18/11/2024 08:49 GMT+7

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris

Nửa thế kỷ trước, ba chàng trai Thụy Sĩ liều mình treo lá cờ Việt Nam lên trời Âu, biến nó thành lời hiệu triệu toàn cầu.

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng huy hiệu TP.HCM cho hai người bạn Thụy Sĩ - Ảnh: HỮU HẠNH

55 năm sau, đặt chân đến Việt Nam, họ khăng khăng từ chối danh xưng anh hùng, mà ví mình là người lính có 30 giờ "chiến đấu" cùng nhân dân Việt Nam.

Ngày 19-1-1969, trong không khí trầm lắng trước phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị Paris, một sự kiện chấn động đã xảy ra: lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bất ngờ tung bay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris.

Chiếc ba lô rút và áo sơ mi sờn cũ

Phấp phới trên đỉnh cao 100m giữa trời Âu, lá cờ trở thành biểu tượng kiên cường, hy vọng hòa bình và là tiếng nói mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam đến toàn thế giới. 

Danh tính những người thực hiện vẫn là bí ẩn suốt nửa thế kỷ, cho đến năm 2023 khi cuốn sách Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame được xuất bản, danh tính nhóm thanh niên thực hiện hành trình táo bạo mới chính thức công khai. Đó là ba người Thụy Sĩ gồm: ông Olivier Parriaux, Bernard Bachelard và Nóe Graff.

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 2.

Ông Olivier Parriaux (trái) và ông Bernard Bachelard, hai trong ba người treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) năm 1969 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sau 55 năm, hai người trong số họ giờ đã ngoài 80 tuổi, đặt chân đến Việt Nam, đất nước mà họ từng đồng hành trong cuộc chiến đấu vì công lý. Chặng đường gần 10.000km với hơn 15 giờ bay không làm vơi đi nụ cười rạng rỡ của hai người bạn già. Họ xuất hiện giản dị, người mang vali nhỏ, người chỉ một chiếc ba lô dạng rút bé xíu, như thể chuyến đi này không phải để nhận vinh danh, mà kết nối sâu sắc hơn với đất nước họ từng yêu mến và ủng hộ.

Trong ngày đầu tiên, ông Olivier mặc chiếc áo sơ mi mỏng màu vàng đã sờn, bên trong là áo thun cũ, và vô tình chiếc áo vàng bị rách tay. Khi đại diện TP.HCM ngỏ ý tặng một chiếc áo và cà vạt mới, ông từ chối khéo, chỉ mỉm cười bảo rằng: "Chúng tôi muốn gặp mọi người kể cả gặp lãnh đạo TP trong hình hài đơn giản". Đơn giản như việc họ mặc những chiếc áo thun bình dị treo cờ Việt Nam năm xưa.

Bà Trần Tố Nga, người đồng hành trong chuyến thăm Việt Nam của hai nhân vật, tâm tình: "Khi nhắc lại hành động treo cờ năm ấy, họ luôn nhấn mạnh rằng giá trị nằm ở thông điệp được gửi đi, chứ không phải ở những con người đã gửi gắm thông điệp đó".

"Chúng tôi không phải anh hùng"

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 3.

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: Viện nghiên cứu Phương Đông

Giai đoạn những năm 1960 - 1970, phong trào đấu tranh chính trị lan rộng khắp châu Âu thôi thúc những thanh niên yêu chuộng hòa bình như Olivier Parriaux và hai người bạn hành động. 

Giữa bối cảnh đó, phong trào của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở thành bước ngoặt lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ba chàng thanh niên trẻ. 

Họ quyết định một hành động quan trọng mang yếu tố chính trị, treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh chóp nhà thờ Đức Bà Paris.

Tháng 1-1969, sau nhiều tháng chuẩn bị, nhóm ba người quyết định chọn nhà thờ Đức Bà Paris - một biểu tượng của sự linh thiêng và lịch sử, văn hóa không chỉ được trân quý từ người Pháp mà toàn thế giới - làm nơi treo lá cờ Việt Nam. 

Khâu chuẩn bị kế hoạch là cả quá trình với sự nhận thức chính trị to lớn, việc tìm được lá cờ để treo càng là nỗ lực, nhiệt tình. 

Không ai ngờ được lá cờ đó lại được chính vợ ông Bernard Bachelard chọn và bí mật may những đường kim mũi chỉ làm sao giữ cho cờ luôn tung bay.

"Cái khó nhất không phải là leo lên, mà là lúc xuống. Chúng tôi đảm bảo không ai dễ dàng tháo lá cờ. 

Nhưng trên hết, chúng tôi không chạm đến những điều linh thiêng của nhà thờ", ông Olivier kể lại nhấn mạnh hành động của họ mang tính hòa bình tuyệt đối, không bạo lực và đặc biệt mọi thứ đều trong thầm lặng, giữ kín thông tin.

Đặc biệt, ông Olivier cho rằng họ không phải anh hùng và việc họ làm không phải là một "chiến công" mà chỉ là biểu hiện cho sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, chống lại các cuộc chiến tranh phi nghĩa.

"Việt Nam mới là anh hùng, những người lính ngã xuống vì cuộc chiến giành hòa bình, tự do dân tộc mới là anh hùng, chúng tôi không phải anh hùng. Trong 30 giờ thực hiện treo cờ, chúng tôi chính là những người lính chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam", ông Olivier tâm tình.

Hành trình kết nối quá khứ và hiện tại

Trong những ngày đặt chân đến Việt Nam, hai vị khách đặc biệt đã dành thời gian đến thăm đền Bến Dược, nơi khắc ghi tên tuổi hàng vạn anh hùng liệt sĩ miền Nam và cả nước; thăm địa đạo Củ Chi, nơi chạm vào dấu vết lịch sử của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt. 

Không dừng lại ở việc ôn lại lịch sử, họ còn đến thăm các nạn nhân chất độc da cam, tặng quà trẻ em mồ côi và khuyết tật - những con người đang gánh chịu hậu quả đau thương từ chiến tranh...

Tại địa đạo Củ Chi, hai người bạn Thụy Sĩ đã ôm chầm lấy những thương binh và dũng sĩ ở mảnh đất thép thành đồng, cái ôm của sự kết nối những con người cùng đấu tranh cho tự do. Hai nhân vật kể về những gì các ông đã làm ở đất Pháp, những người bám trụ nơi đây kể về cách họ đã anh dũng, mưu trí trong chiến đấu ở địa đạo ngay trong lòng địch.

Bà Bảy Mô, nữ du kích, dũng sĩ diệt Mỹ nổi tiếng đất thép, vui mừng được gặp hai người bạn quốc tế. Bà cho rằng thời điểm khốc liệt đó dù ở hai chiến trường thực địa và ngoại giao nhưng những nhân vật này thực sự là "đồng đội, đồng chí" của nhân dân Việt Nam. Hành động treo cờ là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn từ quốc tế truyền đến những người lính trận địa như bà.

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 4.

Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard xúc động khi gặp gỡ bà Bảy Mô (áo bà ba đen), nữ du kích nơi đất thép thành đồng với danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ - Ảnh: HỮU HẠNH

Những người lặng lẽ dấn thân vì công lý

Gặp mặt các nhân vật mà bản thân chỉ từng nghe qua sách báo, các câu chuyện kể lại, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự trân quý với hai vị khách.

Ông Nên cho rằng dù họ luôn nói thông điệp hành động quan trọng hơn việc người làm là ai, nhưng động cơ hành động của họ lại rất đáng trân trọng. Động cơ đó không vì quyền lợi cá nhân, mà vì hòa bình, công lý, vì ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

"Dân tộc tôi có câu uống nước nhớ nguồn, đất nước Việt Nam, những con người Việt Nam đang sống trong hòa bình xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tất cả bạn bè trên thế giới đã đồng hành cùng quá trình đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc của Việt Nam, trong đó có các người bạn Thụy Sĩ", lãnh đạo Thành ủy tâm tình.

Để câu chuyện về hành động đầy quả cảm này tiếp tục được lưu truyền cho thế hệ trẻ mai sau, lãnh đạo Thành ủy đề nghị thanh niên TP.HCM cần nghiên cứu thêm, lan tỏa câu chuyện này bởi đó là nguồn cảm hứng rất lớn không chỉ cho người Việt Nam.

Và có thể thấy rằng đâu đó trên thế giới, đã có những người từng âm thầm, lặng lẽ dấn thân bảo vệ công lý, họ cần được tôn vinh đúng nghĩa.

Lời hiệu triệu thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam

Giáo sư Trình Quang Phú, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông, xúc động hồi tưởng khoảnh khắc sáng chủ nhật, ngày 19-1-1969, khi ông trực tiếp chứng kiến lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris. Người lính khi ấy là phóng viên phái đoàn Việt Nam xúc động rơi nước mắt, lấy máy ảnh chụp lại khoảnh khắc thiêng liêng.

Và ngay ngày hôm sau hàng vạn người đã biểu tình để yêu cầu tổng thống Johnson tôn trọng hòa bình. Lá cờ không chỉ là một biểu tượng, mà còn là hồi chuông góp phần thúc giục "lương tri" toàn cầu.

"Rất khâm phục sự khiêm tốn của các người bạn Thụy Sĩ. Chúng tôi là những người lính từ chiến trường đến với Paris, chúng tôi đánh giá rất cao về hành động của họ. Lá cờ treo trên nóc đỉnh nhà thờ Đức Bà là một lời hiệu triệu toàn thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam", giáo sư Phú nói.

Người treo cờ Việt Nam trên nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 4.'Hành động treo cờ Việt Nam ở nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 rất đáng trân trọng'

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng hành động treo cờ của các nhân vật rất đáng trân trọng, bởi không vì quyền lợi cá nhân mà vì công lý, vì ủng hộ cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên