03/09/2006 11:07 GMT+7

Người về vườn chuối

NGÔ MINH
NGÔ MINH

TTCT - Gần hai tháng nay, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã trở về lại ngôi nhà thân quen từ nhỏ của mình ở thôn Vỹ. Ngôi nhà cổ ấy bao nhiêu năm nay không ai chăm sóc, cái vườn Huế ngày trước bốn mùa hoa nở nay trở thành vườn chuối xum xuê...

eNhUKWr5.jpgPhóng to
TTCT - Gần hai tháng nay, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã trở về lại ngôi nhà thân quen từ nhỏ của mình ở thôn Vỹ. Ngôi nhà cổ ấy bao nhiêu năm nay không ai chăm sóc, cái vườn Huế ngày trước bốn mùa hoa nở nay trở thành vườn chuối xum xuê...

Thế mà đâm hay. Có ai đến chơi, anh Điềm cũng dọn ra đĩa chuối ngự vườn nhà thơm nức. Lễ Vu lan vừa qua, bà cụ thân sinh chị Lợi (vợ anh Điềm) bán được 300.000 đồng tiền chuối cúng.

Cái hay nữa là khi nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm, bạn bè văn chương ở Huế đều nhớ ngay đến vườn chuối, có người còn gọi anh là “người vườn chuối”. Ngay Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội vào Huế chơi cũng bảo tôi: “May gặp “người vườn chuối” đang đạp xe trên phố, được anh ấy dẫn vào nhà anh Trần Vàng Sao, không thì tìm có mà ốm”.

Một người đi làm việc xa quê, khi hồi hưu về lại nhà mình là việc bình thường. Nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, xưa gọi là quan đại thần Một bước là ngựa xe/ đứng đi quân hầu chật (thơ Phùng Quán), “hoàn dân” nhanh thế, nhẹ nhàng thế là chuyện rất đáng quan tâm.

Vì có rất nhiều ông quan về hưu lâu rồi mà vẫn chưa hết “sốc” bởi không còn quyền uy như xưa, thậm chí có người còn “không chịu hoàn dân”, phòng làm việc không chịu bàn giao, xe con không trả... Đại tá Quang, giám đốc Công an TP Huế, cảm kích: “Hôm qua tôi thấy bác Điềm thong thả đạp xe đi trên phố Huế, sao nhiều “quan” khác lại không biết học tập tác phong ấy nhỉ?”.

Ngay sau Đại hội Đảng lần 10 vừa qua, anh Nguyễn Khoa Điềm đã trở về sống ở ngôi nhà số 250 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ; ở đó còn có bà cụ mẹ vợ của anh tuổi già sức yếu. Nhà không có ai lo cơm nước nên chị Lợi đang công tác ở Hà Nội phải về đặt cơm hộp ở quán gần nhà cho mẹ và chồng chị ăn mỗi ngày. Anh Điềm đã ăn cơm bụi như thế gần hai tháng nay.

Có lẽ từ nay cho đến khi chị Lợi nghỉ hưu anh sẽ vẫn tiếp tục ăn những bữa cơm như thế. Có đêm, nghe người bán trứng vịt lộn rao ngoài ngõ, bà mẹ ngập ngừng hỏi anh có thích, anh mới nhờ cụ mua mấy quả.

Từ khi anh về ngôi nhà vườn chuối ấy có thêm nhiều khách đến chơi, đều là bạn bè văn nghệ, các nhà báo... Trần Vàng Sao cùng xóm, Nguyễn Khắc Phê “trên phố”, Nguyễn Trọng Tạo ở Hà Nội vào, Thanh Thảo ở Quảng Ngãi ra... Gặp nhau, lại hàn huyên bên chén rượu mấy tiếng đồng hồ liền trong vườn chuối ấy. Trong những bài thơ đầu tiên của Nguyễn Khoa Điềm sau khi về “làm dân” có những dòng:

Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cạcvidit, năm đấm micrô

Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường...

Từ giã càvạt, giày đen, lời trịnh trọng...

Chuyển sinh hoạt Đảng về phường, hằng tháng anh Điềm đạp xe đi sinh hoạt, thỉnh thoảng ghé vô nhà nhà thơ Trần Vàng Sao ở cùng xóm chơi, như lúc hai người còn tuổi nhỏ. Hằng ngày anh đạp xe từ Vỹ Dạ qua cầu Trường Tiền vào hiệu sách Phú Xuân xem có sách gì mới, hoặc ghé thăm anh em trong giới văn nghệ.

Anh mới khoe với tôi: “Mình vừa mua được cuốn Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, đọc rất thích. Văn chương Nguyễn Xuân Khánh từ Hồ Quí Ly đến Mẫu thượng ngàn sâu mà đằm, chứng tỏ người viết đã trải nghiệm đến độ chín văn hóa”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn kể có hôm nhận giấy mời họp ở tỉnh ủy, anh Điềm đạp xe đến cơ quan cũ, nơi anh từng là phó bí thư trực, thủ trưởng cơ quan. Dù mấy năm nay anh cũng thường vào ra trụ sở tỉnh ủy, cũng không ít lần xuất hiện trên tivi, nhưng hôm ấy người gác cổng vẫn hỏi giấy tờ ông khách đi xe đạp như một phó thường dân ấy. Sau khi bảo vệ gọi điện vào trong, anh em văn phòng mới ra cổng đón “bác Điềm” vào. Nguyễn Trọng Tạo cho biết câu chuyện này được anh Điềm kể như một chuyện tiếu lâm vậy.

Một ngày đẹp trời gần đây, “người vườn chuối” rủ các nhà văn Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê và tôi đi thăm mộ nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị ở đồi Châu Ê và khu di tích lịch sử Chín hầm vừa mới được xây dựng. Cả nhóm đi bằng chiếc xe tư nhân 12 chỗ ngồi do anh Điềm mượn được đâu đó. Anh ngồi ghế đầu, mấy anh em chúng tôi ngồi ghế sau, xe dừng ở đâu anh Điềm nhanh nhẹn mở cửa xe nhảy xuống, thấy chúng tôi ngồi sau loay hoay không mở được cửa, anh lại nhanh nhẹn kéo cửa sau cho chúng tôi xuống.

Trên xe, anh rủ chúng tôi hôm nào cùng nhau đi thăm Nam Đông, Ngũ Điền... - những vùng quê mà theo lời anh có nhiều điều thú vị lắm. Chúng tôi không còn tìm thấy trong anh chút “chất quan lớn” nào mà là một Nguyễn Khoa Điềm không chịu nấp bóng một thời đã qua “để là một người trong mọi người”, để “cho anh làm mới cuộc đời mình” (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Nhận định về việc anh Nguyễn Khoa Điềm “hoàn quan” nhanh như không ấy, có người bảo vì anh là nhà thơ, khi rời việc quan trở lại đời sống của một thi sĩ thật hồn nhiên và chỉ có thế mới sáng tạo được. Thế nhưng cũng có người nói cách khác: có nhiều nhà thơ, nhà văn tuổi gần đất xa trời rồi mà vẫn cứ bám riết lấy cái ghế, không chịu về hưu...

Riêng tôi thầm nghĩ: có thể cái màu lá chuối nõn xanh ở khu vườn thôn Vỹ ấy đã góp phần đáng kể để Nguyễn Khoa Điềm “hết quan hoàn thi sĩ” mà không gợn một chút mặc cảm nào chăng?

Thơ Nguyễn Khoa Điềm

NGÔ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên