chóng, do đó Úc cần phải có và duy trì một lực lượng lao động để cung cấp không chỉ lao động mà còn tài nguyên để chăm sóc tất cả người Úc.Những người Việt di cư đến Úc cũng được đánh giá là đem lại nhiều lợi ích cho nước Úc. Thế hệ di cư thứ nhất đã có công rất lớn tạo nên một cộng đồng vững mạnh, làm nền tảng cho các đợt di cư sau này. Họ góp phần biến những vùng đất bán thành thị ở Sydney và Melbourne thành những đô thị sầm uất nhất nước Úc.Tất cả các khu phố tập trung nhiều người Việt là do thế hệ đầu tiên tạo dựng nên. Thế hệ thứ hai học hành giỏi giang, họ có mặt trong các đại học lừng danh nhất, họ hiện diện trong các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Úc, một số khác thì kinh doanh thành đạt. Do đó, không ngạc nhiên khi các chính phủ liên bang và tiểu bang Úc thường hay nói rằng cộng đồng người Việt là một “model minority” (thiểu số gương mẫu).Hai đợt di cư sau cũng đem đến cho nước Úc nhiều lợi ích. Về mặt khoa học và kỹ thuật, Úc có thêm một cộng đồng chuyên gia lành nghề mà họ chẳng tốn tiền để đào tạo. Ngược lại, họ hưởng lợi hàng tỉ USD từ du học sinh Việt Nam ở Úc.Đứng về mặt kinh tế, Úc có thêm nguồn đầu tư quan trọng, và qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân. Úc còn có nhiều lợi ích qua những người Việt mở rộng thị trường xuất nhập khẩu từ Việt Nam.Đợt di cư lần thứ hai và thứ ba còn góp phần làm mới các khu đô thị cũ của người Việt, làm “tươi trẻ hóa” cộng đồng người Việt. Nhưng cũng có những vấn đề mới phát sinh: những bản tin về “phá vỡ đường dây trồng cần sa” hay những đợt vây bắt các nhóm buôn bán á phiện đều dính dáng đến người Việt.Những cái nhìn khác về di dânNhưng không phải người Úc nào cũng nhìn di dân đem lại lợi ích cho kinh tế Úc. Nhiều người lý giải rằng việc nhận vào ồ ạt làn sóng di dân làm cho tình hình kinh tế và phẩm chất sống của người Úc bị suy giảm. Chẳng hạn, những làn sóng di dân từ Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy giá nhà tăng quá cao, làm cho người Úc không thể sở hữu một căn nhà.Hơn 30 năm trước khi tôi mới đến Úc, giá một căn nhà 15m x 35m ở Sydney là khoảng 50.000 đôla (trung bình), nhưng nay thì khoảng 800.000 đôla. Chỉ trong 5 năm qua, khi làn sóng di dân từ Trung Quốc đến Úc gia tăng, giá nhà ở Sydney đã tăng gần 70%. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng (hiện nay là khoảng ~6%).Không chỉ kinh tế nói chung, phẩm chất cuộc sống cũng suy giảm theo. Với sức ép dân số, các hội đồng thành phố chấp nhận cho xây nhà nhỏ lại và tăng mật độ dân số. 30 năm trước, mật độ dân số Úc rất thấp, nhưng nay thì có nơi chẳng khác gì...Hong Kong. Những nơi chật chội ở các thành phố châu Á từng bị người Úc xem là “ổ chuột” thì nay những “ổ chuột” này xuất hiện ngay tại những thành phố lớn như Sydney.Một nghịch lý khác của di dân là vấn đề lãng phí nhân tài. Phần lớn những người nhập cư Úc phải hội đủ những điều kiện khá gắt gao. Chẳng hạn, họ phải có tài chính dồi dào, có trình độ chuyên môn cao mà Úc cần, và có trình độ tiếng Anh khá.Thế nhưng những chuyên gia từ nước ngoài khi được nhập cư Úc phải đối diện với một thực tế phũ phàng là Úc không công nhận những bằng cấp nước ngoài. Hậu quả là hầu hết các chuyên gia - từ kỹ sư, bác sĩ, luật sư đến giáo chức - không thể phát huy tài năng ở Úc. Trong thực tế, ngay cả khi họ được trở lại nghề cũ thì khả năng thăng tiến trong sự nghiệp rất hạn chế.Úc là một nơi đến lý tưởng đối với nhiều người Việt Nam. Hai nước chỉ cách nhau khoảng 8 giờ bay, và khoảng cách địa lý được ví von “sáng ăn phở Sydney, chiều ăn cơm ở Sài Gòn” là một yếu tố rất quan trọng để nhiều người chọn Úc làm quê hương thứ hai.Tuy mật độ dân số có thể gia tăng trong vài năm gần đây, nhưng hệ thống giáo dục trung học và đại học Úc thuộc đẳng cấp cao nhất trên thế giới. Hệ thống an sinh xã hội và y tế của Úc tuy không bằng Thụy Điển hay Canada, nhưng hơn hẳn các nước châu Âu khác và Mỹ, do đó Úc là nơi rất được nhiều người chọn để... nghỉ hưu.Úc là một quốc gia được gầy dựng bởi những di dân. Những di dân đầu tiên đến Úc vào thế kỷ 19, sau đó là những làn sóng di dân từ châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á đã làm nên nước Úc đa văn hóa, đa dạng ngày nay.Những di dân Việt Nam tuy chỉ là một cộng đồng tương đối nhỏ trong các cộng đồng di dân, nhưng cũng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nước Úc, góp phần làm cho đất nước này phong phú và hấp dẫn hơn. Tiếng Việt được xem là ngôn ngữ thứ hai trong các chương trình giáo dục trung học ở Úc. Người Việt đã đem đến Úc một văn hóa ẩm thực làm mê hoặc vô số khách: phở, bánh mì, cơm tấm...■ Tags: Người Việt ở ÚcHọ Nguyễn hạng 13 ở ÚcLợi ích cho nước ÚcNhững đóng góp và khó khăn
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới THIÊN ĐIỂU 23/12/2024 'Đoàn giám sát của UNESCO sắp sang đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà theo lời mời của Việt Nam. Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới'.
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
Gia đình tố cáo, công an khai quật tử thi, lộ diện hung thủ đánh chết người QUỐC NAM 23/12/2024 Mâu thuẫn lúc dự đám cưới, một người đàn ông tại Quảng Bình đã chặn đánh đối thủ chấn thương sọ não và tử vong. Tuy nhiên, người nhà lại ngỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông nên sau khi khai quật tử thi, kẻ đánh người mới bị bắt.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.