Toàn cảnh hội nghị tọa đàm "Vai trò của kiều bào với biển đảo quê hương" - Ảnh: THANH YẾN
Nhằm thông tin và tuyên truyền kịp thời đến kiều bào và thân nhân, những người đang làm công tác kiều bào tại ban liên lạc kiều bào 24 quận, huyện, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm "Vai trò của kiều bào với biển đảo quê hương" chiều 31-7 với sự hiện diện của các kiều bào từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào...
Buổi tọa đàm nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền rõ về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo đúng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó chủ tịch nước - chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: THANH YẾN
"Một hình ảnh hơn ngàn câu chữ"
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Trung Kiên, chủ nhiệm quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc. Từ năm 2015 đến nay, quỹ của anh Kiên đã vận động kiều bào các nước trao tặng cho gần 20 điểm đảo ở Trường Sa các tấm pin năng lượng mặt trời công suất cao và pin năng lượng mặt trời cơ động.
Anh Kiên chia sẻ trăn trở về công tác thông tin tuyên truyền hiện nay của Việt Nam trước bối cảnh mới và các âm mưu, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Anh Nguyễn Trung Kiên, kiều bào ở Hàn Quốc, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: THANH YẾN
"Thật sự mà nói bây giờ có bao nhiêu người trẻ chịu khó ngồi xem thời sự hay đọc những bài báo dài chỉ có chữ và chữ? Tôi cho rằng chỉ cần một hình ảnh, chẳng hạn tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở bãi Tư Chính, là đủ" - anh nói.
Ông Phùng Công Dũng, chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM - Ảnh: THANH YẾN
Ông Phùng Công Dũng, chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cảm ơn các ý kiến và đóng góp của kiều bào Việt Nam, khẳng định đó vừa là sự chia sẻ tình cảm vừa là "đơn đặt hàng" của bà con đối với những người làm công tác tuyên truyền về biển đảo.
Ông Dũng nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước các hành động hung hăng của Trung Quốc. "Chúng ta đấu tranh, chúng ta có một trái tim nóng nhưng cần giữ được cái đầu lạnh, tránh rơi vào tình trạng bị kích động và lợi dụng", ông Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, khẳng định những chia sẻ của bà con Việt kiều trong hội nghị là "vô cùng sâu sắc", đồng thời cung cấp thêm một số thông tin về đường hướng chiến lược và các diễn biến trong, ngoài Biển Đông của các nước lớn.
Ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, phát biểu ý kiến - Ảnh: THANH YẾN
"Việt kiều đều hướng về Biển Đông"
Cũng trong hội nghị, ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, đã chia sẻ về quá trình sưu tầm hơn 150 bản đồ cổ chứng minh Trung Quốc không hề có cái gọi là chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Đó là một dịp tình cờ khi tôi cùng một số người bạn thấy các bản đồ cổ trên mạng eBay của Mỹ. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là sưu tầm rồi tặng cho Việt Nam thôi. Không ngờ khi những bản đồ này về đến Việt Nam, sự lan tỏa và ảnh hưởng của những tấm bản đồ đó đã khiến tôi bất ngờ", ông Thắng chia sẻ.
Ông Trần Thắng phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: THANH YẾN
Theo ông Thắng, trong số hơn 150 bản đồ được sưu tập (cổ nhất từ năm 1626), 100 bản đồ do các nước Anh, Pháp, Hà Lan vẽ đều cho thấy Trung Quốc không hề có chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Các tập atlas do chính Trung Quốc phát hành vào các năm 1908, 1919 và 1933 đều thể hiện cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Ông Thắng khẳng định dù người Việt Nam ở nước ngoài có thể có nhiều chính kiến bất đồng nhau, tất cả đều hướng về tình hình Biển Đông. "Nhiều người ở San Francisco, dù có bất đồng và mâu thuẫn về tư tưởng, cũng gửi tiền cho nhóm sưu tập bản đồ", ông Thắng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận