Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết có người tự ứng cử đề nghị cho luật sư dự hội nghị lấy ý kiến cử tri - Ảnh: Xuân Thành |
“Liên quan đến một số người tự ứng cử, hiện nay có người có văn bản kiến nghị mấy nội dung, họ cũng đề nghị cho luật sư vào, tức là đề nghị cho luật sư dự hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú” - ông Vũ Hồng Khanh nói.
Theo ông Khanh, ngày 12-4 là thời hạn cuối cùng phải hoàn tất việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho biết trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, có ứng viên đã gửi văn bản kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Ông Khanh cho biết nội dung đầu tiên được kiến nghị là về thành phần tham gia lấy ý kiến cử tri.
“Về thành phần hội nghị đã được quy định trong luật, cũng đã có hướng dẫn nêu rất rõ. Chúng ta phân ra hai địa bàn dân cư. Nếu địa bàn dân cư nào có dưới 100 cử tri thì sẽ tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo trên 50 cử tri tham gia. Nếu có trên 100 cử tri thì hội nghị mời đại diện, nhưng phải đảm bảo từ 55 cử tri trở lên. Chiếu theo quy định của luật, hướng dẫn của thành phố thì kiến nghị của ứng cử viên này không thể giải quyết được” - ông Khanh nói.
Kiến nghị thứ hai, theo ông Khanh là người tự ứng cử kiến nghị về việc giới thiệu người phát biểu.
“Kiến nghị thứ ba là đề nghị cho luật sư vào dự. Tức là đề nghị cho luật sư dự cùng. Việc này cũng phải theo quy định của luật, thành phần dự hội nghị cử tri là các đoàn thể và những người có giấy mời. Còn nếu ai có nhu cầu về thông tin, ngoài một số cơ quan báo chí được mời, thì thông tin ngắn gọn là cuộc tiếp xúc cử tri này có bao nhiêu ứng cử viên, mỗi ứng cử viên đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm” - ông Khanh cho hay.
Theo ông Khanh, văn bản của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề đối thoại với người phát biểu, tạo điều kiện cho họ trình bày chương trình hành động của họ.
Ông Khanh lý giải đây là bước tiếp theo. “Sau hội nghị hiệp thương lần 3 sẽ có bước tiếp xúc cử tri để họ công bố chương trình hành động của ứng cử viên” - ông Khanh cho hay.
Trước những kiến nghị nêu trên, ông Khanh không nêu cụ thể bao nhiêu người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã kiến nghị như vậy, chỉ cho biết, “những kiến nghị này họ gửi nhiều nơi, nơi cao nhất là Hội đồng bầu cử Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Đặt vấn đề giải đáp những kiến nghị này thế nào, ông Khanh cho biết “chúng tôi cũng đã báo cáo Ủy ban bầu cử thành phố và thống nhất sẽ mời ứng viên có kiến nghị này lên để giải đáp trực tiếp. Thẩm quyền thay đổi luật là của Quốc hội, còn việc kiến nghị là quyền của công dân. Khi luật đang có hiệu lực thì chúng ta thực hiện theo quy định của luật”.
Không chuẩn bị tốt nhân sự, sau bầu cử sẽ có vấn đề Phát biểu về việc chuẩn bị nhân sự bầu cử HĐND các cấp, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, khẳng định chủ trương của thành ủy chỉ bổ sung quy hoạch với các chức danh phục vụ bầu cử HĐND các cấp. Theo ông Bảo, quy định mới của luật thì HĐND quận, huyện có thêm 1 phó chủ tịch, nhưng trong phương án trình đại hội đảng bộ các cấp chưa đưa vào theo quy định mới. “Bây giờ phải chủ động rà, duyệt lại phương án nhân sự của các cấp theo nguyên tắc Ban thường vụ Thành ủy sẽ xem lại toàn bộ phương án nhân sự của các địa phương. Cái này không làm sớm sẽ trở thành vấn đề như không có phương án được phê duyệt. Vấn đề cán bộ hiện nay không tham gia nữa thì bố trí làm gì. Việc này không làm chặt chẽ về quy trình, không làm tốt về tư tưởng thì sau bầu cử ở địa phương đó sẽ có vấn đề. Nguyên tắc chúng tôi sẽ thẩm định lại phương án của toàn bộ quận huyện, thị xã để chính thức có báo cáo Thường trực thành ủy” - ông Bảo nói. "Năm nay các ban của HĐND là chuyên trách, số lượng phó chủ tịch HĐND là 2. Nếu không trúng cử thì không bố trí được phương án nhân sự” - ông Bảo lưu ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận