Người Ukraine nói gì về chiến tranh?

TƯỜNG ANH (*) 20/02/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken: “Nga có thể xâm lược Ukraine bất kỳ lúc nào, kể cả trong thời gian Thế vận hội Bắc Kinh”. Bộ Ngoại giao Nga: “Người Anglo-Saxon cần một cuộc chiến. Bằng mọi giá”. Còn những người trong cuộc thật sự nghĩ gì, đang sống ra sao?

TTCT trích dịch bài viết từ thủ đô Kiev và thành phố cảng Odessa (Ukraine) của nhà báo Elena Matveyeva trên báo Nga Sự thật Komsomol trong những ngày đầu tháng 2-2022.

“Người ta hù dọa chiến tranh cả 10 năm nay”

… Sân bay Borispol ở thủ đô Kiev được tăng cường cảnh sát, nhưng trên đường phố không thấy các lực lượng tuần tra. Vladimir, một tài xế taxi trẻ, thừa nhận những tin đồn về cuộc chiến sắp tới với Nga quả có làm anh sợ.

 
 Ảnh: Người dân Mariupol vẫn sống bình thản. Ảnh: NY Times

Sợ chứ. Tôi trong tuổi quân dịch. Tôi đã tránh nghĩa vụ quân sự được ba năm, nhưng nếu chiến tranh nổ ra, tất cả chúng tôi sẽ bị bắt và đưa ra mặt trận.

Vladimir là người tây Ukraine, đến Kiev sống cùng bạn gái, chạy taxi.

Trước đây tôi làm bốc vác ở Ba Lan, lương mỗi tháng được nghìn rưỡi, đủ trang trải. Ở đây tôi kiếm được ít hơn ba lần - anh thú nhận.

Nếu thực sự nổ ra chiến tranh, quân đội Nga sẽ được chào đón thế nào ở Ukraine?

Chà, dĩ nhiên không phải bằng những tràng pháo tay rồi… Cô tưởng tượng quân Ukraine tiến vào Rostov xem. Họ sẽ được chào đón thế nào? Đấy người Nga sẽ được chào đón như thế ở Kiev. Nếu người ta không mời mà bạn cứ đến - đó là tấn công. Nhưng với giới trẻ thức thời, chẳng ai muốn đánh nhau với Nga.

Vào cuối tuần, trên phố Khreshchatyk ở trung tâm Kiev, dân tình dạo chơi và mua sắm. Đúng là có ít người hơn so với lần cuối tôi tới đây hai năm trước. 

Một số thị dân, sau khi nghe đủ chuyện kinh dị về chiến tranh, đã rời thành phố, trong khi lượng du khách giảm đáng kể do đại dịch, thêm vào đó, hiện không phải mùa du lịch. 

Trong cửa hàng Roshen (công ty được cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thành lập, người hiện liên quan đến vụ án hình sự về tội phản quốc), mọi người đang mua đồ ngọt. Trong các cửa hàng bán quần áo hàng hiệu, dòng người xếp hàng trước phòng thử đồ.

… Xa hơn một chút, trước cửa hàng McDonald’s, một đám thanh thiếu niên tụ tập. “Em đâu rồi, những chiếc váy ngắn của anh”, những người trẻ nhảy theo ca khúc đang thời thượng Hands Up. Họ ôm nhau, hôn nhau...

… Dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không nghe thấy những bàn tán xôn xao về cuộc chiến trên đường phố, trong quán cà phê hay các cửa hàng. Nhưng điều này lại được bàn luận hết cỡ trong bếp, qua điện thoại, trên mạng xã hội và các cuộc trò chuyện nội bộ.

… Một người Uzbekistan ở chợ Bessarabian mời tôi ăn thử các loại hạt. Trong cả khu chợ rộng lớn, khách hàng chỉ có tôi và vài người nữa. Mà đó cũng chẳng phải là khách mua, chỉ là người xem.

Anh có nghĩ sẽ có chiến tranh? Tôi hỏi người Uzbekistan nọ.

Không! Anh ta đoan chắc - Tôi sống ở Kiev đã 10 năm. Và gần như suốt thời gian đó, người ta luôn hù dọa: “Ngày mai là chiến tranh! Nhưng rồi ngày mai đến, mà chiến tranh đâu ?! Chỉ Đấng Allah biết khi nào chúng tôi chết, tôi chỉ tin mỗi Người.

Vậy nếu chiến tranh nổ ra, anh có tham chiến không?

Có!

Cho phe nào?

Ukraine. Tất nhiên rồi, tôi sống ở đây mà. Sau rốt thì ở Nga, các người đâu ưa chúng tôi, những kẻ nhập cư, còn ở đây chuyện đó là bình thường.

Tuy nhiên nói vậy thôi, có thật sự tham chiến không lại là chuyện khác - một đồng nghiệp Kiev của tôi nhận xét - Những ai có thể sẽ lập tức chạy sang châu Âu. Bỏ trốn đầu tiên sẽ là các nghị sĩ ngu ngốc của chúng tôi, những kẻ đề nghị choảng nhau với Nga. 

Cơn cuồng yêu nước ở Ukraine rất mạnh. Ngoài phố không thấy điều đó, chứ trên Facebook thì hừng hực. Cũng sẽ có những người Ukraine đón quân Nga bằng hoa. 

Đó là những người đã phát ốm vì quá trình Ukraine hóa. Ở đây trong các quán cà phê, cửa hàng, hễ thấy khách Nga là họ chuyển sang nói tiếng Ukraine.

Tại sao?

Vì sợ bị phạt! Bạn có quyền nói tiếng Nga, nhưng chỉ khi nào bạn yêu cầu điều đó. Giám sát việc thực thi chuyện này có đạo luật Sprechen Führer (tiếng Đức, nghĩa là “lãnh tụ ngôn ngữ”, một cách gọi chế giễu, Führer là từ thường được dùng để chỉ Adolf Hitler) - thanh tra ngôn ngữ của chúng tôi. 

Và nếu bạn đứng ra bảo vệ tiếng Nga, ngay lập tức họ sẽ gọi bạn là đặc vụ của Putin hoặc bọn quốc xã sẽ tẩn bạn. Chẳng hề an toàn. 

Không có sự thống nhất ở Ukraine trong vấn đề ngôn ngữ cũng như trong chiến tranh. Những mối quan tâm của mọi người hoàn toàn khác nhau - đẩy và kéo. Putin có lần đã nói: Ukraine là một thực thể gượng ép. Chao ôi, đôi khi tôi thấy đồng tình với ông ta - người quen của tôi bình luận.

Chọc gấu để làm gì?

Tại khu chợ lớn nhất Odessa Privoz, những gì người ta bàn luận không phải là chiến tranh, mà là việc làm ăn. Hoàn toàn không còn du khách ở Odessa. Trước đây ở chợ Privoz cũng như những cửa hàng lưu niệm, người Nga mua sạch mọi thứ, còn giờ chỉ có thể trông cậy vào dân địa phương.

Nhưng mọi người đâu có tiền, giá tăng hằng tuần, mùa đông phải trả tiền sưởi… Hai con cá một ngày, đó mà là làm ăn sao? - một người bán hàng ta thán.

Nếu xem tivi, tưởng là xe tăng đã gầm lên! Ấy vậy mà khi bạn bước ra đường, mọi chuyện vẫn vậy. Người Odessa khác biệt bởi sự thờ ơ và thực dụng. Người ta quan tâm đến cuộc sống hằng ngày hơn. Nhiều người phát rồ vì lạm phát - Mikhail, một đồng nghiệp Odessa của tôi, chia sẻ.

Phải chi Putin của các bạn đến làm tổng thống chúng tôi hai năm. Bốn năm thì tốt hơn! Khi đó Ukraine sẽ hồi sinh và lành lặn đôi chút - nữ họa sĩ Olga (tên đã thay đổi) tâm sự.

Nhân tiện, cô nói trí thức Ukraine từ lâu đã không xem các kênh truyền hình quốc nội.

Tôi xem truyền hình Nga qua Internet. Nhưng nói chung tôi thấy sợ những gì đang diễn ra. Phương Tây cứ chọc ngoáy con gấu - nước Nga. Họ bị sao vậy, họ không hiểu là con gấu cuối cùng cũng có thể thức dậy, cho họ một trận hay sao? - Olga nhận xét.

Nhưng đòn đánh đau vào chủ nghĩa thực dụng Odessa là chương trình phát triển khả năng phòng thủ lãnh thổ, được các đại biểu của hội đồng thành phố phê duyệt gần đây, để đẩy lùi “sự xâm lược Nga”. 

20 triệu hryvnia (hơn 700.000 USD) sẽ được phân bổ cho chương trình trong 2 năm. Chỉ có vài đại biểu phản đối, cho rằng không cần thiết phải gieo rắc tâm lý hoang mang trong dân chúng.

70% những người sẵn sàng vào các đơn vị này không phù hợp với việc phòng thủ. Đó là những cô dì mặc áo khoác lông chạy quanh với súng máy gỗ! Đơn giản là để đục khoét ngân sách thôi - đồng nghiệp của tôi Mikhail nhận xét.

Điều người Odessa đang lo âu là sự lặp lại kịch bản Donetsk và Lugansk.

Nói gì thì nói, người Odessa chúng tôi quen sống khá giả rồi. Nếu kịch bản của DNR và LNR xảy ra với chúng tôi, các cảng Odessa sẽ dừng lại, mọi thứ sẽ đình trệ ở đây - nhiều người dân thành phố nói với tôi.

Người ta đồn dân Odessa nổi tiếng hay đùa, thật ra đó chỉ là huyền thoại. Dĩ nhiên, ở Odessa người ta vẫn nói chuyện tiếu lâm, nhưng không phải mọi lúc mọi nơi. Tôi ngồi với một nhóm các nhà sử học Odessa.

Sau năm 2014, ở Odessa người ta không thích chọc cười nữa. Mọi người ngại, họ không biết sẽ gặp phải ai. Chứ trước đây trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các vòi nước (nơi người ta đến lấy nước uống), đủ các loại chuyện tiếu lâm được trình diễn. 

Chẳng hạn chuyện trên tàu điện chật cứng người. “Xin nhường chỗ!”, “Không được, chân tôi đau!”, “Vậy đi chữa đi!”, “Chữa bằng gì, Yanukovich có cho tiền đâu” - các sử gia kể. Hay: “Trên một xe buýt ở Odessa, tháng 4-2014 (thời điểm Nga sáp nhập Crimea). 

Một ông nhường chỗ cho một bà. Thế nhưng bà khác lại ngồi vào chỗ này. “Ê, sao bà lấy Crimea của tôi?” - bà thứ nhất quát bà thứ hai. Bà thứ hai đáp: “Xin lỗi, tôi đã tiến hành trưng cầu ý dân”. Rất hề, thế nhưng giờ đây không nghe kể những chuyện cười đó nữa.

Lần cuối cùng tôi đến Odessa là vào năm 2019, ngay sau khi Volodymyr Zelensky thắng cử. Thời điểm đó, người Odessa đặt nhiều hy vọng vào vị tổng thống mới. 

Họ cho rằng ông ta sẽ không đi theo con đường của đảng chiến tranh Poroshenko và cuối cùng giải quyết được vấn đề Donbass. Họ cũng mong đợi Zelensky sẽ ngừng quá trình Ukraine hóa và ủng hộ tiếng Nga. Bây giờ mọi người thất vọng. Tôi hỏi các nhà sử học họ nhận định thế nào về tương lai Odessa.

Gần như mọi cư dân Odessa đều mơ về Porto-franco (thành phố cảng thương mại tự do). Nhưng đây là điều không tưởng ngày hôm nay. 

Chúng tôi không còn nhà máy, không còn đội tàu - những con tàu đã bị bán và xẻ làm phế liệu. Thời Liên Xô, cảng Odessa phục vụ cả đất nước, bây giờ nó đẫm nước mắt. Có lẽ bản thân Odessa sẽ không thể tự sống một mình - họ nhận xét.

(*) TRÍCH DỊCH.

Màn ru-lét Nga sắp hạ màn…

Việc Tổng thống Putin loan báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang cùng họp tay đôi rằng một số đơn vị quân đội Nga đang quay lại từ biên giới với Ukraine sau diễn tập không gây ngạc nhiên lắm. 

Trước hết, đây là nước cờ ở giờ thứ 23, trước thời điểm mà theo tình báo Mỹ - NATO, là Nga sẽ khởi động chiến tranh với Ukraine. Chính xác tới đâu tin này, cả hai phe cùng biết, nhất định là như thế!

Có thể so sánh cuộc khủng hoảng mà báo chí gọi là sắp Thế chiến III như một trò thách song đấu (duel) của giới quý tộc Âu châu thời xưa: ông Putin ném găng thách thức, ông Biden chấp nhận “lời mời”; một màn tố phé; hay cân não hơn nữa là một màn “ru-lét Nga”, quay ổ xoay khẩu súng ru-lô có nạp một viên đạn, may và xui… 

Trong màn “ru-lét Nga” do ông Putin “mời”, tất nhiên chỉ có ông mới biết súng có đạn hay không, và đạn nằm ở chỗ nào. Ông Biden đã cầm súng lên… Mọi so sánh, nếu có, dừng ở đó.

Cũng thế, khoan nói phe nào đúng - sai, mà chỉ nói đến đấu pháp mỗi bên. 

Ngày 15-12-2021, Nga trao cho Mỹ hai dự thảo hiệp ước về đảm bảo an ninh, theo đó Mỹ và NATO cam kết không triển khai quân đội ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không phải là thành viên NATO, không triển khai bất kỳ lực lượng nào ở các quốc gia khác ngoài lực lượng đã được triển khai từ ngày 27-5-1997, và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Ukraine cũng như các quốc gia khác ở Đông Âu, Nam Caucasus và Trung Á.

Ngày 30-11-2021, ông Putin quả quyết việc NATO mở rộng sự hiện diện ở Ukraine, triển khai bất kỳ tên lửa tầm xa nào có khả năng tấn công các thành phố của Nga hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như ở Romania và Ba Lan, sẽ là chạm đến “lằn ranh đỏ” của Nga. 

Ngày 26-1-2022, phía Mỹ trả lời phúc đáp: “Không, không, và không!”. Sau đó là những tin tức rầm rộ về nguy cơ chiến tranh, mà cả hai phe đều có tham gia - phía Mỹ- NATO bằng truyền thông chính thức, phía Nga bằng những kênh YouTube, Facebook, Twitter… 

Thật ra, căng thẳng quân sự kiểu tháng 4-2021 đã từng xảy ra với cả trăm ngàn quân diễn tập. Năm nay cũng vậy, ai run tay, thì buông khẩu ru-lô xuống!

Phía bên kia, chủ yếu là châu Âu, trong khi chưa có tiếng nói chung thống nhất, một số nhà lãnh đạo châu Âu lần lượt sang gặp ông Putin nói chuyện hòa giải, mỗi ông một cách - người cuối cùng là Thủ tướng Đức; thậm chí từ Nam Mỹ, Tổng thống Brazil cũng bay sang. 

Vở ballet ngoại giao cứ thế tạo ra tác động cộng dồn và cộng hưởng lên nhiều lĩnh vực, mà thật là chưa đánh nhau người can ngăn đã xếp hàng dài. 

Thiên hạ cứ hô “ngày mai chiến tranh”, thôi thì kết thúc diễn tập, rút xe tăng và pháo tự hành cái đã. Lịch toàn thế giới vẫn ghi năm 2022, và các quốc gia đều có quyền tự quyết dù ở đâu, Âu hay Á! 

DANH ĐỨC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận