Năm 2024 ghi nhận nhiều người Việt Nam chinh phục thành công (summit) các đỉnh núi khét tiếng về độ khó tại dãy tuyết sơn Himalayas vùng Nam Á.
Một tuần trước khi lên được đỉnh Ama Dablam, chị Thanh Bình cũng chinh phục thành công đỉnh Lobuche cao 6.119m cách Ama hơn 10km đường chim bay.
Ngày 14-11, chị Thanh Bình đã về đến Hà Nội, khép lại chuyến đi rất thành công và tiếp tục hướng tới những chuyến leo núi mới trong năm 2025.
Núi cao thì mặc núi cao
Trước đó nhiều người Việt đã cố gắng chinh phục các thử thách khác nhau trên vùng núi non hiểm trở "nóc nhà thế giới".
Bác sĩ phẫu thuật Ngô Hải Sơn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Hà Nội) dành hẳn một tháng ròng đến Pakistan để leo núi K2 - ngọn núi cao thứ nhì thế giới sau Everest nhưng lại khét tiếng là "đỉnh núi nguy hiểm nhất thế giới".
"K2 trên dãy núi lớn Karakoram bao trùm biên giới giữa Pakistan và Trung Quốc. Tôi bắt đầu hành trình leo bộ dài 100km từ Askoli thuộc Skardu đến Trại nền K2.
Sau đó phải thực hiện việc luyện tập thích nghi leo lên xuống các trại 1-2-3... của núi để cơ thể thích nghi độ cao (rotation) trong suốt hai tuần. Khi giảm thiểu nguy cơ bị sốc độ cao (AMS) và đợi đến ngày thời tiết tốt, tôi mới chính thức hành trình leo thẳng lên đỉnh cao 8.611m vào ngày 28-7", bác sĩ Hải Sơn cho biết.
Như vậy, bác sĩ Hải Sơn trở thành người Việt thứ hai sau anh Khải Nguyễn (kỹ sư công nghệ hiện đang làm việc tại Mỹ) chinh phục thành công K2.
Với những người yêu môn thể thao mạo hiểm như leo núi, câu nói "thất bại là mẹ thành công" rất hợp bởi trước đây bác sĩ Sơn và kỹ sư Khải từng leo ngọn Manaslu ở Nepal song lên tới Trại 3 (6.800m) thì buộc phải quay xuống vì tuyết lở.
Đến cuối tháng 9-2024, trong mùa leo núi thu đông ở Nepal, lần lượt các nhà leo núi/huấn luyện viên Bùi Văn Ngợi, hướng dẫn viên Đỗ Hữu Nam, doanh nhân Nguyễn Mạnh Duy và kỹ sư Khải Nguyễn tham gia leo núi Manaslu cao 8.163m (cao thứ 8 thế giới) trên Himalayas.
Đỗ Hữu Nam lên đỉnh Manaslu thành công lúc gần 6h sáng 24-9, còn kỹ sư Khải Nguyễn cũng summit Manaslu sáng 25-9. Đây là hai người Việt đầu tiên được Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không Nepal cấp giấy chứng nhận summit Manaslu.
Ý chí "phái yếu"
Trả lời Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thanh Bình kể: "Nếu như đường leo Lobuche không quá khó khăn chỉ cần mình vững bước là tới đích thì Ama Dablam lại là ngọn núi có địa hình rất thách thức, nhất là đối với nữ giới.
Chúng tôi phải đu dây vượt nhiều đoạn dốc đá cao thẳng đứng, cheo leo nguy hiểm, đòi hỏi người leo không chỉ có thể lực tốt mà còn vững kỹ thuật".
Một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công nữa, theo chị Bình, đó chính là tinh thần.
"Tôi chuẩn bị kỹ tâm thế để giữ bình tĩnh, hoàn thành mục tiêu từng ngày. Tôi cảm ơn người đồng đội và đội sherpa giàu kinh nghiệm đã hỗ trợ tốt cho mình.
Sự cố một người bạn nữ leo núi khác cùng đi từ Việt Nam sang chung chuyến với tôi song bạn buộc phải dừng hành trình giữa chừng một cách đáng tiếc cũng làm cho tôi thêm quyết tâm và động lực phải summit được Ama Dablam để bù cho bạn".
Người đồng hành cùng chị Bình trong chuyến chinh phục kép đỉnh Lobuche và Ama Dablam là nhà huấn luyện leo núi Phan Thanh Nhiên - một trong số rất ít người Việt Nam đã chinh phục được Everest.
Chị Bình cho biết: "Thanh Nhiên là bạn bè lâu năm và cũng là người thầy về leo núi đầu tiên của tôi. Chúng tôi rất hiểu ý nhau trên hành trình. Tôi luôn nhớ lời Nhiên để đến được với ước mơ thì không có cách nào khác là phải duy trì tập luyện hằng ngày, suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề".
Điểm hẹn Everest
Trong đợt leo núi mùa xuân ở Nepal tháng 4-2023, Phan Thanh Nhiên và Thanh Bình từng leo Everest.
Tiếc là khi leo đến độ cao 6.800m, chị Bình hay tin dữ từ Việt Nam báo sang là bố của chị qua đời. Trong tâm trạng rối bời, chị Bình từ bỏ hành trình, trở về Hà Nội thọ tang bố chỉ với tấm hộ chiếu trên tay.
"Sau đó, tôi trở lại Nepal thu dọn đồ đạc còn để lại. Được sự động viên của sherpa, tôi thử leo Everest lần nữa và đã lên tới Trại 3 (7.500m). Tiếc là đến đây tôi lại không thể đi tiếp được nữa do thời tiết quá xấu, có bão lớn. Tôi bắt buộc phải từ bỏ ước mơ để đi xuống", chị Bình kể.
"Hành trình Everest là ký ức không thể diễn tả hết cảm xúc bằng lời đối với tôi. Sau đó tôi đã có một khoảng lặng dài như để trốn tránh, lãng quên, cất giấu đi tất cả mọi việc liên quan đến núi.
Mãi đến ngày đầu năm 2024, tôi lại leo núi Sa Mu U Bò ở Sơn La để đón ánh bình minh đầu tiên chào đón năm mới trên đỉnh núi theo thói quen duy trì hằng năm. Khoảnh khắc đó tôi mới nhận ra rằng mình không thể từ bỏ leo núi. Rằng tôi sẽ quay lại", chị Bình chia sẻ đam mê và ý chí.
Thế là trong năm 2024, Bình lên đường chinh phục "nóc nhà châu Phi" Kilimanjaro (5.895m) ở Tanzania rồi tới Lobuche và Ama Dablam.
"Đây là những hành trình giúp tôi tìm lại sự tự tin, niềm tin vào bản thân, đồng thời cũng khẳng định lại sự phù hợp về thể lực của mình với môn leo núi khắc nghiệt".
Còn về giấc mơ Everest dang dở? Người phụ nữ Hà Nội yêu viết văn, vẽ tranh và dạy nghệ thuật cho thiếu nhi này thổ lộ:
"Tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn sách tựa là Đỉnh tuyết viết về những hồi ức không quên từ Everest để chia sẻ với cộng đồng leo núi, dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới. Và nếu ông trời còn thương và dành cho một cơ hội sau tất cả những gì tôi đã trải qua, tôi sẽ trở lại chinh phục đỉnh Everest".
"Mỗi ngọn núi tôi đã leo là một trang mới trong hành trình của bản thân, giúp tôi thêm yêu đời và quý trọng những gì mình đang có. Chinh phục đỉnh Manaslu là hành trình vượt qua giới hạn của bản thân.
Nó không chỉ là một dấu ấn về thể lực mà còn là một chiến thắng về mặt tinh thần. Điều này tiếp thêm cho tôi sức mạnh trong cuộc sống của mình", anh Đỗ Hữu Nam, người chinh phục đỉnh Ama Dablam ngày 24-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận