Sàn HOSE ngày 9-3 vẫn nghẽn lệnh - Ảnh: BÔNG MAI
Là người từng trực tiếp tham gia chỉ đạo và điều hành Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông nói: Giải pháp xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh, HOSE nên lấy hệ thống giao dịch của HNX làm một bảng.
HOSE nên sử dụng hệ thống của HNX
Về lâu dài sẽ nhập tất cả thị trường cổ phiếu vào TP.HCM thì sẽ có 3 bảng gồm bảng doanh nghiệp (DN) lớn, bảng DN vừa và bảng DN upcom.
HOSE chỉ cần lập bảng riêng rồi tính theo các chỉ số, biên độ của sàn TP.HCM. Sẵn máy đó, hệ thống có sẵn của HNX, sàn Hà Nội sẽ phải giám sát thay sàn TP.HCM, còn chấp nhận niêm yết, tiêu chuẩn... vẫn của sàn TP.HCM. Chỉ cần lập bảng riêng hoặc thậm chí vẫn gọi bảng giao dịch cổ phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Còn phương án tăng năng lực xử lý hệ thống của HOSE vẫn phải có chuyên gia Thái Lan sang làm chứ VN không can thiệp được, bởi đây là hệ thống công nghệ của Thái Lan.
Phải xử lý nghẽn lệnh rất khẩn cấp rồi. Để nhanh có hệ thống giao dịch mới thì máy phải do tư nhân đứng ra mua (không phải thủ tục báo cáo, đấu thầu...) chứ không phải mua theo cơ chế của Nhà nước. Còn về phần mềm của hệ thống, nếu FPT dùng ngay phần mềm mà họ viết cho sàn Hà Nội sẽ khả thi.
Vướng nhiều thứ
Tuổi Trẻ đã đặt một số câu hỏi với vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
* Tại sao năng lực xử lý của hệ thống giao dịch HOSE chỉ 900.000 lệnh/phiên, trong khi của HNX là 20-30 triệu lệnh/ phiên?
- Do hệ thống của HOSE là được Thái Lan viện trợ. Hơn nữa, bối cảnh Việt Nam đi xin hệ thống này về là chưa biết gì nhiều về nghiệp vụ, nên việc sử dụng hệ thống của Thái Lan thấy rất tiện. Nhưng sau đó vấn đề phát sinh là hệ thống vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp... phải do chuyên gia của Thái Lan thực hiện. Còn hệ thống giao dịch của sàn Hà Nội là do người Việt tự chủ. Chúng ta tự làm, tự xây dựng phần mềm.
* Tại sao lại không tự làm hệ thống giao dịch mới cho HOSE khi có kinh nghiệm làm cho sàn Hà Nội rồi mà lại phải ký với phía Hàn Quốc?
- Thời điểm làm dự án lúc đó không tính được như chưa hiểu được giao dịch phái sinh... Hơn nữa, thời điểm đó mong muốn có một hệ thống đồng bộ các thị trường gồm cả lưu ký, cổ phiếu, giao dịch, trái phiếu, phái sinh... Nhưng sau này hiểu dần ra thì thấy có hạn chế nhiều hệ thống, nhiều thị trường mà một chủ đầu tư làm cho nhiều đơn vị, nên giữa các đơn vị phối hợp với nhau cũng có khó khăn.
* Việc lợi nhuận HOSE lớn như vậy nhưng tại sao để nghẽn lệnh mà không giải quyết được, phải chăng thiếu tiền hay thiếu trách nhiệm, thờ ơ với quyền lợi của nhà đầu tư?
- HOSE đang đầu tư vào hệ thống công nghệ mới của Hàn Quốc nên không thể đầu tư dự án khác được. Rất sốt ruột vì quá lâu mà chưa đưa vào vận hành được. Nhưng trên thực tế, thời điểm cách đây 7 năm nó khác, nên trong quá trình triển khai lại phải đàm phán để bổ sung trong hợp đồng. Do đó, dự án được triển khai mất rất nhiều thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận