Nhà sản xuất điện ảnh - chuyên gia truyền thông Hoàng Quân vừa trở về Việt Nam từ Liên hoan phim Cannes 2023 tại Pháp. Anh đến Cannes để mua bán tại Chợ phim Marché du Film - một trong những chợ phim lớn nhất thế giới.
Anh Hoàng Quân gửi cho Tuổi Trẻ Online bức thư chứa đựng niềm hy vọng về tương lai của thị trường điện ảnh Việt Nam, thông qua tiếp xúc với đối tác quốc tế trong những ngày hè bận rộn ở thành phố biển nước Pháp.
Tôi không buồn, mà hy vọng
Năm nay, Việt Nam chưa có pavilion (gian hàng riêng) tại chợ phim ở Cannes, nhưng để có thì không hề dễ dàng. Để đặt một booth (quầy) chừng 12 mét vuông, thuộc dạng nhỏ nhưng chưa phải là nhỏ nhất, đã mất 5.000 euro (126 triệu đồng) rồi, chưa tính chi phí thiết kế, in ấn tài liệu để trưng bày trong đó, rồi nhân sự, đi lại, ăn ở của ê kíp.
Vậy nên, để làm một pavilion đủ lớn cho điện ảnh Việt Nam tại Cannes sẽ tốn rất nhiều tiền, một công ty tư nhân đơn lẻ không thể làm được. Điều này cần nỗ lực cộng hưởng từ nhiều bên, cần sự ủng hộ từ Nhà nước nữa. Việc này chưa có tiền lệ, sẽ mất thời gian và công sức của nhiều người.
Nhưng với tôi, đây không phải là nỗi buồn. Tôi nhìn thấy hy vọng. Nếu Việt Nam có một khu vực tập trung kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu phim, giới thiệu dịch vụ sản xuất, hậu kỳ, kỹ xảo cho phim thì tốt hơn.
Còn hiện nay các đơn vị kinh doanh trong ngành vẫn đang nỗ lực tự thân để bán phim Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời mua những bộ phim nước ngoài chất lượng về chiếu trong nước.
Tôi xác định Cannes không phải là thị trường chính của phim Việt nên không đặt quá nhiều kỳ vọng hay mục tiêu. Đây là lần thứ hai tôi đến Cannes. Ở lần đầu, tôi trải nghiệm, quan sát cách người ta làm việc. Ở lần hai, tôi tập trung mua bán phim. Ở Cannes, các đối tác nước ngoài quan tâm đến những phim Việt thuộc dòng thương mại như kinh dị, trinh thám, hành động... Tôi cũng cố gắng chào bán các phim đoạt giải như Tro tàn rực rỡ, Đêm tối rực rỡ. Sau Cannes, tôi sẽ tập trung vào chợ phim chính của mình ở Busan, một thị trường châu Á, nơi phim Việt có nhiều tiềm năng hơn.
Tôi không buồn, bởi nhìn thấy con đường để đi. Nếu làm được, chúng ta sẽ mang lại lợi ích chung cho ngành điện ảnh. Người Việt Nam được đến đây, có cơ hội mang phim ra nước ngoài, được gặp gỡ nhiều người mua hơn.
Những nhà sản xuất, nhà đầu tư phim nước ngoài trực tiếp nhìn thấy sản phẩm của Việt Nam mình, họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào thị trường mình hơn.
Ngành phim Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, còn rất nhiều cơ hội để kinh doanh.
Cannes, cũng như tất cả các liên hoan phim lớn, đều có hệ thống cơ sở dữ liệu và nền tảng mua bán để mọi người có thể kết nối mà không nhất thiết phải gặp trực tiếp.
Cannes sử dụng Cinando - một trang web, nền tảng cho phép mỗi nhà làm phim lập tài khoản, cập nhật thông tin về bản thân và hồ sơ của các bộ phim mình đưa đến chợ phim.
Thông qua đó, tôi đã liên hệ với rất nhiều đối tác, không thể đếm xuể số lượng người tôi đã liên hệ. Và các đối tác cũng rất chủ động liên hệ, giới thiệu nhu cầu mua bán.
Thấy studio nào có phim phù hợp với nhu cầu mua của mình thì tôi đặt lịch hẹn. Và sau mỗi chợ phim, đối tác vẫn tiếp tục giữ liên hệ với mình, không cần gặp nhau ở liên hoan phim thì vẫn chủ động tìm mình. Từ chợ phim này sang chợ phim khác, họ vẫn duy trì sự kết nối như thế.
Gặp nhiều đối tác như vậy, chúng tôi luyện được kỹ năng trong 3-10 phút phải trình bày hết tất cả những điểm hấp dẫn về bộ phim của mình. Tại Cannes, tôi cũng được chứng kiến màn trình bày của các đối tác khác, mỗi người có một nguồn năng lượng khác nhau, giúp tôi học hỏi được nhiều điều.
Sang Cannes, tôi chỉ ngủ chừng 4-5 tiếng mỗi ngày, còn lại dành toàn bộ thời gian cho công việc và trải nghiệm điện ảnh. Mỗi sáng, tôi kiểm tra lịch chiếu phim ở Cannes, tìm những bộ phim mình muốn xem để đặt vé. Đến chợ phim, chúng tôi làm việc từ sáng sớm đến tối mịt.
Ngoài gặp nhau ở chợ phim, chúng tôi tận dụng tất cả thời gian rảnh ở Cannes để gặp đối tác ở các quán cà phê, nhà hàng, giờ ăn trưa, ăn tối. Mỗi cuộc gặp chỉ chừng nửa tiếng.
Đừng tự ti về chất lượng phim Việt
Ở Việt Nam mình, mọi người chỉ xem những bộ phim đã được nhập khẩu chính thức, không tính các nền tảng phim lậu. Những bộ phim ấy đã trải qua khâu sàng lọc kỹ càng từ các nhà phát hành nên đều có tiềm năng thu hút khán giả Việt.
Còn khi bước ra một chợ phim quốc tế, tôi nhận ra đa phần các phim chưa được tốt. Mình xem 100 bộ phim thì chỉ lựa được chừng 20%. Xét về dòng phim kinh dị mà tôi quan tâm thì còn ít hơn nữa. Tôi chợt nhận ra rằng: À, hóa ra mình không nên lúc nào cũng tự ti là phim Việt mình chưa tốt.
Trên thị trường quốc tế, các đối tác đánh giá phim Việt Nam có kinh phí thấp, mặt bằng lương, nhân sự, chi phí hậu kỳ, nhạc phim, dựng phim, kỹ xảo... là thấp so với thế giới. Vậy nên phim Việt mình bị xếp vào nhóm phim "kinh phí thấp".
Vậy mà các nhà làm phim Việt Nam đã cố gắng xoay xở để làm ra những bộ phim đang có trên thị trường, theo tôi là một nỗ lực rất đáng khích lệ.
Tại rạp Việt Nam cũng đâu có nhiều quốc gia được nhập phim về chiếu. Thị trường của mình đa phần là phim Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Thái Lan, Đài Loan...
Rõ ràng, nếu các quốc gia khác muốn bán phim cho thị trường mình thì họ phải hạ giá, vì phim họ chưa được chuộng. Nhưng phim Việt Nam mình có thể được chuộng ở một số thị trường khác. Giá cả là theo quy luật cung cầu.
Người Việt mình không có gì phải hổ thẹn
Năm nay, điện ảnh Việt có phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân tham dự chương trình Directors' Fortnight và giành giải Camera vàng. Đây là trường hợp rất đáng tự hào. Đặc biệt, các buổi chiếu phim Bên trong vỏ kén vàng tại Cannes cũng được chiếu ở những cụm rạp lớn. Mỗi buổi chiếu đều đông khán giả.
Ngoài ra, khi chúng ta đưa phim đến bán tại Cannes thì còn có những buổi chiếu phim bên trong chợ phim dành cho người mua. Các buổi chiếu này phục vụ mục đích mua bán chứ không mở công khai cho khán giả.
Sau hàng chục năm, từ khi những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt được mời tham dự Cannes, tôi thấy người Việt chúng ta đã đến Liên hoan phim Cannes với tâm thế hoàn toàn khác.
Khi tìm mua phim để đưa về Việt Nam, tôi gặp những đối tác nói với mình rằng: "Tôi đã nghe về thị trường Việt Nam. Đối với tôi, thị trường của các bạn rất tiềm năng. Tôi đang tìm kiếm những thị trường như vậy".
Để có được thành quả như hiện nay, tôi cảm ơn những đơn vị đi trước như Galaxy, CGV, Lotte, BHD, Mockingbird hay Skyline...
Họ đã có nhiều năm nhập khẩu phim để chứng minh cho các đối tác nước ngoài thấy rằng phim nhập về Việt Nam có thể làm ăn được.
Hình ảnh một diễn viên hay đạo diễn Việt Nam bước đi trên thảm đỏ Cannes là đại diện cho sự tiến bộ của nền điện ảnh. Nhưng để một người sải bước trên thảm đỏ, cần sự nỗ lực của hàng trăm người ở đằng sau. Những hoạt động bên lề khác cũng đang ngày ngày đóng góp cho sự phát triển đồng đều của nền điện ảnh chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận