14/12/2022 16:21 GMT+7

Người Việt mất 21.200 tỉ đồng do vi rút máy tính trong năm 2022

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Năm 2022, thiệt hại do vi rút máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam ở mức 21.200 tỉ đồng, kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân do Tập đoàn Bkav công bố ngày 14-12.

Người Việt mất 21.200 tỉ đồng do vi rút máy tính trong năm 2022 - Ảnh 1.

Năm loại vi rút máy tính tấn công người dùng mạng Việt Nam nhiều nhất trong năm 2022 - Ảnh: BKAV

Theo đó, bức tranh toàn cảnh an ninh mạng 2022 tại Việt Nam vẫn còn những điểm nóng đáng quan ngại: vi rút đánh cắp tài khoản đã có thể “xuyên thủng” cơ chế bảo mật hai lớp; số lượng máy tính nhiễm mã độc APT (tấn công có chủ đích) ở mức cao; mã độc tống tiền ransomware chuyển hướng tấn công sang máy chủ; lừa đảo tài chính online bùng nổ; Việt Nam có tới 6,8 triệu người dùng tham gia thị trường tiền mã hóa là tiềm năng nhưng thách thức cũng rất lớn…

Theo thống kê của Bkav, 180.000 máy tính trong các cơ quan, tổ chức Việt Nam bị nhiễm mã độc APT trong năm vừa qua. Con đường phát tán chủ yếu vẫn là gửi email với nội dung dụ dỗ hoặc thúc giục mở file đính kèm. 

Mã độc kích hoạt ngay khi người dùng mở file, từ đó âm thầm hoạt động trên máy tính nạn nhân: cài đặt thêm các module thành phần khác để điều khiển từ xa, đánh cắp dữ liệu, leo thang đặc quyền, lợi dụng thiết bị để tiếp tục hành vi tấn công len sâu hơn vào hệ thống của cơ quan, tổ chức...

Năm 2022, các chuyên gia Bkav ghi nhận chiến dịch tấn công ransomware quy mô lớn nhắm vào các máy chủ chứa dữ liệu kế toán. Nếu như trong năm 2021 chưa tới 1.000 máy chủ nhiễm ransomware thì năm 2022 ghi nhận hơn 14.500 máy. Riêng chiến dịch tấn công ransomware nhắm vào máy chủ chứa dữ liệu kế toán được ghi nhận từ tháng 4-2022 (hiện tại vẫn đang tiếp diễn) đã xâm nhập 1.355 máy chủ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, tổng giám đốc phụ trách mảng chống mã độc (AntiMalware) của Bkav, cho biết: “Máy chủ là nơi lưu trữ dữ liệu quan trọng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng là nơi công khai các dịch vụ ra Internet nên hacker dễ tiếp cận hơn. Cùng với đó, kỳ vọng thu được nguồn lợi tài chính từ việc mã hóa tống tiền là các nguyên nhân khiến dòng mã độc này tăng đột biến thời gian vừa qua”.

Khảo sát của Bkav cũng cho thấy 40% người dùng Việt Nam không sao lưu (backup) dữ liệu, hoặc thực hiện không đúng cách (sao lưu sang một ổ khác trên cùng máy tính). Điều này dẫn đến những thiệt hại nặng nề, không thể khôi phục dữ liệu khi không may trở thành nạn nhân của tấn công ransomware.

67% doanh nghiệp đã bị mã độc tống tiền tấn công 67% doanh nghiệp đã bị mã độc tống tiền tấn công

TTO - Các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang nằm trong tầm ngắm của những tội phạm mạng này với 67% doanh nghiệp xác nhận rằng họ là nạn nhân của mã độc tống tiền ransomware.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên