19/11/2018 10:23 GMT+7

Người Việt làm chủ công nghệ khoan hầm

PHƯỢNG VỸ
PHƯỢNG VỸ

Các kỹ sư, người thợ Việt ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động học hỏi, làm chủ công nghệ thi công hầm đường bộ hiện đại. Trong thời gian ngắn, trình độ thi công hầm của người Việt đã tiếp cận trình độ Quốc tế.

Người Việt làm chủ  công nghệ khoan hầm - Ảnh 1.

Kỹ sư Việt Nam điều hành việc khoan hầm Hải Vân 2 Ảnh: Phó Bá Cường

Người Việt làm chủ  công nghệ khoan hầm - Ảnh 2.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng, Giám đốc Ban điều hành các gói hầm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (gọi tắt là Tập đoàn Đèo Cả) không giấu được niềm vui và vẻ tự hào trên gương mặt khi đưa chúng tôi đi thăm đường hầm Cù Mông (trên tuyến QL1A, nối giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên) đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán - Kỷ Hợi 2019.

Đạt trình độ chung của thế giới

gs trần chủng

PGS-TS TRẦN CHỦNG (Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng)

“Công việc thi công hầm Đèo Cả, hầm đèo Cù Mông hoàn toàn do người Việt Nam làm. Đó là sự thay đổi rất quan trọng, chất lượng và tiến độ cùng với hàng triệu giờ làm việc an toàn tuyệt đối tại 2 công trình đã khẳng định bước trưởng thành của người thợ làm hầm đường bộ ở Việt Nam

"Từ kinh nghiệm học hỏi các chuyên gia nước ngoài qua công tác tư vấn giám sát, thi công hầm Hải Vân 1, rồi trực tiếp khoan hầm đèo Cổ Mã (500m), đèo Cả (4.200m) và cả tự học, tự nghiên cứu qua tài liệu, có thể nói đội ngũ kỹ sư, công nhân khoan hầm của Tập đoàn Đèo Cả đã nhuần nhuyễn công nghệ khoan hầm NATM của Áo, đạt đến trình độ chung của thế giới" - anh Đăng tự hào chia sẻ.

Minh chứng là quá trình triển khai thi công hầm Cù Mông dài 2.600m được khoan 2 ống hầm song song nhau (tiết diện 62,2m2, chiều cao 7,9m, rộng 11,3m). 

Toàn bộ lực lượng tham gia triển khai tại dự án từ tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án, Ban QLDA của Chủ đầu tư, đến nhà thầu thi công đều là người Việt. Khi thi công, mỗi ống hầm được khoan đào cùng lúc từ 2 đầu, khi đó hai bên thi công không thể nhìn thấy nhau, nhưng khi đào thông gặp nhau (hợp long) thì chỉ lệch dưới 5cm và tốc độ khoan hầm mỗi tháng đạt trung bình 150m, cá biệt khi có điều kiện địa chất tốt có tháng đạt đến 190m, với năng lực thi công tại dự án đã đạt với trình độ khoan hầm quốc tế.

"Tôi nhớ mãi giây phút nổ phát mìn cuối cùng để thông hầm phía đông vào ngày 16-1-2018, sau tiếng nổ, một gương hầm tròn trĩnh hiện ra, các số liệu thể hiện độ chính xác 2 hầm được đào cách xa nhau từ 2.600m gặp nhau tại điểm giữa hầm gần như tuyệt đối (sai số hai phía chỉ lệch nhau đạt dưới 5cm), quả là khó tin nhưng đó là thực tế. Khi đó Tết chưa đến nhưng trong lòng chúng tôi - những người thợ làm hầm của Tập đoàn Đèo Cả đã rộn ràng hơn cả tết" - anh Đăng nhớ lại. Việc đào thông hầm kỹ thuật vượt tiến độ 3 tháng là tiền đề cho các công việc hoàn thiện đổ bê tông vỏ hầm, thi công các hạng mục còn lại… đến nay sắp hoàn thành.

Thợ hầm trẻ tự tin làm chủ công nghệ

img_7541

Ông Đỗ Văn Nam (Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả)

“Cái được lớn nhất của Đèo Cả là đã đào tạo được đội ngũ kế thừa, làm chủ công nghệ khoan hầm tiên tiến, kiểm soát rủi ro cũng như đội ngũ cán bộ trẻ dày dạn, đủ độ tự tin khi gặp những thách thức mới. Đội ngũ làm hầm của Tập đoàn Đèo Cả hôm nay có thể đảm đương được những công trình tầm cỡ quốc tế

Theo các kỹ sư ở Tập đoàn Đèo Cả, khi làm hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân vào năm 1999-2005, toàn bộ từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, trang thiết bị… đều phải phụ thuộc vào người Nhật. Đến công trình hầm đường bộ đèo Cổ Mã, đèo Cả, chỉ một số nhân sự chủ chốt là kỹ sư Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp, còn triển khai thi công là những kỹ sư Việt và các nhà thầu trong nước đảm nhận.

"Chỉ đến hầm đường bộ đèo Cù Mông, và giờ đây là hầm Hải Vân 2 dài 6.300m, toàn bộ từ tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án, Ban QDLA đều là người Việt, còn nhà thầu thi công là anh em cán bộ kỹ sư công nhân của Tập đoàn Đèo Cả" - kỹ sư Cao Ngọc Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Dự án hầm đèo Cù Mông được đánh giá là khó khăn bởi địa hình, địa chất phức tạp. Ban đầu, có ý kiến quan ngại khi cho rằng SBRC (nay là Tập đoàn Đèo Cả) non trẻ. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh họ hoàn toàn làm được. Các thiết bị thi công khoan hầm hiện đại được các thợ hầm sử dụng thuần thục.

Ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định "Thợ hầm Tập đoàn Đèo Cả đã tự tin làm chủ công nghệ". Để có được thành công, các cuộc giao ban hàng ngày luôn đề cập biện pháp đảm bảo an toàn lao động, cải thiện tốc độ đào hầm, những khó khăn, biện pháp khắc phục, biện pháp rút ngắn chu trình đào, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng luôn được các bên mổ xẻ, đánh giá để tối ưu hóa tốc độ đào hầm đến 24h/chu kỳ đào. Trước mỗi gương hầm mới, người kỹ sư địa chất, kỹ sư biện pháp thi công và trắc đạc luôn ghim dãy tọa độ chu vi gương lên vách hầm theo từng bước đào, cũng như luôn thực hiện các công tác bình sai trắc đạc định kỳ, đo đạc quan trắc cho từng đoạn hầm.

An toàn tuyệt đối

Cho đến nay, quá trình thi công các dự án hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã, đèo Cả, đèo Cù Mông và hầm Hải Vân 2 (6.300m) mà Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai đều an toàn hầu như tuyệt đối. Thông qua đó, chứng minh việc coi trọng yếu tố đảm bảo an toàn cho người lao động và máy móc thiết bị được tuân thủ tuyệt đối…

Theo ông Đỗ Văn Nam, hầm đường bộ là công trình trọng điểm cấp đặc biệt, do vậy dự án thường xuyên làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước theo định kỳ 3 tháng/lần, cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. "Qua các đợt kiểm tra, các chuyên gia của hội đồng đánh giá cao về hệ thống quản lý chất lượng đang vận hành tại dự án. Hội đồng ghi nhận những nỗ lực đảm bảo tiến độ, kiểm soát chất lượng, đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường của các bên. Sau mỗi đợt kiểm tra, các bên trong dự án cùng ngồi lại để tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đưa ra biện pháp và khắc phục tất cả các tồn tại" - ông Nam cho hay.

Thi công dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 cũng là một thách thức lớn đối với Tập đoàn Đèo Cả. Đó là phải đảm bảo thi công không ảnh hưởng đến hoạt động và vận hành của hầm Hải Vân 1, chỉ cách hầm đang thi công có 30m; làm thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống các hộ dân gần khu vực thi công, đồng thời vẫn đảm bảo hầm đang thi công thực hiện chức năng hầm lánh nạn của hầm Hải Vân 1.

Khó khăn hàng loạt như vậy, nhưng theo ông Đỗ Văn Nam, nhờ tuân thủ các quy trình quy định, kỷ luật lao động, sáng tạo trong biện pháp thi công, cho đến nay, những điều được coi là khó khăn ấy đều đã được hóa giải. "Thực tế chứng minh là chúng tôi làm hầm Hải Vân 2 nhưng hầm Hải Vân 1 vẫn vận hành bình thường trong 30 tháng qua (tính từ 6/2016 đến nay). 

Các giải pháp cải tiến thi công như: Lắp đặt hệ thống cửa chống ồn 2 đầu cửa hầm; Hệ thống khung chống sập khi thi công đảm bảo chức năng lánh nạn; Biện pháp tường giảm trấn cho ngách thông ngang; Giải pháp nổ mìn vi sai đảm bảo độ rung chấn thấp hơn giới hạn cho phép… Mục đích để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình hầm Hải Vân 1"- Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

PHƯỢNG VỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên