Phóng to |
Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu |
Những xưởng đóng tàu chiến
Từ biển Vũng Tàu, tôi vào Sài Gòn theo hải trình qua cửa biển Cần Giờ mà tàu Franklin xưa của John White đã đi. Hai trăm năm trôi qua, bến bờ hoang sơ mà viên thuyền trưởng người Mỹ từng mô tả đã đổi thay nhiều, nhưng cặp mắt hàng hải của ông vẫn nhìn đến thời nay khi nó vẫn là thủy lộ huyết mạch nối thế giới bên ngoài với cảng Sài Gòn.
Trong hồi ký Chuyến đi đến “Nam Hà”, John White kể ông đến Sài Gòn vào tháng 10-1819 và rất thích thú các xưởng đóng tàu: “Về phía đông bắc, trên bờ sông sâu, người ta thấy một công trường xây dựng và một xưởng đóng tàu thủy quân. Tại xưởng này, thời loạn lạc, người ta đã đóng những chiếc thuyền chiến to lớn có nhiều buồm ...
Chỗ đóng tàu này đã tạo danh dự cho người An Nam hơn bất cứ cái gì hiện có trong xứ sở họ. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng đóng tàu tốt nhất của châu Âu ... Xưởng đầy ắp vật liệu có phẩm chất tuyệt vời để đóng nhiều hộ tống hạm. Các thứ gỗ để đóng tàu và những lớp vỏ lòng tàu đều là những thứ đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ được thấy ...”.
Bị thu hút bởi xưởng đóng tàu thủy quân, John White liệt kê: “Có khoảng 150 chiếc thuyền chiến được đóng rất tốt nằm dưới các nhà chái... Có một vài chiếc được trang bị đến 16 khẩu đại bác bắn đạn nặng ba cân Anh. Nhiều chiếc khác được trang bị từ bốn đến sáu canông bắn đạn nặng từ 4-12 cân Anh. Tất cả đều bằng đồng và đúc rất đẹp.
Ngoài ra còn có độ 40 thuyền chiến đang neo đậu trên sông, chuẩn bị tham gia một chuyến tuần thám bất ngờ mà quan tổng trấn sẽ thực hiện ở miền thượng lưu con sông, ngay lúc ông từ Huế trở về... Chắc chắn người An Nam phải là những kỹ thuật gia về hải quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này của nền kinh tế chính trị của họ, nên tôi đã đến thăm viếng xưởng đóng tàu rất nhiều lần ...”.
Thời điểm năm 1819, những gì John White quan sát là kết quả chiến lược phát triển hải quân hùng mạnh của Nguyễn Ánh để bảo vệ bờ cõi, chủ quyền biển đất nước.
Đến nước Việt sớm hơn John White, nam tước John Barrow, người Anh đi biển lừng danh đã sáng lập Hội Địa lý hoàng gia, tường thuật tỉ mỉ nỗ lực của Nguyễn Ánh xây dựng các hạm đội hùng mạnh.
Trong du ký A voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793 (Một chuyến du hành tới Nam Hà trong các năm 1792 - 1793), John Barrow kể rằng: “Ông (Nguyễn Ánh - PV) đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu... Để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha với mục đích chỉ để tháo ra từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn đổi mới... Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình, không có việc gì dự định thực hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông”.
Phải khẳng định John Barrow viết rất cẩn trọng, tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác như từ chính ghi chép của Barysi, cố vấn đắc lực cho Nguyễn Ánh. Nhờ đó, John Barrow chân thực kể về Nguyễn Ánh rằng: “Ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo quanh các hải cảng, kiểm tra những thuyền chiến. Ông đặc biệt chú ý đến các sở quân cụ, các lò đúc được dựng nên trong các sở binh khí, các cỡ súng đại bác đã được đúc ra theo đủ loại kích cỡ ... Ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm một ít cơm ăn với cá khô. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân”.
Hơn hai vạn thủy quân
Chiến lược phát triển hải quân của Nguyễn Ánh đã được John Barrow kể lại kết quả từ chính những gì ông thấy và tư liệu xác thực từ viên thuyền trưởng Barysi, từng là trợ thủ hải quân của Nguyễn Ánh: trong năm 1800, lực lượng hải quân của Nguyễn Ánh đã đến 26.800 người. Trong đó chỉ riêng thợ xưởng hải quân đã có 8.000 người, 8.000 lính trên 100 chiến thuyền chèo tay, 1.200 lính trên chiến thuyền đóng kiểu châu Âu, 1.600 lính phục vụ trên các thuyền mành và 8.000 lính thường trực ở cảng.
Thuyền trưởng Mỹ John White bổ sung số liệu hải quân nhà Nguyễn năm ông ta có mặt ở nước này: “Ở Huế, nhà vua cũng có một đội thuyền chiến và vào năm 1819, 200 chiến thuyền khác có trang bị 14 khẩu thần công đang được đóng. Trong số 200 chiến thuyền này, có khoảng 50 chiếc được trang bị buồm chão bằng buồm dọc và có một phần được đóng theo kiểu châu Âu”.
Đến triều Minh Mạng, bộ sử Đại Nam hội điển sự lệ ghi rõ số lượng tàu thuyền lúc ấy đã phát triển thêm rất nhiều như năm 1828, chỉ riêng ở kinh sư đã có 379 chiếc thuyền định ngạch, còn các tỉnh thành lớn như Gia Định có 105 chiếc, Nam Định 85 chiếc, Nghệ An 40 chiếc, Quảng Nam 40 chiếc, Quảng Ngãi 25 chiếc ...
Những nhà hàng hải nước ngoài cho rằng sự phát triển hải quân nhà Nguyễn đã có bước ngoặt lớn trong thời Nguyễn Ánh. Ngoài tầm nhìn xa trông rộng của vị vua này còn có sự trợ giúp của một số người Pháp.
Nhưng họ cũng thừa nhận thời tổ tiên Nguyễn Ánh đã có hải quân hùng mạnh lập nhiều chiến thắng hiển hách. Trong đó lẫy lừng nhất là trận cửa Eo, Thuận An, năm 1644, chúa Nguyễn Phúc Lan với chiến thuyền nhỏ đánh bại đội tàu chiến Hà Lan. Dù dày dạn kinh nghiệm hải chiến với tàu lớn, pháo hạng nặng, nhưng tàu Hà Lan đã bị nhà Nguyễn vô hiệu hóa bằng chiến thuật áp sát thần tốc của chiến thuyền nhỏ. Một chiến hạm Hà Lan bị đắm tại chỗ, một chiếc cùng đường phải cho nổ kho thuốc súng hủy tàu và chiếc còn lại quay đầu chạy.
Ngoài hải chiến cửa Eo, hải quân nhà Nguyễn cũng nhiều lần gây khiếp vía cho các tàu cướp phá đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:
__________
Không chỉ phát triển hải quân để phòng thủ đất nước, người Việt đã từng bôn ba đến các vùng biển xa xôi và ra cả nước ngoài với một chính sách hướng ngoại đầy khát vọng. Họ đã đi biển thế nào?
Kỳ tới: Người Việt xuất ngoại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận