21/10/2024 09:03 GMT+7

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ

Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đạt 5,3 tỉ bao. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước lên đến 4 tỉ bao thuốc mỗi năm (theo số liệu năm 2021) với trên 15 triệu người Việt hút thuốc.

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 2.

Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đạt 5,3 tỉ bao. Trong ảnh: phụ nữ hút thuốclá ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo các chuyên gia về y tế, đây là con số đáng lo ngại. Việc hút thuốc lá đang gây ra hàng loạt gánh nặng về bệnh tật gây tử vong sớm.

Tăng thuế thuốc lá là một giải pháp cần thiết vừa được Chính phủ đề xuất trong dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 trong tháng 10 này và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).

Giá thuốc càng rẻ, sức mua càng tăng

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất thuế đối với mặt hàng thuốc lá điếu được giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án (xem đồ họa).

Báo cáo của Chính phủ cho biết cả hai phương án tăng mức thuế tuyệt đối nêu trên đã được gửi xin ý kiến rộng rãi.

Các phương án đều đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.

Thông tin về hệ lụy của thuốc lá, theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Như nghiên cứu của Bệnh viện K, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.

Do vậy, trong dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lên Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh chọn phương án 2.

Bởi với việc tăng thuế tuyệt đối như đề xuất phương án 2 thì tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ đạt 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 là 59,38%. Nhờ đó, giá bán thuốc lá sẽ tăng theo nên tỉ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,1% (2025) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 còn 38,6%.

"Như vậy, phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ thuốc lá nhanh hơn" - Chính phủ nhận định và thông tin thêm về số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá khi chọn phương án 2, ngân sách sẽ thu khoảng 30.000 tỉ đồng năm 2026 và 39.200 tỉ đồng năm 2030.

Ở góc độ y tế, TS Nguyễn Huy Quang - trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội y học Việt Nam) - nhấn mạnh tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết do đây là mặt hàng gây hại cho sức khỏe người dùng và cộng đồng.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để giảm sử dụng thuốc lá. Nếu tăng thuế khiến giá tăng 10% thì sẽ làm giảm khoảng 5 - 8% mức tiêu thụ thuốc lá.

Vì sao người Việt sử dụng thuốc lá nhiều?

Góp ý kiến cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong tờ trình gửi lên Quốc hội, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức bảo vệ sức khỏe ủng hộ phương án 2 của Chính phủ, song đề xuất thêm phương án 3 với mức thuế cao hơn.

Cụ thể, bên cạnh thuế suất tỉ lệ 75% hiện hành, mỗi bao thuốc lá sẽ nộp thêm 5.000 đồng từ năm 2026, 7.000 đồng từ năm 2027, 10.000 đồng từ năm 2028, 12.500 đồng từ năm 2029 và 15.000 đồng từ năm 2030.

Tiến sĩ Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - đánh giá Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá khoảng một thập niên qua.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ hút thuốc cao với hơn 15 triệu người. Mức độ tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang tăng trở lại là điều đáng lo ngại. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng đáng kể về bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế.

Một trong những lý do khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao, theo tiến sĩ Angela Pratt, là do giá bán của sản phẩm này quá rẻ. Giá thuốc lá quá rẻ là do mức thuế còn thấp.

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 3.

Ngoài giữ nguyên thuế suất 75% như hiện hành, dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửađổi, Chính phủ đề xuất bổ sung đánh thuế tuyệt đối đối với thuốc lá và áp dụng phương án 2 - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ.

Mặt khác, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn khi thu nhập của người dân tăng nhanh.

"Để giảm tỉ lệ hút thuốc, việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất", tiến sĩ Angela Pratt khuyến nghị.

Bình luận về lượng tiêu thụ thuốc lá, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá (Văn phòng WHO tại Việt Nam) - cho rằng rất đáng báo động.

Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã đạt 5,3 tỉ bao. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước năm 2021 là trên 4 tỉ bao.

Còn bà Hoàng Thị Thu Hương (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho hay hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, đa số các quốc gia đã áp dụng thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với thuốc lá, chỉ có Việt Nam và Campuchia còn đang áp dụng thuế theo tỉ lệ.

Thực tế, theo bà Hương, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần rất thấp, chỉ 5%. Do đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới.

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 4.

Tỉ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước trong các năm gần đây - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.

Ủng hộ việc tăng thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, ủng hộ việc tăng thuế với thuốc lá.

Theo ông, từ lâu các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị về việc hạn chế tiêu thụ thuốc lá vì hàng loạt hệ lụy bệnh tật ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà cả những người xung quanh khi phải hút thuốc thụ động, thải ra môi trường...

Do vậy, việc áp mức thuế cao để hạn chế sử dụng thuốc lá là cách làm mà nhiều quốc gia đã áp dụng.

"Có một số ý kiến cho rằng liệu việc áp thuế cao có giảm được lượng tiêu thụ thuốc lá hay không, theo tôi, về lý thuyết là ngăn chặn được vì thuế cao sẽ kéo theo giá bán mỗi bao thuốc lá tăng lên và nhu cầu từ đó sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, thực tế người hút thuốc lá lâu năm không phải cứ thích là hút không thích là thôi mà hầu hết là bị nghiện, không hút không chịu được" - ông Được phân tích.

Do vậy, theo ông, bên cạnh việc tăng thuế thuốc lá cũng cần các giải pháp khác như tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá, đặc biệt với thế hệ trẻ, để không hút thuốc lá hoặc nếu đang hút thì từ bỏ thuốc lá.

Về góc độ y tế cũng cần nghiên cứu thêm để có giải pháp hỗ trợ những đối tượng này để từ bỏ hoặc giảm bớt tiêu thụ thuốc lá.

"Việc tăng thuế thuốc lá có thể sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá lậu tràn vào trong nước qua biên giới, do vậy bên cạnh việc tăng thuế cũng cần kiểm soát chặt để tránh thất thu ngân sách và đảm bảo được mục tiêu là tăng thuế để hạn chế tiêu thụ thuốc lá" - ông Được cảnh báo.

Ủng hộ việc tăng thuế với thuốc lá, chuyên gia về thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng cần có lộ trình tức tăng từ từ để các hãng thuốc lá có thời gian tính toán phương án kinh doanh.

"Cần có lộ trình xem xét, đánh giá xem chẳng hạn thuốc lá nội hiện nay chiếm bao nhiêu phần trăm, có tác động đến thu ngân sách như thế nào, tác động ra sao đến công ăn việc làm của người lao động trong lĩnh vực này và cần lộ trình để giải quyết công ăn việc làm và tái cơ cấu với ngành thuốc lá.

Song song đó là tuyên truyền để gia tăng nhận thức và cần giải pháp mạnh tay để chặn nạn thuốc lá lậu như một số quốc gia đã áp dụng", ông Sơn nói.

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 5.

Một điểm bán thuốc lá ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Căn cứ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá

* Nghị quyết số 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có gas, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng".

* Quyết định số 508 năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng.

Nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỉ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

* Quyết định số 568 năm 2023 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023 - 2025 và dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030; yêu cầu xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá...

Nhà nước thất thu 5.000 - 6.000 tỉ đồng/năm

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp, như trong giai đoạn 5 năm (2019 - 2023) có hơn 59.600 vụ bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao thuốc lá lậu bị tiêu hủy. Nhà nước đã bị thất thu thuế khoảng 5.000 - 6.000 tỉ đồng đồng/năm.

Mỗi năm có 40.000 người tử vong do thuốc lá

Gánh nặng về chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra rất nghiêm trọng. Theo Bộ Y tế, tại nước ta, thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 40.000 người tử vong mỗi năm. Tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng/năm.

Hiệp hội Thuốc lá nói gì?

Hoàn toàn đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên phát biểu tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Nhân - tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho rằng cả hai phương án tính thuế tuyệt đối nêu trên khiến doanh nghiệp ngành thuốc lá rất băn khoăn.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Nhân đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong năm 2026 là 1.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng 500 đồng/bao và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao.

"Mức tăng thuế hợp lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động" - ông Nhân bày tỏ.

Mối lo thuốc lá điện tử "lên ngôi"

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 6.

Người trẻ hút thuốc lá điện tử - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thống kê của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam đã giảm từ hơn 54% (năm 2013) xuống còn gần 39% (năm 2023); tỉ lệ này trong thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể.

Tuy vậy, Việt Nam lại đang phải đối diện với tác hại từ thuốc lá điện tử. Đặc biệt, tỉ lệ này ở phụ nữ và thanh thiếu niên đang gia tăng. Theo nghiên cứu gần đây, chỉ trong 2 năm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng suy đa tạng, ngộ độc nguy kịch sau khi hút thuốc lá điện tử.

Theo thống kê của tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, chỉ riêng năm 2023 đã có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

"Trong đó, rất nhiều mẫu thuốc lá được kiểm nghiệm phát hiện chứa ma túy tổng hợp. Đó là điều đáng lo ngại nhất bởi thuốc lá điện tử có thể tự gia giảm bằng các thành phần, nhiều người có thể sử dụng ma túy bằng cách này.

Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khỏe đã quá rõ, nếu không cấm ngay thì đây sẽ là mối nguy hại rất lớn cho cả thế hệ tương lai", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Cũng vì thực trạng này, hai năm trở lại đây, Bộ Y tế, các chuyên gia, bác sĩ đã rất quyết liệt trong việc truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, xây dựng chính sách cấm đối với loại thuốc lá này.

Tại khu vực ASEAN đã có năm quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ quan điểm từ trước đến nay vẫn là cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác).

Vì vậy, bộ đã đề xuất xây dựng văn bản với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Dự kiến nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này.

Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ - Ảnh 7.Thuốc lá điện tử đang thổi bay thành tựu giảm tỉ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam

Thành tựu Việt Nam đạt được về việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ, bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên