26/11/2024 08:08 GMT+7

Người Việt chinh phục núi cao: Lên núi cao, thấy mình bé nhỏ

Việc chinh phục thành công những đỉnh núi cao trên 6.000m hoặc 8.000m là một trải nghiệm thay đổi sâu sắc cả về thể lực và tinh thần đối với các nhà leo núi.

Lên núi cao, thấy mình bé nhỏ - Ảnh 1.

"Tôi thức nhiều đêm để suy nghĩ trước câu hỏi của huấn luyện viên đề cập đến viễn cảnh chinh phục đỉnh Manaslu thất bại, có thể trở thành gánh nặng cho gia đình. Sau khi về đích, tôi có được bài học lớn về lòng kiên nhẫn và quyết tâm" - nhà leo núi Đỗ Hữu Nam bộc bạch.

Đỗ Hữu Nam sinh năm 1994, là doanh nhân kiêm hướng dẫn viên ở Hà Nội. Cũng như nhiều người Việt Nam đam mê bộ môn thể thao mạo hiểm leo núi hiện nay, Nam đến với môn này để rèn luyện sức khỏe, tinh thần, ý chí, thỏa những ước mơ trải nghiệm, khám phá.

Anh nói với Tuổi Trẻ: "Mục tiêu chinh phục những đỉnh núi của tôi là vượt qua vùng an toàn, thay đổi bản thân và thực hiện những giấc mơ thuở bé".

Tôi muốn góp phần thúc đẩy nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ về sự kiên trì vượt qua những khó khăn, không ngừng cố gắng không chỉ trong các đỉnh cao leo núi mà là trong cuộc sống. Hướng dẫn viên leo núi

ĐỖ HỮU NAM

Thử thách thể lực và ý chí

"Trước khi đi leo núi tôi gặp khá nhiều vấn đề về sức khỏe, công việc, stress… rồi phải làm "công tác tư tưởng" thuyết phục vợ con trong gia đình ủng hộ hành trình chinh phục những ngọn núi xa xôi trên dãy Himalaya.

Về mặt tinh thần, có lẽ leo Manaslu là điều khó khăn và liều lĩnh nhất mà tôi phải trải qua dù đã lên kế hoạch tập luyện sức mạnh, sức bền, nhịp tim và khả năng chịu đựng trong thời gian dài gần cả năm", Hữu Nam chia sẻ.

Việc chinh phục thành công những đỉnh núi cao trên 6.000m hoặc 8.000m là một trải nghiệm thay đổi sâu sắc cả về thể lực và tinh thần đối với các nhà leo núi.

Hữu Nam hay chị Nguyễn Thanh Bình (chinh phục thành công - summit đỉnh Ama Dablam 6.812m) đều thừa nhận cơ thể người leo núi phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt, thiếu oxy, nhiệt độ âm, ăn uống kham khổ, sinh hoạt bất tiện… trên hành trình. Thời tiết thay đổi đột ngột hay khi quá mệt mỏi cũng khiến người leo muốn bỏ cuộc.

"Ý chí trở thành yếu tố duy nhất giúp tôi tiến lên. Tôi học được cách giữ vững tinh thần trong những điều kiện khó khăn nhất và nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa nỗ lực nhất thời và sự kiên trì dài hạn. Chuyến đi đã khiến tôi thêm vững tin vào bản thân, giúp tôi biết cách xử lý những thách thức lớn trong cuộc sống không chỉ trên núi mà cả trong các tình huống hằng ngày", Hữu Nam cho biết.

Cân bằng nhịp sống đời thường

Nhà chinh phục đỉnh K.2, ngọn núi cao thứ nhì thế giới sau Everest nhưng lại khét tiếng là "đỉnh núi nguy hiểm nhất thế giới" trên dãy núi lớn Karakoram bao trùm biên giới giữa Pakistan và Trung Quốc, bác sĩ phẫu thuật Ngô Hải Sơn cho biết anh tập luyện thể thao đa môn hơn 20 năm và quỹ kinh nghiệm này hỗ trợ anh vượt qua các thử thách thể lực khi leo núi cao trên 8.000m.

"Áp lực khi leo núi góp phần giúp tôi san sẻ áp lực trong công việc bác sĩ thường ngày làm việc liên tục liên quan đến tính mạng của bệnh nhân", bác sĩ Sơn cho biết.

Trong chuyến leo K.2, bác sĩ Sơn còn hỗ trợ điều trị sức khỏe cho những bạn đồng hành leo núi khác. Anh cũng so sánh những điểm chung tương hỗ giữa nghề nghiệp ngành y và niềm đam mê leo núi như cần liên tục phải ra quyết định nhanh, chính xác; cách vượt qua sự mệt mỏi, lo lắng…

Với Phạm Thùy Dương, sinh năm 1990, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, đam mê leo núi "là hoạt động thể thao dã ngoại giúp tôi rèn tính kỷ luật, chăm chỉ, sự tập trung, cân bằng cuộc sống, nạp lại năng lượng tích cực và mới mẻ khi kết nối với thiên nhiên".

Nhà chinh phục đỉnh Manaslu Đỗ Hữu Nam cũng tán thành: "Những người leo núi thường có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhất là các khu vực núi cao kỳ quan thiên nhiên cần được gìn giữ. Tôi tìm thấy sự bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Những chuyến đi ngoài thiên nhiên giúp tôi cân bằng cuộc sống của mình giữa gia đình, công việc, sự nghiệp. Ở độ cao hàng nghìn mét, tôi cũng có cơ hội nhìn ngắm thế giới từ một góc nhìn hoàn toàn khác, cảm nhận được sự nhỏ bé của mình và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống".

Lên núi cao, thấy mình bé nhỏ - Ảnh 2.

Nhiều người Việt đến Everest Base Camp ở Nepal - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Không đánh đổi bằng mọi giá

Đã gắn với leo núi 7-8 năm qua, Phạm Thùy Dương cho biết cô không "mù quáng leo và chinh phục những đỉnh núi bằng mọi giá".

Cô kể trong chuyến leo Mentok Kangri ở vùng bắc Ấn Độ mùa thu năm nay, thời tiết lạnh, khắc nghiệt và dính cả mưa đá khiến Dương bị sốc độ cao ở 5.400m và chấp nhận xuống lại trại nền thay vì cố lên đỉnh. Trong tám người Việt cùng đoàn chỉ có ba người chinh phục được đỉnh Mentok Kangri cao 6.250m.

Kỹ sư Khải Nguyễn, người Việt đầu tiên chinh phục "Thất đỉnh" (bảy ngọn núi cao nhất ở các châu lục), gợi ý với những bạn yêu leo núi rằng: "Hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về địa hình ngọn núi, hành trình lên đỉnh, thời tiết và để tâm trí tĩnh lặng, thoải mái thì việc leo núi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn".

Chị Thanh Bình khẳng định rằng leo núi không chỉ giá trị ở việc summit mà giá trị ở suốt một hành trình từ việc bạn lên kế hoạch, đặt ra mục tiêu và hoàn thành.

Chị nói: "Bạn hiểu rõ bản thân, hiểu rõ về núi, hiểu rõ về những gì mình có được và biết đâu là điểm dừng. Nếu chưa lên tới đỉnh, ngọn núi vẫn ở đó, chờ gặp lại bạn vào thời điểm bạn sẵn sàng hơn. Đây cũng là một phẩm chất một người leo núi giác ngộ: biết buông bỏ, thanh thản, bình tâm, hỷ xả".

Lên núi cao, thấy mình bé nhỏ - Ảnh 3.

Bác sĩ Ngô Hải Sơn vượt con dốc tuyết ở độ cao 8.500m trên sườn núi K.2 (Pakistan) - Ảnh: NVCC

Tại Việt Nam, các bạn trẻ/nhóm leo núi thường khởi đầu niềm đam mê leo núi để rèn luyện sức khỏe bằng hành trình chinh phục các đỉnh núi như Bà Đen (cao 966m, Tây Ninh), Bạch Mộc Lương Tử (tức Ky Quan San, cao 3.046m, Lai Châu), Lùng Cúng (2.913m, Yên Bái), Tà Chì Nhù (2.979m, Yên Bái), Ngũ Chỉ Sơn (2.858m, Lào Cai), Lảo Thẩn (2.860m, Lào Cai)…

Các tuyến trekking (đi bộ đường dài) và leo núi người Việt tham gia ở nước ngoài phổ biến có miền cao Ladakh (Ấn Độ), Annapuruna Base Camp (4.130m), Everest Base Camp (5.364m) ở Nepal…

Thông tin người Việt lần lượt chinh phục những ngọn núi trên thế giới gây cảm xúc và tự hào cho cộng đồng, song cũng đã xảy ra những nghi ngờ bán tín bán nghi về chuyện "fake summit" (lên đỉnh giả).

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải, người từng có bốn năm trekking và leo núi ở Himalaya, cho biết anh rất trân quý và khâm phục những ai đam mê, có khả năng, nghị lực và điều kiện chinh phục những đỉnh núi "ngoại hạng" (trên 8.000m).

Thế nhưng tiếc là có trường hợp tuyên bố summit lại chưa thuyết phục mạnh mẽ được cộng đồng leo núi bởi nhiều lý do, ví dụ như không theo những nguyên tắc thích nghi độ cao hay thiếu dữ liệu, tracklog (tính năng định vị, lưu quãng đường), hình ảnh, clip công khai minh bạch.

"Tôi nghĩ leo núi trước hết là hoạt động trung thực, tự trọng với bản thân và vì giá trị đích thực mà môn leo núi mang lại cho mỗi nhà leo núi", anh Hải nói.

Người Việt chinh phục núi cao: Lên núi cao, thấy mình bé nhỏ - Ảnh 4.Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới

Tin vui chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas (Nepal) sáng 9-11 làm cộng đồng những người yêu thích bộ môn leo núi thêm tự hào, hứng khởi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên