30/01/2012 09:32 GMT+7

Người Việt chinh phục đại dương - Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Khi đi tìm lại kỹ thuật đóng những chiếc thuyền buồm một thuở lừng danh của hải đội Hoàng Sa, tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao niên vẫn nắm vững kỹ thuật đóng loại thuyền này. Thậm chí có những bác thợ cả còn tự hào kể đời mình đã từng đóng được ít nhất vài chục chiếc mãi đến những năm 1950 của thế kỷ 20...

Kỳ 1: Kỳ 2:

po5LiGwI.jpgPhóng to
Hải thuyền Hoàng Sa được phục dựng - Ảnh: Q.V.

Mê tre, sự sáng tạo Việt độc đáo

Lý Sơn, mùa biển này hay nổi dông gió, nhưng các ngư dân quả cảm vẫn đang ra khơi. Họ là thế hệ trẻ trên hòn đảo quê hương hải đội Hoàng Sa đã chuyển sang sử dụng tàu máy, còn trước đó cha ông họ vẫn cưỡi trên đầu sóng ngọn gió bằng loại ghe câu chạy buồm mà tổ tiên họ từ hàng trăm năm trước đã sử dụng. Ông Võ Hiển Đạt kể khi được tỉnh Quảng Ngãi giao phục dựng chiếc ghe câu một thời, ông hào hứng nhận ngay mà không chút băn khoăn. Những người ở tuổi 80 như ông trên đảo đều biết rõ, thậm chí nhiều người từng tự tay đóng hoặc đi biển trên những chiếc ghe đó. “Không sử dụng nhiều gỗ như bây giờ vì phần thân dưới ghe là mê tre, nhưng người thợ đóng loại ghe đó phải biết dựng nên khung sườn gỗ chắc chắn để kết hợp với độ dẻo dai của tre mà chống chịu bão gió trên biển ...” - ông Đạt kể phải mất khoảng 150 ngày công mới hoàn thành chiếc ghe lịch sử này dù chỉ là mô hình thu nhỏ. Tất cả chi tiết đều làm bằng tay, chi tiết càng nhỏ càng đòi hỏi khéo tay hơn.

Nhờ chỉ dẫn của các ngư dân lớn tuổi, tôi đi tìm người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã từng đóng cả trăm chiếc ghe. 60 năm tuổi nghề, ông là hậu duệ của dòng họ có ít nhất sáu đời đã đóng ghe câu. Tiếp nối nghề này mãi đến năm 1968 ông mới chuyển qua đóng tàu máy. Những ngày ở bến sông Nghĩa Phú, tôi đã mải mê nghe ông Trà ôn lại ký ức gắn liền với loại ghe câu từng ngang dọc Hoàng Sa: “Đời nay có thể nói chiếc ghe câu xưa lạc hậu. Nhưng với những thợ cả đời đóng tàu như chúng tôi thì chiếc ghe đó là cả công trình nghệ thuật, một sự hun đúc kinh nghiệm đi biển bao đời mới có được. Nó như chính con người Việt nhỏ nhắn nhưng không dễ khuất phục, mềm mại nhưng dẻo dai, bền bỉ...”.

Ông Trà tâm sự chỉ riêng tấm mê tre chịu nước dưới ghe cũng thể hiện kinh nghiệm độc đáo của người Việt. Thợ làm mê phải có kinh nghiệm lựa tre già, lóng tốt, không thối gốc, cụt ngọn, sau đó mới chọn đoạn dài đẹp nhất giữa thân. Việc chẻ tre thành từng thanh nan cũng đòi hỏi rất khéo tay. Nan tre phải đạt độ dày và lớn đều nhau để mắt đan liên kết chặt chẽ. Nan tre đan mê ghe không cần ngâm nước trước, nhưng phải phơi đủ vài nắng tươi. Thợ đan phải có kinh nghiệm mới được đan mê ghe để đều tay, xít chặt. Mắt mê cũng không không đan song song hay thẳng đứng với mặt nước mà theo chiều xéo góc để có độ dẻo dai, chống chịu được sóng gió. Mê tre sau khi đan xong được quét phân trâu bò để trét kẽ nan, rồi lại tiếp tục phủ lớp dầu rái (cây rái trên rừng). Theo ông Trà, tấm mê tre có vẻ mỏng manh so với gỗ nhưng dẻo dai, khó gãy. Khi gặp sóng gió có thể lún vào rồi lại căng ra bình thường. Mê tre cũng rẻ tiền, dễ thay sau mỗi hải trình xa xôi, nếu được quét dầu rái cẩn thận có thể bền hơn ba năm.

Ưu điểm lớn nhất của mê tre chính là sự nhẹ nhàng giúp giảm tải ghe. Thường mê tre chỉ nặng bằng 1/5 so với gỗ. Nhờ đó mà chiếc ghe câu hay ghe bầu vận tải của người Việt xưa đã đạt tốc độ rất cao.

pra51iNs.jpgPhóng to
Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà - Ảnh: Q.V.

Vững chãi trong bão tố

Tự hào về những ghe câu mình từng đóng, ông Trà kể ngoài nghệ thuật dùng mê tre làm bụng ghe, phần khung sườn và các bộ phận khác cũng được hun đúc từ kinh nghiệm bao đời người Việt đi biển. Gỗ quý xưa không thiếu, nhưng việc chọn đúng loại gỗ phù hợp để đóng ghe đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc kỹ thuật hàng hải. Chiếc ghe tốt phải cứng cáp chịu đựng được bão tố, nhưng cũng không được quá nặng nề, chậm chạp. Là một trong những người thợ từng đóng những chiếc ghe câu cuối cùng ở Quảng Ngãi, ông Trà kể: “Tổ tiên đã truyền cho tôi kinh nghiệm chọn loại gỗ cứng nhưng dẻo dai như sao, chò, kiền kiền để đóng phần ghe dưới nước, đặc biệt là xỏ lái trước mũi và “con lươn” chịu lực chính dọc theo đáy ghe”. Chỉ cách đây già nửa thế kỷ, gần như toàn bộ công việc đóng tàu vẫn được làm bằng tay. Tùy cỡ ghe họ có thể đóng mất 200-300 ngày công, đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm của thợ.

Thời ông Trà, thợ cả giàu kinh nghiệm chỉ nhìn lượng gỗ có thể tính chính xác mực nước ghe mình đóng. Ghe câu thường gồm khoang đốc phía sau, khoang lòng và khoang mũi. Loại ghe câu nhỏ của đội Hoàng Sa mà về sau vẫn được con cháu họ là ngư dân Lý Sơn sử dụng thì dùng hai hoặc ba cột buồm. Trong đó cột chính (dân đi biển quen gọi là cột lòng) bằng các loại gỗ kiền, lim cao khoảng 9m, cột buồm mũi cao khoảng 7m và cột buồm lái phía sau. Ghe câu thường chỉ dài 11-16m, rộng 2,5-3m và sâu 1,8-2,5m. Thủy thủ đoàn 8-10 người, phù hợp với các tài liệu cổ ghi chép suất đội đi Hoàng Sa được tìm thấy ở Lý Sơn. Từ đảo này họ đi ba ngày ba đêm thì đến Hoàng Sa. Tốc độ chính nhờ sức gió thổi buồm, nhưng ghe vẫn thường được trang bị thêm bốn chèo ngang và một chèo lái.

Để sinh tồn sáu tháng lênh đênh trên biển Hoàng Sa, ghe được trang bị các khạp gỗ đựng gạo, nước, củi để tránh bị vỡ khi gặp sóng gió. Thủy thủ đoàn cũng không thể thiếu khạp dầu rái dự phòng cho trường hợp phải trét sửa ghe dọc đường. Đặc biệt, họ mang theo cả giáo mác cán gỗ để phòng thân. Ngoài gạo, thức ăn thêm của đội Hoàng Sa là cá mú bắt được trên biển và các loại trứng chim, rùa có rất nhiều trên các đảo.

Không rõ hải quân triều đình xưa có dùng nhiều thuyền hải vận lớn để theo đội Hoàng Sa là dân binh

Lý Sơn hay không. Nhưng chắc chắn chiếc ghe câu nhỏ là phương tiện chủ yếu của hải đội Hoàng Sa đã được ghi chép trong sử sách và ký ức con cháu nhiều đời truyền lưu.

________________________

Cách đây hàng thế kỷ, nhiều thuyền trưởng của các cường quốc hàng hải từng đến biển Việt Nam. Họ chính là chứng nhân quan trọng cho thấy người Việt đã từng ngang dọc, thực thi chủ quyền biển của mình...

Kỳ tới:Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên