21/03/2022 10:51 GMT+7

'Người vận chuyển' giữa núi rừng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Quanh núi Ngọc Linh ở mạn đông hướng tỉnh Quảng Nam có hàng trăm ngôi làng của các bộ tộc sống vắt vẻo giữa lưng chừng núi. Để đưa hàng thiết yếu lên phục vụ đời sống, hằng ngày có những đội quân miệt mài gùi hàng vượt qua núi cao, vực thẳm.

Người vận chuyển giữa núi rừng - Ảnh 1.

Đội quân cõng vật liệu tại làng A Banh (xã Tr’Hy, Tây Giang, Quảng Nam) lên đỉnh cao 2.050m để làm công trình ngắm cảnh - Ảnh: B.D.

"Làm lẹ tay lên, trời sắp đổ mưa rồi. Tối không thấy đường đi đâu!" - tiếng một chủ thầu hối thúc những người Ca Dong đang ngồi nghỉ, tựa vào những bao ximăng, thùng chứa nước. Họ là đội quân vận chuyển hàng lên xây công trình tạm ở nóc Tắk Năng - ngôi làng tách biệt trên núi cao thuộc xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Tới mùa quế thì người ta thuê mình đi cõng xuống dưới trung tâm xã, khi đi lên thì mình lại cõng hàng tạp hóa cho người bán trên làng. Mỗi ngày cõng như thế cũng kiếm được vài trăm ngàn.

Bà Hồ Thị Lẻ (nóc Tắk Lẻ, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My)

Những người bé nhỏ chinh phục đại ngàn

Ông Nguyễn Thành Nam - chủ đại lý thu mua quế ở trung tâm huyện Nam Trà My - không tiếc lời thán phục khi kể về những người Ca Dong, Xê Đăng sống trên núi cao mà ông thường thuê cõng hàng ngược núi. 

"Ai lên các làng, thấy bà con vóc người nhỏ bé cũng thắc mắc sao họ khỏe và bền bỉ thế. Điều kiện sống khắc nghiệt đã sinh ra sức mạnh chống chịu với tự nhiên tuyệt vời như bản năng sinh tồn".

Một buổi sáng, chiếc xe bán tải màu đỏ tươi của người buôn bán quế ở trung tâm huyện Nam Trà My lao giữa những sườn dốc trơn bóng để hướng lên các nóc làng nằm vắt vẻo triền núi Ngọc Linh. 

Trên thùng xe tải, 4 thanh niên khỏe mạnh ôm túi vải ngồi lắc lư, miệng ai cũng nhai trầu đỏ rực. Chúng tôi hỏi lên núi làm gì, một người đáp bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Mình lên núi cõng quế cho ông chủ".

Xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) có hàng chục ngôi làng trên núi cao. Ngàn đời bà con đã sống ở đó với núi rừng, dù chính quyền tìm cách đưa dân tái định cư nhưng tới nay làng vẫn phình ra mỗi ngày trên núi. 

Xe dừng lại trước một ngã ba con đường bêtông và một lối nhỏ đi bộ lên nóc Tắk Năng, Tắk Lẻ. Ngay lập tức, mấy thanh niên khỏe mạnh nhảy tót xuống khỏi thùng xe, động tác thoăn thoắt như sóc núi. Chốc lát, họ đã mất hút giữa lối đi nhỏ xuyên qua đám rừng lồ ô.

Phải mất 2 giờ lội bộ men qua từng khối núi, chúng tôi mới đặt chân tới đám rừng quế mà người Ca Dong ở Tắk Lẻ, Tắk Năng đã trồng trên vùng quanh năm mây trắng. Người đồng hành cùng chuyến đi của chúng tôi nằm vạ vật ra nền đất vì thấm mệt, hơi thở phì phò. Tuy nhiên trong cánh rừng quế, mấy người thồ hàng đã lên mất hút, rồi một lúc sau, trên những đôi lưng trần của họ chất đầy vỏ quế tươi. 

"Chúng em cõng xuống dưới trung tâm xã, mỗi ký như thế được chủ trả 5.000 - 10.000 đồng. Mỗi lần cõng như vậy trên lưng hàng nặng cỡ 25-30kg, người nào khỏe thì cõng được nhiều hơn" - Hồ Văn Tư, đang thồ vỏ quế thuê, nói.

Sau khi chất đầy những bó vỏ quế trên lưng, những người thồ hàng lại thoăn thoắt xuống núi. Nhìn phía sau, các đám vỏ quế che hẳn phần đầu của người lội rừng, chỉ nghe thấy tiếng bước chân giẫm loạt soạt trên lá khô.

Người vận chuyển giữa núi rừng - Ảnh 3.

Những người Cơ Tu phụ cõng đồ đạc cho các đoàn lên đỉnh đỗ quyên ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - Ảnh B.D.

Đưa hàng lên độ cao 2.000m

Dọc khối núi Ngọc Linh và các huyện giáp biên giới tỉnh Quảng Nam cũng có hàng trăm ngôi làng của người Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng lâu nay sống trên núi cao. Trong nhiều chuyến đi lên rừng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, người dưới miền xuôi không khỏi rùng mình khi bắt gặp những công dân bé nhỏ cõng trên lưng những gùi hàng lặc lè. 

Một cách kiên nhẫn và bền bỉ, từng viên gạch, bó tôn, bao ximăng hay thậm chí từng bó thép xây công trình được đội quân thồ hàng là người dân sống tại các làng cõng bằng sức người.

Ông Lê Hữu Nam, chủ thầu xây dựng ở TP Tam Kỳ, cho biết cách đây 2 năm ông trúng thầu xây điểm trường học trên xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. 

"Lúc lên khảo sát đường, chúng tôi tính bỏ dự án. Đường quá khó đi và không thể vận chuyển vật liệu lên được bằng máy móc, đi bộ cũng mất nửa ngày chứ chưa nói xe cộ. Nhưng khi hỏi trưởng thôn về phương án tập kết vật liệu thì người này cười xòa và bảo rằng trong nóc cũng có nhiều nhà lắp ghép bằng tôn, nền ximăng rồi nên cứ để bà con cõng. Việc của mình là trả chi phí cho họ. 

Tôi không tin có thể đưa một bao ximăng lên tới đỉnh núi, nhưng quả là người dân ở đó có sức bền phi thường" - ông Nam kể thêm, sau khi thống nhất phương án, gần 20 người làng đã tự nguyện xuống núi cõng vật liệu lên núi.

Từng tấm tôn được cắt nhỏ ra cho vừa sức khiêng, tấm nào to quá thì hai ba người ghé vai vào cùng khiêng. Bao ximăng nặng 50kg được chia đôi, người dân đổ vào bao tải rồi bọc trong balô lầm lụi cõng lên núi. 

"Họ làm miệt mài, bền bỉ như đàn kiến kiên nhẫn lấp đầy tổ. Chỉ hai tuần là vật liệu đã được tập kết đầy đủ. Điều làm mình khó tin nhất là người cõng hàng đa số là... phụ nữ" - ông Nam nói.

Ở huyện Tây Giang, vùng rừng già giáp ranh với huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế, mấy năm trước gây xôn xao thông tin phát hiện ra quần thể hoa đỗ quyên mọc thành thảm rừng trên độ cao 2.050m. Thông tin đó do chính những người đi rừng Cơ Tu báo về cho chính quyền. 

Nhưng đó là một cánh rừng mà nhắc đến thường gây cơn rùng mình bởi đường lên quá khó, dốc dựng đứng kéo dài liên tục tới độ cao buốt lạnh.

Nguyên bí thư Tây Giang, ông B’h Ríu Liếc, cũng nói rằng vì cánh rừng ở đó quá cao nên lâu nay người Cơ Tu đặt tên địa danh này là "Ka Lang" - nghĩa là rừng của con đại bàng, chỉ sải cánh loài chúa tể bầu trời này mới chạm tới được núi. 

Chuyến đi khảo sát đầu tiên được huyện tổ chức và đội hậu cần hùng hậu chính là những người dân địa phương thạo đường, bắp đùi săn chắc như đá. 

"Chúng tôi đi bộ nguyên một ngày trời từ sáng mới tới đỉnh núi. Cán bộ, chuyên gia chỉ việc đi tay không nhưng cũng phải có cán bộ y tế đi theo để trợ sức. Trong khi đó, những người dân cõng hàng đi thoăn thoắt, gùi trên lưng hàng chục ký nhưng vẫn tới trước đoàn nửa ngày" - ông Lê Hoàng Linh, phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói.

Năm 2019, sau nhiều năm đỉnh Ka Lang được "đưa ra ánh sáng", chúng tôi mất 10 tiếng ngược núi để đặt chân lên ngọn núi linh thiêng này. Điều làm ngỡ ngàng nhiều người là không hiểu bằng cách gì mà nhiều chòi ngắm cảnh bằng khung sắt, đế trụ bêtông đã được dựng lên. 

"Tất cả vật liệu được bà con dưới làng A Banh cõng. Sắt thì bà con chia nhỏ ra từng thanh, ximăng và gạch thì bỏ vào balô. Họ miệt mài cõng nhích từng mét vực để đưa lên" - một cán bộ Phòng văn hóa huyện Tây Giang kể.

Nghề mưu sinh giữa đại ngàn

van chuyen 1

Nhiều đôi vai, đôi chân phụ nữ cũng vận chuyển hàng bền bỉ giữa núi rừng - Ảnh: B.D.

Nhiều thương lái người Kinh, chủ các quán tạp hóa trên các ngôi làng vắt vẻo, cho biết trước đây phần lớn việc khiêng cõng được mướn người dân bản địa đưa lên núi. Việc trả công đều quy ra heo, gà, rượu để bà con tự tổ chức ăn uống với nhau.

Nhưng giờ đây việc vận chuyển hàng đã thực sự trở thành một công việc bán sức bền của người dân đổi lấy đồng tiền chi tiêu.

Nghề porter ở Phanxipăng Nghề porter ở Phanxipăng

TT - Hình ảnh những thanh niên vóc dáng nhỏ nhắn, với đôi chân thoăn thoắt vượt mọi đá ghềnh cùng gùi hàng trĩu nặng sau lưng đã trở nên vô cùng quen thuộc với dân chinh phục Phanxipăng.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên