Trong ngày 11-2, những người dùng tại Việt Nam đã có tài khoản ChatGPT đều nhận được thông báo: "ChatGPT Plus đã dùng được tại Việt Nam từ 10-2".
Có vẻ chuyện đông đảo cư dân mạng Việt Nam đua nhau tìm cách đăng ký tài khoản, khí thế trải nghiệm và khoe kết quả chat với robot đã có tác động đến OpenAI - công ty sở hữu dịch vụ ChatGPT.
Kết quả là thị trường Việt Nam đã được chú ý và "mở" ngay phiên bản nâng cao cho người dùng Việt.
Phiên bản cao cấp có gì hay?
Theo giới thiệu ngắn gọn của OpenAI, phiên bản ChatGPT Plus sẽ cho phép người dùng được sử dụng dịch vụ ngay cả trong những giờ "cao điểm".
Tức là dù lượng truy cập vào ChatGPT có đông cỡ nào, những người dùng trả phí vẫn được cung cấp "lối đi riêng" giống hạng thương gia hay khách VIP khi đi máy bay.
Song song đó, tốc độ trả lời của ChatGPT Plus cũng sẽ nhanh hơn. Người dùng ChatGPT Plus còn được ưu tiên trải nghiệm những tính năng cũng như những phát triển mới nhất của dịch vụ.
Bên cạnh đó, để chứng minh cái sự hơn của phiên bản nâng cao, các đặc tính của phiên bản bình thường (đăng ký miễn phí, chưa hỗ trợ địa chỉ tại Việt Nam) cũng được ChatGPT nêu ra: không sử dụng được khi lượng truy cập cao, tốc độ trả lời "tiêu chuẩn" (như hiện nay là trả lời từng chữ), trải nghiệm tính năng và phát triển mới theo... quy trình.
Mặc dù thông báo đã mở phiên bản nâng cao ChatGPT Plus cho thị trường Việt Nam từ ngày 10-2 nhưng ChatGPT vẫn chưa cho người dùng tại Việt Nam đăng ký tài khoản mới theo cách "chính thống".
Chiều 11-2, chúng tôi thử truy cập vào trang web chat.openai.com để đăng ký tài khoản mới thì vẫn nhận được thông báo cũ: "dịch vụ vẫn chưa hỗ trợ quốc gia của bạn".
Việc này lại mâu thuẫn với chính thông báo của OpenAI về việc cung cấp ChatGPT Plus cho người dùng tại Việt Nam.
Trong khi những người dùng đã có tài khoản ChatGPT tại Việt Nam hiện nay đều phải dùng đến các chiêu "lách quy định" như: đổi địa chỉ mạng ra nước ngoài; thuê, nhờ số điện thoại nước ngoài (Anh, Mỹ...) xác thực để kích hoạt tài khoản.
Thậm chí, ngay cả những người muốn trả tiền để được trải nghiệm ChatGPT Plus ngay trong ngày 11-2 cũng không được chấp nhận. Anh Bình Minh, kỹ sư công nghệ (TP.HCM), cho biết: "Ngay khi thấy thông báo mở tính năng ChatGPT Plus, tôi liền đăng ký ngay.
Tuy nhiên, khi thực hiện thanh toán 20 USD, tôi nhận được thông báo thẻ của mình bị từ chối, phải thử thẻ khác. Những lần tiếp đó, dù đã nhập các thông tin thẻ thanh toán quốc tế hoàn toàn chính xác và thử nhiều thẻ khác nhau, tôi vẫn nhận được thông báo từ chối thẻ.
Có vẻ khâu kết nối giao dịch của OpenAI có trục trặc". Nhiều người dùng khác cũng nhận thông báo tương tự khi tiến hành thanh toán để có tài khoản ChatGPT Plus.
20 USD là quá cao
Tìm hiểu nhanh chiều 11-2, khá nhiều người dùng, nhất là những người làm trong ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, truyền thông, cho biết sẵn sàng trả tiền để trải nghiệm ChatGPT Plus nhưng chỉ trong một tháng đầu tiên..., còn sau đó "tùy tình hình rồi tính tiếp".
Trong khi đó, hầu hết người dùng bình thường cho biết sẽ không dùng ChatGPT Plus vì mức phí đến gần 500.000 đồng mỗi tháng là quá cao.
Hơn nữa, những giới thiệu của OpenAI cho thấy ChatGPT Plus không vượt trội nhiều so với phiên bản miễn phí.
Chị Thủy Tiên (TP.HCM) còn cho rằng: "Mức giá đến gần 500.000 đồng mỗi tháng có thể dùng để trả tiền Internet và tiền gửi xe của gia đình, phiên bản miễn phí bình thường vẫn ổn, chỉ chậm chút thời gian chứ không thua kém gì bản Plus".
Sau thời gian trải nghiệm với ChatGPT, chị Lệ Hà, nhân viên truyền thông (TP.HCM), còn cho rằng: "Không việc gì phải trả tiền cho ChatGPT.
Cách trả lời của ChatGPT vẫn không thoát cái cốt "máy móc". Những câu mang tính vặn vẹo thì nó trả lời nước đôi, đôi khi không hiểu câu hỏi nhưng vẫn cứ trả lời nên thành ra... tào lao"...
Theo chuyên gia truyền thông Dy Khoa, thời gian vừa qua, hàng loạt người dùng Việt đã hồ hởi sử dụng ChatGPT "thử" xem nó là gì và chia sẻ hình ảnh các câu trả lời lên mạng xã hội như một trend (xu hướng).
"Nhiều người chưa thật sự khai thác ChatGPT vào công việc mà chỉ xem đây như một hình thức giải trí, bám trend.
Do đó, việc nền tảng này triển khai thu phí với một số tính năng cũng sẽ nhận được sự quan tâm bước đầu của người dùng mạng Việt Nam, có thể họ sẽ sẵn sàng đóng phí 1 - 2 tháng đầu. Nhưng để tiếp tục đóng trong các tháng sau như một dịch vụ công nghệ thiết yếu khác thì rất khó", ông Khoa nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cũng cho rằng: "Mức giá gần 500.000 đồng mỗi tháng cho một tài khoản sử dụng ChatGPT sẽ là một khoản chi cần cân nhắc vì hiện nay các mặt hạn chế của dịch vụ này bắt đầu bộc lộ khá nhiều.
Ví dụ như các nguồn tin chưa được xác thực hoặc các thông tin chưa đúng, thậm chí đã có những cảnh báo về việc bảo mật thông tin người dùng trong quá trình sử dụng...".
Nhiều người dùng Việt nằm trong "danh sách đen" thanh toán?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ chiều 11-2, một chuyên gia công nghệ nhận định việc OpenAI không chấp nhận các thẻ thanh toán quốc tế của người dùng Việt Nam là bởi vì "Việt Nam có thể đang bị liệt vào danh sách đen (blacklist) của cổng thanh toán Stripe đang được OpenAI sử dụng cho các giao dịch".
Stripe là dịch vụ trung gian thanh toán nổi tiếng trên thế giới, hoạt động giống như Napas của Việt Nam.
Chuyện Việt Nam bị liệt vào "danh sách đen" của Stripe có thể bởi các lý do như: dùng nhiều tài khoản "ăn cắp", tài khoản "chùa" trong các giao dịch; dùng các chiêu thức bán hàng gian lận, quảng cáo lố, bán hàng giả... và bị người mua phản ánh...
"OpenAI có thể không biết rằng Stripe đang chặn thanh toán từ Việt Nam, nên thành ra ChatGPT Plus mở cho người dùng tại Việt Nam thì cũng như không", vị chuyên gia nhận xét.
Không việc gì phải vội vàng
Đánh giá sơ bộ về ChatGPT Plus, ông Hà Đức Trung, giám đốc công nghệ Công ty dịch vụ chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng: "Những giới thiệu của OpenAI chưa cho thấy ChatGPT Plus có gì thực sự hấp dẫn đáng để người dùng phải trả đến 20 USD mỗi tháng để trải nghiệm.
Trong khi đó, một trong những điều quan trọng người dùng cần ở ChatGPT là tính thời sự của thông tin, nhưng dữ liệu hiện có của ChatGPT vẫn chỉ giới hạn tới năm 2021.
Trong khi đó, chắc chắn các ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ nhanh chóng có những cải thiện và tính năng không thua kém ChatGPT, mức giá nếu có cũng sẽ rất cạnh tranh... Người dùng Việt không việc gì phải vội vàng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận