Người Việt lạc quan và bền chí, hãy luôn như vậy!

HỒNG VÂN 30/04/2020 18:04 GMT+7

TTCT - Một phụ nữ New Zealand vì ấn tượng tinh thần lạc quan và sự bao dung của người Việt mà chọn ở lại và sống với đất nước này từ cuối những năm 1990. Sau hơn 21 năm, ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn.

Trish Summerfield, nhà giáo dục người New Zealand, người thành lập và hiện là cố vấn trung tâm Innerspace Việt Nam, nơi cung cấp các khóa học miễn phí về kiểm soát căng thẳng. Ảnh: NVCC
Trish Summerfield, nhà giáo dục người New Zealand, người thành lập và hiện là cố vấn trung tâm Innerspace Việt Nam, nơi cung cấp các khóa học miễn phí về kiểm soát căng thẳng. Ảnh: NVCC

Năm 1998, Trish Summerfield đến Việt Nam để tìm hiểu thành lập trung tâm Innerspace giúp hướng dẫn các giá trị sống tích cực, bền chí và quản lý căng thẳng. Từ ý định ban đầu là ở Việt Nam vài tháng, đến nay cô đã sống ở đây hơn 21 năm.

Ngần ấy năm sống, làm việc cùng người bản xứ, Trish cũng chứng kiến nhiều đổi thay, cả tốt lẫn xấu, về tâm lý, hành vi và các giá trị văn hóa, gia đình của người Việt, mà cô vui vẻ kể cho TTCT nghe qua điện thoại, trong những ngày chúng tôi cùng làm việc tại nhà vì giãn cách xã hội.

Bao dung còn đó

Trish nói người Việt lạc quan và bao dung trong lối sống cũng như hành xử hằng ngày chính là ấn tượng đầu tiên của cô, đến giờ vẫn không thay đổi, sau hơn hai thập kỷ sống ở Việt Nam.

“Tôi nhớ một lần chúng tôi dừng đèn đỏ trên đường. Đèn xanh bật lên và xe chúng tôi vừa chuẩn bị lăn bánh thì từ phần đường bên kia, một phụ nữ vượt đèn đỏ. Xung quanh tôi không ai giận dữ bóp còi, không ai ném cho cô ấy cái nhìn bực dọc tóe lửa. Mọi người đơn giản là đi tiếp.

Tôi hỏi các đồng nghiệp Việt: Bạn nghĩ gì khi có người vượt đèn đỏ như vậy? Trong sự ngạc nhiên của tôi, họ trả lời: Biết đâu cô ấy đang vội, chúng ta đâu biết nguyên nhân vì sao cô ấy làm vậy”.

Với Trish, đây là một trong những ví dụ về sự bao dung, dễ chịu, thấu hiểu và thông cảm một cách tự nhiên với người khác của người Việt. “Thành thật mà nói, tôi không thấy điều này ở nhiều quốc gia khác. Ở một số nước, người ta phải cố gắng để có thể thông cảm chuyện đó. Tôi đến từ New Zealand, nơi người dân rất thân thiện, nhưng nếu bạn vượt đèn đỏ, họ sẽ rất giận, có người sẽ bấm còi hoặc hét lên”.

Trong hơn 20 năm qua, dù nhiều thứ thay đổi, theo cô bản chất cởi mở, bao dung của người Việt là điều vẫn không thay đổi. Nó thể hiện rất rõ ràng qua cách người Việt Nam đùm bọc nhau và đùm bọc những người nước ngoài sống ở Việt Nam.

Thật nghịch lý, một trong những thay đổi mà cô, người hướng dẫn các lớp về quản lý căng thẳng, nhận thấy trong 20 năm qua lại là sự xuất hiện nhiều hơn của căng thẳng. Nghịch lý ở chỗ 18, 20 năm trước, cuộc sống có những thách thức nhưng Trish không thấy sự hiện diện của căng thẳng. Giờ đây khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đời sống người dân cũng cải thiện nhiều hơn trước, những vấn đề mới đã phát sinh.“Là người nước ngoài sống ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, tôi thấy cách mọi người và Chính phủ Việt Nam phản ứng đã thực sự cho thấy những giá trị đẹp đẽ của sự yêu thương, bao dung và bền bỉ của các bạn” - cô Trish nhận xét.

Khi Innerspace mới thành lập, trung tâm này chỉ có các lớp học dành cho người lớn, nhưng giờ đây những lớp quản lý về giận dữ, quản lý tâm trí đã mở ra cho giới trẻ. Trung tâm của cô ghi nhận căng thẳng xảy ra với người lớn và trẻ nhỏ, từ cha mẹ lan cho con cái.

Thế hệ làm cha mẹ hiện nay đang phải dạy con theo cách hoàn toàn khác với cách của cha mẹ mình trước đây. Trong khi đó, giới trẻ lại có cảm nhận mạnh mẽ về bản thân mình. Những giá trị quan trọng với các em thường gắn với những thứ bên ngoài hơn là trong nội tâm, do đó các em dễ gặp áp lực vì những giá trị bên ngoài đó liên tục buộc các em bị so sánh với người khác.

Cô Trish Summerfield hướng dẫn các học viên của Trung tâm Innerspace về bình an nội tâm. Ảnh: NVCC
Cô Trish Summerfield hướng dẫn các học viên của Trung tâm Innerspace về bình an nội tâm. Ảnh: NVCC

Giá trị gia đình

Cô Trish nhớ lại khi mới đến Việt Nam, Internet chưa phổ biến và mạng xã hội chưa ra đời, mọi người giao tiếp và bộc lộ cảm xúc của bản thân với người khác bằng nhiều cách. Những điều giản dị như bữa ăn gia đình, cuộc gặp mặt cuối tuần hay cùng làm những việc nhỏ kết nối người Việt và các gia đình trên thế giới.

Khi có thời gian chất lượng với người khác, chúng ta gắn kết hơn, thấy hài lòng từ bên trong và thỏa mãn về cảm xúc. “Việc ngồi uống cà phê, họp gia đình, thích gặp nhau của người Việt Nam là một văn hóa rất đẹp mà tôi rất yêu mến” - Trish cho biết.

Trong 20 năm qua, theo cô, giây phút bên nhau của gia đình người Việt xuất hiện thêm nhiều cái màn hình, bắt đầu từ chiếc TV và sau này là các thiết bị điện tử.

“10 năm trước, tôi đến nhà một người quen. Họ bật TV suốt buổi tối và bé trai dán mắt vào màn hình TV” - cô kể. Bây giờ, thì không chỉ TV mà còn điện thoại thông minh, iPad, sự phụ thuộc cũng nặng hơn. Cô chứng kiến một em bé phải kéo áo cha mẹ để họ nói chuyện với em vì cả hai đều tập trung vào điện thoại. Cảnh một gia đình ngồi ở nhà hàng mà bố mẹ mỗi người một cái điện thoại, em bé nhỏ chăm chú chơi iPad cũng là cảnh phổ biến.

“Tôi tự hỏi điều gì xảy ra với những đứa trẻ. Có khi nào chúng tự hỏi mọi người đâu cả rồi? Mạng xã hội đúng là quan trọng trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, các thiết bị và mạng xã hội để chúng ta sử dụng chúng, không phải để chúng ta bị lệ thuộc vào chúng” - cô nói.

Cô đã trò chuyện với những bé gái 10 tuổi đã bắt đầu lo ăn kiêng vì cho rằng mình quá béo, quá xấu. Càng theo dõi những cô gái trẻ trung, xinh đẹp trên mạng xã hội, các em càng kém tự tin. Theo Trish, mạng xã hội đang góp phần làm giảm sự hài lòng về cảm xúc của chúng ta.

Khi đó, khả năng hồi phục, sự kiên cường, lòng bao dung, ngưỡng chịu đựng của mỗi người giảm xuống và chúng ta dễ bị căng thẳng hơn.

“Việt Nam có một nền tảng tốt đẹp về văn hóa gia đình, bố mẹ, ông bà, cô bác, dì cậu hỗ trợ con cái, các cháu vô điều kiện kể cả khi chúng đã trưởng thành. Tôi hi vọng những giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ được duy trì và phát huy. Nếu có một thứ cần giảm mức độ khi cả nhà bên nhau, đó là điện thoại và mạng xã hội. Khi ai cũng bận rộn với điện thoại và những mối quan tâm riêng, chúng ta không dành đủ sự chú ý cho tập thể mà mình đang hiện diện” - cô nói.

Khi những đứa trẻ chứng kiến điều này, chúng sẽ mặc định rằng những cuộc họp gia đình chỉ là người lớn chăm chú vào điện thoại mà không nói chuyện với nhau. Nếu có thể, khi gia đình bên nhau, chúng ta hãy cùng thống nhất sẽ để điện thoại chỗ khác, tận hưởng giây phút hiện tại, Trish khuyên.

Theo cô, một gia đình có yêu thương và sự tôn trọng sẽ nuôi dưỡng tinh thần cho những đứa trẻ, cho các bé cảm giác mình được lắng nghe trọn vẹn, mình có giá trị vì người lớn dành trọn sự chú ý cho các em và cho nhau. Đó là một cảm giác hài lòng tận đáy lòng, giúp chúng ta thấy mình có giá trị và bớt căng thẳng, lo âu.

“Tôi mong muốn nhìn thấy nhiều hơn những cuộc sum vầy của các gia đình mà mỗi giây phút đều đáng giá. Mỗi người thực sự hiện diện trong từng hoạt động và khoảnh khắc. Các bạn hãy thử chọn một thời điểm, như sáng chủ nhật hay ngày chủ nhật không điện thoại, ngày chủ nhật của gia đình, và bắt đầu từ đấy” - Trish gợi ý.■

Cô Trish Summerfield, nhà giáo dục người New Zealand, người thành lập và hiện là cố vấn Trung tâm Innerspace Việt Nam, nơi cung cấp các khóa học miễn phí về kiểm soát căng thẳng. Ảnh: NVCC
Cô Trish Summerfield, nhà giáo dục người New Zealand, người thành lập và hiện là cố vấn Trung tâm Innerspace Việt Nam, nơi cung cấp các khóa học miễn phí về kiểm soát căng thẳng. Ảnh: NVCC

Khi mới sang Việt Nam, Sài Gòn khi đó hầu như mỗi tuần đều có một ngày cúp điện. Máy lạnh rất ít. Đến từ New Zealand rất mát mẻ, Trish cảm thấy mình như con cá bị đưa lên bờ. Cô phải nhét đá lạnh vào tóc và hai túi quần để cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng một ngày, cô tự nhủ mình phải thích nghi. Sử dụng sức mạnh của tư duy tích cực, cô tự nói với mình: “Trời mát, trời mát”.

Sau nhiều năm, giờ đây cô hầu như không bao giờ dùng đến máy lạnh, càng không phải bỏ những viên đá vào người. Cô hoàn toàn thoải mái với những cơn gió tự nhiên thổi vào những ô cửa sổ mở của trung tâm.

Đã 21 năm và tôi sẽ còn ở Việt Nam thêm nhiều năm nữa. Trong những năm tới ở Việt Nam, tôi muốn thấy những gia đình Việt Nam hạnh phúc

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận