31/07/2014 10:17 GMT+7

Người Việt lên tiếng

TRẦN ĐỨC TÀI
TRẦN ĐỨC TÀI

TT - Đồ án quy hoạch 1923 là mô hình vĩ đại trong giấc mơ Đà Lạt của Ernest Hébrard. Ông không bằng lòng với quy mô chật hẹp của một trạm hồi sức cho quân đội viễn chinh như Champoudry, hay một trung tâm an dưỡng cho quan chức Pháp cùng gia đình ở Đông Dương như O’Neill.

Kỳ 1: Kỳ 2:

igpWphuw.jpgPhóng to
Một góc Đà Lạt khoảng năm 1930. Trong ảnh là hồ Xuân Hương và trục đường Trần Quốc Toản, Hồ Tùng Mậu ngày nay. Sau khi hồ được mở rộng theo đồ án quy hoạch 1932, khoảng đất ven hồ được cải tạo thành ốc đảo xây nhà thủy tạ - Ảnh tư liệu

Đà Lạt trong viễn tưởng của Hébrard là cả một thủ phủ liên bang 300.000 dân trong khi dân số Đà Lạt lúc đó chỉ khoảng 1.500.

Ông viết trong lời tựa đồ án của mình: “Thay vì phó mặc cho việc phân chia và nhượng đất cho số phận và ý muốn nhất thời của cá nhân, đồ án đã cân nhắc tới tương lai của thành phố này để tránh những sửa đổi đắt giá về sau”.

Quy hoạch đối chọi quản lý

Vị kiến trúc sư vào năm 1917 đã từng chủ trì đồ án tái thiết Thessalonika - thành phố lớn thứ nhì của Hi Lạp - là người cổ xúy mạnh mẽ cách quy hoạch phân vùng. Hébrard “không thể chịu nổi” khi để cho khu dân cư đặt gần “những khu vực ồn ào hay mất vệ sinh”. Ông hình dung Đà Lạt như ba thành phố trong một: khu vực hành chính, khu dân cư dành cho người Âu và một “khu An Nam”.

Mỗi khu vực lại được chia nhỏ. Do đó khu hành chính sẽ bao gồm cả một trung tâm tôn giáo, một khu phức hợp giáo dục, và một khu thương mại. Hébrard bố trí khu vực hành chính “ở một nơi sẽ bao quát cả một phần thung lũng, tạo thành... một bản hợp tấu đồ sộ, xứng đáng với vẻ hùng vĩ và giàu có của Đông Dương”. Nhưng tham vọng kiến tạo của một nghệ sĩ và việc thiết kế quá chi tiết lẫn tính cố chấp bảo vệ ý tưởng của mình đã khiến Hébrard không lường trước các trở ngại...

Dân cư đông dần lên, tổng cộng đã có khoảng 2.000 “Dalatois” - người Đà Lạt, cả Pháp lẫn Việt - khi Léon Garnier là quyền thị trưởng (1920 -1926). Giai đoạn này Đà Lạt đã có một tờ báo riêng bằng tiếng Pháp - tờ Le Camly. Tờ này không ít lần đả kích tính cố chấp đã trở thành huyền thoại của Hébrard. Cả giới cầm quyền Đà Lạt cũng bất bình với Hébrard ngay cả ở những điểm tưởng chừng đã nhất trí: cách ly dân bản xứ vì vấn đề an toàn vệ sinh.

Đồ án mới hứa hẹn sẽ tách bạch hơn nữa khu vực dân Việt khỏi các khu vực hành chính và dân cư châu Âu, thậm chí còn mở rộng thêm “khu An Nam” nói trên về phía bắc (hướng Lạc Dương ngày nay). Tháng 6-1925, trong cuộc họp với Ủy ban vệ sinh công cộng Đà Lạt, Garnier nhất định: “Trong trường hợp có dịch phải dễ dàng bao vây, cô lập, khống chế và giám sát làng An Nam... Do đó phải đẩy làng An Nam đi xa hơn huyện Mọi là hợp lý và chỉ cho phép trên mặt bằng khu An Nam hiện nay những tiệm kinh doanh hay nhà ở nào [của người bản xứ] xây đúng kiểu quy định, hoàn toàn hợp vệ sinh”.

Không khoan nhượng, Hébrard bác ngay ý tưởng chỉ hạn chế khu người Việt ở vùng ngoại vi phía bắc mà thôi. Ông khăng khăng đòi xây lại và duy trì “khu An Nam” quanh khu chợ mà chính quyền Garnier đã phá bỏ, đồng thời lại mở thêm một khu dân cư bản xứ nữa về phía bắc. Đích thân Hébrard giám sát việc chuyển đổi “khu An Nam” trung tâm ở quanh chợ. Ông phân địa giới thành những lô đất rất hẹp “cho đơn giản” và chỉ cho phép xê dịch các trục liên kết “vài centimet” nhưng không được phá vỡ tổng thể phân khu.

Những kiến trúc mới kiểu nhà trệt bằng gạch phân cách nhau bằng những lối đi 2,5m theo ý đồ Hébrard không khiến Garnier nổi giận cho bằng quyết định của nhà quy hoạch muốn duy trì các cửa hàng bằng gỗ gần kề khu chợ. Ủy ban vệ sinh địa phương năm trước đã ra lệnh phá hủy số nhà gỗ này. Garnier không đời nào chấp nhận những công trình theo kiểu bản xứ. Chính quyền sở tại cho rằng các nhà quy hoạch quá lý tưởng và nhiều quyền lực ở tận Hà Nội đã bất kể những vấn đề ưu tiên của địa phương.

Người Việt lên tiếng

Với tân thị trưởng Victor - Edouard - Marie L’Helgoualc’h, Đà Lạt chính thức trở thành thị xã vào năm 1926 như một đơn vị hành chính tự trị, trực thuộc toàn quyền Đông Dương. Người Việt đã bắt đầu đông hơn người Pháp và không chỉ là dân thợ, lao công, buôn bán hay nhân viên chính quyền mà đã xuất hiện một tầng lớp mới: tư sản bản xứ.

Hai ủy viên Hồ Văn Lê và Nguyễn Ngọc Chúc trong hội đồng thị xã bốn người - hai Pháp, hai Việt - thuộc tầng lớp này. Họ phản đối thẳng thừng đồ án Hébrard vì tác động đến thân phận dân “Dalatois” Việt. Đời sống dân chúng bị xáo trộn lớn vì quy hoạch giải tỏa. Ngay cả người chết cũng bị di dời vì “nghĩa địa bản xứ” đã chuyển lên tận cùng phía bắc khu An Nam mới.

Theo biên bản phiên họp hội đồng thị xã Đà Lạt ngày 27-11-1926, Hồ Văn Lê đòi hỏi phải có biện pháp ổn định. Ông Lê cương quyết đòi chính quyền phải phân bố một khu vực vĩnh viễn cho người Việt để tránh “những việc di dời do thực hiện quy hoạch đô thị”. Không bối rối, thị trưởng L’Helgoualc’h bảo đảm ủy viên Lê sẽ có sự ổn định và trấn an rằng những người Việt phải di chuyển sẽ được cấp nhà mới bằng diện tích nhà cũ mà họ buộc phải từ bỏ.

Tiếp nối ủy viên Lê, Nguyễn Ngọc Chúc buộc chính quyền phải quan tâm đến việc đất phân lô quá hẹp ở khu người Việt. Ông Chúc nói: “Nếu làm đúng theo đồ án Hébrard thì rốt cuộc các căn nhà sẽ quá sát nhau. Nhà ở sẽ chiếm hết lô đất, đâu còn chỗ làm vườn hay nhà kho. Do đó tôi yêu cầu mọi lô đất đều phải là 1.000m2, như vậy mới thu hút được thầu khoán và chủ biệt thự tới Đà Lạt được”. Ủy viên Chúc đã chọc ngay vào vấn đề quy hoạch quá chi tiết và thiên vị người Pháp. Nhưng đâu chỉ ưu tiên người Pháp? Một Madame Hoa người Việt vào lúc đó lại được mua luôn sáu lô đất liền kề trong khu vực người Âu gần nhà ga!

Hai ủy viên Việt Nam đã nói lên được nỗi bất bình của những người dân bản xứ bị di dời theo quy hoạch và vạch rõ sự bất công khi dân Việt phải sống trong căn nhà chật chội khác biệt một trời một vực với những biệt thự thênh thang kiểu Âu. Phản ứng của dân “Dalatois” bản xứ còn kéo dài cả chục năm sau. Nhưng đừng tưởng các chủ biệt thự ở Đà Lạt lại hài lòng với đồ án của Hébrard!

Ernest Hébrard (1875-1933)

Một mồi lửa rơm bất cẩn gặp mùa gió dữ đã bùng phát thành trận đại hỏa hoạn càn quét thành phố cảng Thessalonika. Chỉ trong hai ngày 18 và 19-8-1917, thần hỏa đã khiến thành phố lớn thứ nhì Hi Lạp với 270.000 dân này cháy rụi gần 1/3 diện tích, đẩy 1/4 dân số lâm vào cảnh vô gia cư. Nhưng chính phủ quyết định cấm xây dựng lại ngay sau thảm họa và chờ tái thiết mở rộng Thessalonika thành một đô thị hiện đại.

Ernest Hébrard được thủ tướng Hi Lạp mời chủ trì đồ án quy hoạch Thessalonika. Chỉ giữ lại di sản kiến trúc Byzantine, ông xóa bỏ các nét đặc trưng Trung cổ và phương Đông vốn có và kiến tạo một thành phố mới với các đại lộ, đường phố, công viên và quảng trường theo phong cách đương đại châu Âu. Sau đồ án này, ông còn tham gia quy hoạch thủ đô Athens.

Sang Đông Dương năm 1921, Hébrard để lại dấu ấn nổi bật với nhiều đồ án quy hoạch tổng thể. Không chỉ có Đà Lạt, ông còn là người quy hoạch Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và Phnom Penh. Hébrard pha trộn các yếu tố Á-Âu và tạo ra phong cách kiến trúc Đông Dương riêng biệt. Một trong những công trình tiêu biểu của Hébrard ở Hà Nội là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử VN).

________________

Kỳ tới: “Bùng nổ” biệt thự

TRẦN ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên