13/05/2019 09:23 GMT+7

Người truyền cho học trò lối sống tình cảm

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Cô Trần Thị Chữ, giáo viên môn giáo dục công dân (Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TP.HCM), được phụ huynh học sinh tin yêu không chỉ về nghiệp vụ sư phạm mà còn vì sự tận tụy, hết lòng với học trò.

Người truyền cho học trò lối sống tình cảm - Ảnh 1.

Cô Trần Thị Chữ trong tiết giảng ở lớp 10B1 - Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dạy môn không bắt buộc trong hệ giáo dục thường xuyên, nhưng cô Chữ luôn tự hào và trau dồi nghiệp vụ, cô hiện đang làm nghiên cứu sinh liên quan đến bộ môn này.

"Tôi chủ động chào học sinh trước"

Quê gốc miền Trung, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Trần Thị Chữ xin dạy hợp đồng tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An. Mới ra trường, cô suy nghĩ về học sinh luôn là màu hồng. Nhưng hôm đầu tiên đứng lớp, các em khiến đầu óc cô sụp đổ, quay cuồng...

Kỷ niệm nhất là tiết dạy lớp 10, vừa bước vào thì một học sinh nam hỏi to một câu suôn vần: "Cô, cho em hỏi: học chi cho lắm, tắm không có quần áo để thay!?" và cả lớp nhốn nháo, cười ồ lên. "Lúc đó tôi choáng! Nhưng cố gắng bình tĩnh để "đối đáp" với câu đánh đố này. Tiết dạy đầu tiên là tiết buồn rười rượi" - cô Chữ kể.

Ngày thứ hai đến lớp cũng là tiếp nối một ngày buồn với cô khi đi dọc hành lang vào lớp gặp nhiều học sinh nhưng tuyệt nhiên không em nào chào hỏi. Cô nhớ lại: "Tuy hơi buồn, tôi đã chủ động chào học sinh trước. Khi được chào, các em cũng chào lại. Từ đó các em có thói quen gặp cô là chủ động chào trước".

Kể từ đó, cô nhận ra rằng có thể vì hoàn cảnh hay vì lý do nào đó mà các em quên đi thói quen giao tiếp ứng xử, việc của mình là khơi gợi lại, rèn cho các em qua những hành động giản đơn thường nhật. Dần dần trường lớp, cô trò mọi thứ đều trở nên gắn bó.

Em Bảo Trân (lớp 11B4) cho biết: "Cô nguyên tắc nhưng rất tình cảm, chính vì thế rèn cho em và các bạn có lại những thói quen tốt mà cô trò rất gần gũi. Nhiều lúc giải lao, cô hay chia sẻ tư vấn những vấn đề tuổi teen hay gặp, tình yêu học đường, điều mà ba mẹ không thể".

Hay câu chuyện về em P.V.H. (25 tuổi) có cả gia đình bị khiếm thị, bán nhang mưu sinh trên đường An Dương Vương (Q.5). Em là "ánh sáng" duy nhất cho cả nhà, nên việc đến lớp nhiều khi là thứ yếu so với những hôm phải lăn lộn buôn bán phụ gia đình. 

Học kỳ 2 lớp 10 năm đó H. gần như... vắng đều. Con đường đến nhà H. trở nên quen thuộc với cô Chữ.

"Vào lớp thấy em vắng là cuối buổi tôi phải ghé đến nhà hay ra nơi em bán, động viên để em không bỏ học. Giáo viên trung tâm đến nhà trò thường xuyên là chuyện bình thường, hay hỗ trợ học phí cho những em như H. cũng không phải xa lạ. Sâu xa là sự gắn bó, níu giữ học trò với tình cảm chân thành. Đó là cách truyền cho các em về lối sống tình cảm mà không có trường lớp hay lý thuyết đạo đức nào dạy cả" - cô chia sẻ.

"Chưa bao giờ hổ thẹn"

Giáo dục công dân là môn không tính điểm ở hệ giáo dục thường xuyên, chỉ là môn hỗ trợ xét hạnh kiểm đạo đức, vì thế tình trạng xem thường môn học lẫn xem nhẹ giáo viên bộ môn là điều không tránh khỏi. Điều đó vẫn không khiến cô Chữ thôi hết nhiệt huyết với "duyên nợ" này. 

"Ở đâu cũng có hạt cát, ở đâu cũng có hạt ngọc. Tôi chưa bao giờ hổ thẹn là người dạy đạo đức ở trung tâm. Quan trọng là mình tìm được cách "nạp pin" cho chính mình, cho học trò. Các em thay đổi, trưởng thành chính là thành công của người đứng lớp" - cô Chữ tâm sự.

Tự hào mỗi khi được hỏi về "hạt ngọc" của đời mình, cô Chữ luôn miệng nhắc đến em T.T.X., hiện là giáo viên của Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11), là người từng hỏi câu đánh đố trong tiết dạy đầu ngày nhận lớp. Hay những lần gặp nhau ngoài đường, học trò cũ thắng xe để... chào và hỏi cô có nhớ mình không; hoặc những cuộc gọi cảm ơn của những phụ huynh tưởng chừng không thể nói chuyện... Tất cả là động lực, là niềm tự hào trong cô.

"Chính tôi cũng không nghĩ mình lại theo con đường sư phạm. Ấn tượng nhất với tôi vẫn là cô Chữ. Bây giờ đi dạy, thấy học trò, tôi như tìm thấy chính mình ngày đó. Rồi từ việc đứng lớp, tôi cũng tìm thấy chính cô của ngày xưa. Cô Chữ là tấm gương, là người tôi biết ơn và học hỏi nhiều điều" - anh T.T.X. tâm sự.

Không những được sự tin yêu của học trò, cô nhận được nhiều tin tưởng, tình cảm từ phụ huynh. Bà Lê Ái Xuân (Q.10) có con học lớp 11 cho rằng nhờ cô Chữ mà mình may mắn nắm bắt được con, sau bao lần bị con "qua mặt" trốn học dù cha mẹ đưa đến tận trường. Hay ông L.T.N. (lái xe đường dài) luôn yên tâm vì mỗi ngày đều nắm được tình hình ở lớp của con vì cô Chữ là giáo viên chủ nhiệm.

Tâm huyết

Ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, nhận xét: "Với đặc thù của giáo dục thường xuyên, giáo dục công dân không phải là môn bắt buộc, nhưng sự đầu tư sâu chuyên môn, sự gắn bó lâu dài, cả tâm huyết của cô Chữ là điều rất quý, tôi đánh giá rất cao. Cô còn có đạo đức chuẩn mực, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh".

Dạy học bằng cả yêu thương: Cả trường đến với trò nghèo

TTO - Ở ngôi trường này, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được nhà trường tìm hiểu và vận động nhiều tổ chức, cá nhân chung tay tiếp sức, giúp các em đến với ước mơ thành đạt.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên