08/10/2022 11:14 GMT+7

Người trẻ xài tiền - Kỳ 3: 'Tiền vỗ cánh bay đi' theo mộng đổi đời

YẾN TRINH - DIỆU QUÍ
YẾN TRINH - DIỆU QUÍ

TTO - Thấy nhiều người đổ tiền vào việc kinh doanh mua bán, nhiều bạn trẻ cũng hăng hái thử sức. Ý chí khởi nghiệp đáng khích lệ. Có bạn thành công rực rỡ nhưng không ít người thất bại đau đớn do non kinh nghiệm, thiếu kiến thức và nôn nóng làm giàu.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 3: Tiền vỗ cánh bay đi theo mộng đổi đời - Ảnh 1.

Anh Trần Minh sau khi tình hình kinh doanh công ty eo sèo đã chuyển hướng làm ăn - Ảnh: YẾN TRINH

Lập một công ty kinh doanh thiết bị y tế trong mùa dịch vừa qua, anh Trần Minh (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) nghĩ rằng mình "thức thời" sẽ thắng lớn, nhưng chưa chắc.

Mở công ty, mua bán đất

Với số vốn chỉ 30 triệu đồng, anh Minh bắt đầu nhập khẩu trang y tế, găng tay... Sau khi bán cho một số người quen là chủ nhà hàng, công ty để tạo uy tín, anh dần có nhiều khách hàng. Lời nhiều hơn, vốn tăng lên, anh mạnh dạn mở rộng quy mô. "Từng làm việc tại một công ty tài chính, tôi thuộc lòng những phương án đầu tư sinh lợi nên khá tự tin", anh nói.

Nhưng người tính không bằng... trời tính. Anh Minh cho biết sau đà thành công ban đầu, anh nhập hàng gấp nhiều lần và không chú ý thị trường đang bão hòa, nhất là sau khi dịch bệnh lắng dịu.

Tình hình kinh doanh trở nên hẩm hiu, chưa kể một số lần anh bị đối tác giật tiền hàng. Muốn bỏ tiền vào một chiếc giỏ khác, anh xoay qua hùn vốn mở một quán bún gần khu vực trung tâm. Anh còn tìm hiểu và thử lướt cọc đất dự án - đặt cọc rồi chờ một thời gian đăng bán lại.

Còn anh Hoàng Tuấn Anh (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng tập tành làm ăn với số vốn kha khá từ tay cha mẹ trao cho. Lần đầu cầm số tiền lớn, cộng thêm khoản tiết kiệm của bản thân, anh cũng hoang mang vì chưa biết phân bổ thế nào cho hợp lý.

"Nhiều người bảo cứ gửi ngân hàng lấy lời hằng tháng cho an toàn, nhưng tính tôi không muốn đồng tiền của mình nằm như vậy. Ngoài tiền lương làm văn phòng gần 20 triệu đồng/tháng, tôi đem số tiền kia chia làm ba phần, gồm một phần lớn và hai phần nhỏ", anh Tuấn Anh kể.

Khoản tiền lớn nhất anh Tuấn Anh mua một mảnh đất vùng ven TP.HCM để đó với hy vọng một cú nhảy đột biến giá. Món tiền nhỏ hơn anh mua đất ở Gia Lai, giá trị đất không quá cao nhưng đây là "của để dành" phòng khi hữu sự. Số tiền còn lại anh đầu tư chứng khoán và mua đi bán lại căn hộ chung cư ở giai đoạn dự án.

Ham hố nên... ôm sô

Sau khi dùng tiền khởi sự kinh doanh hoặc đầu tư bất động sản, nhiều bạn trẻ nhận ra để tiền đẻ ra tiền chưa bao giờ là việc dễ dàng. Biến động thị trường nóng - lạnh, thiếu kinh nghiệm, một số bạn đã gặp trục trặc hoặc phải chuyển hướng làm ăn.

Với số vốn nho nhỏ, Lan Anh (đã đổi tên, 31 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) khởi nghiệp bằng việc mở tiệm sách cũ online. Cô hào hứng nghĩ rằng mình cứ bán trên mạng một thời gian, khấm khá sẽ làm chủ một tiệm sách bề thế như mong ước hồi nhỏ. Vậy là cô bắt đầu thu mua sách cũ từ nhiều nguồn, đặt mua tuốt dưới Bạc Liêu, Cà Mau...

Sau những giờ làm việc trên cơ quan, tối về Lan Anh loay hoay trả lời tin nhắn của khách, soạn sách, đóng gói... "Tôi có tham gia một khóa học phát triển bản thân và được khuyên là nên đầu tư phù hợp sở thích. Vậy là tôi quyết định bán sách cũ, vừa được đọc sách vừa kiếm được tiền", cô nói về hành trình kinh doanh của mình.

Sau một năm miệt mài bán sách, Lan Anh bắt đầu "thấy nản" vì lợi nhuận không bao nhiêu mà thời gian bỏ ra quá nhiều. "Giờ tôi chỉ mong bán hết mấy bao sách tồn. Tưởng sách cũ không tốn nhiều vốn nhưng cứ mua vào hoài bữa giờ cũng mấy chục triệu rồi", cô nói.

Chưa kể, những đợt đặt mua sách online Lan Anh còn gặp trúng những bộ sách cũ nát hoặc sách dỏm, đành ngậm ngùi đem cho người bán ve chai. "Có lẽ do tôi không tìm hiểu kỹ mà đã nhảy vô buôn bán. Tôi cứ nghĩ bán sách là khi nào rảnh thì đăng lên bán thôi, chứ không hình dung nhiều công đoạn, kể cả việc dự trù chi phí, thống kê kiểm soát những đầu sách mình có...", cô gái trẻ đúc kết.

Còn với anh Trần Minh, sau lần làm ăn hiu hắt vừa qua đã thừa nhận do bản thân "ôm" nhiều thứ, trong khi vốn liếng và kinh nghiệm chưa nhiều. "Vừa rồi có người lại rủ tôi mở quán ăn tuốt dưới miền Tây...", anh bỏ lửng câu nói như sợ người đối diện liên tưởng tới thói quen ôm đồm của mình.

Là trụ cột trong nhà nên gánh nặng tài chính đổ lên vai anh Minh khá lớn. Sau những lần "đau tim" vì tiền vỗ cánh bay đi, anh tự an ủi "làm ăn gặp chuyện này chuyện nọ là không thể tránh được". Và khi có ai đó bóng gió góp ý, anh lại lạc quan: "Muốn làm ăn thì phải liều thôi. Có thất bại sẽ có thành công".

Người trẻ xài tiền - Kỳ 3: Tiền vỗ cánh bay đi theo mộng đổi đời - Ảnh 2.

Đầu tư đất đai, chung cư… đang là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ - Ảnh: YẾN TRINH

Lỗ tiền bạc, lời kinh nghiệm

Có dịp quan sát giới trẻ khởi nghiệp, điều dễ nhận thấy là họ có thừa nhiệt huyết, dám nghĩ dám liều nhưng để đi đến thành công lại là một câu chuyện khác.

Theo một số bạn trẻ, một trong những yếu tố quyết định thành bại đó là kinh nghiệm. Anh Tuấn Anh thừa nhận những trục trặc mà anh gặp phải là do mình còn non trên thương trường. Có thời điểm anh mất hàng trăm triệu đồng cho những bài học về đầu tư. Khi anh đang tham gia một dự án chung cư và chuẩn bị bán ra thì dịch COVID-19 bùng phát.

Thị trường tuột dốc, anh và nhiều nhà đầu tư không thể "ra hàng" bán lại căn hộ để kiếm lời. Điều này đồng nghĩa với việc anh phải đóng tiền mua đứt một căn và trả lại một căn cho chủ đầu tư, chấp nhận lỗ vài chục triệu. "Tôi phải bán mảnh đất ở Gia Lai, lấy số tiền đó bù vào tiền mua dự án chung cư. May mắn mọi việc vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của tôi", anh tâm sự.

Về số tiền đổ vào chứng khoán, mọi việc tưởng chừng êm xuôi sau đại dịch nhưng thông tin nhiều công ty chứng khoán "đứng hình" do dàn lãnh đạo vướng vòng lao lý khiến thị trường này chao đảo. "Số cổ phiếu tôi mua dù thuộc công ty uy tín nhưng cũng không thoát khỏi số phận bị rơi. Có thời điểm buổi sáng mở ứng dụng theo dõi ra, số tiền lỗ của tôi gần trăm triệu và phải chấp nhận lỗ để bán ra làm cái khác", anh Tuấn Anh kể.

Tuy vậy, sự đen đủi khi đầu tư nếu nhìn ở góc độ tích cực cũng đem lại cho các bạn trẻ kinh nghiệm. Anh Tuấn Anh cho biết nhờ chia nhỏ tài chính để đầu tư nên anh có nhiều khoản tiền từ các lĩnh vực. Khi một lĩnh vực nào đó gặp khó, anh vẫn có thể chủ động xoay xở, không rơi vào kiệt quệ. "Những khoản đầu tư này cũng đã sinh lời, giúp tôi có một nguồn thu nhập thụ động ngoài công việc văn phòng chính", chàng trai 29 tuổi chia sẻ.

Còn chị Lan Anh, anh Trần Minh cũng cho rằng việc tập tành mua bán mang lại cho mình kiến thức thực tế, hiểu biết về thị trường. Sau một thời gian ngán ngẩm nhìn mớ sách cũ, chị Lan Anh đổi hướng tạo content (nội dung) thú vị, hài hước trên trang fanpage, cài đặt ứng dụng giao hàng để không phải ra bưu điện gửi. Chị cũng phân chia các thể loại sách và giá cả hợp lý hơn.

Chị nói: "Dù sao việc bán sách cũng có niềm vui của nó. Không đặt nặng chuyện lời lỗ thì mình cũng sưu tập được nhiều đầu sách hay, bước đầu hiểu được chuyện kinh doanh là như thế nào...". Anh Trần Minh thì cảm thấy trưởng thành hơn và cũng tự hào khi đã làm được cái gì đó để cuộc sống đỡ buồn chán.

Những người trẻ tuổi này cũng cho biết họ chấp nhận sự lỗ lã trong mức độ có thể gồng được. Theo họ, điều đó tốt hơn nhiều so với việc dùng tiền tiêu xài hoang phí và họ tin rằng sau này mọi thứ sẽ thuận lợi hơn.

Kiên trì làm lại từ đầu

Anh Lê Thanh Nhàn (49 tuổi, giám đốc hai doanh nghiệp kinh doanh hải sản tại TP.HCM) cho biết anh từng phá sản khi mới chân ướt chân ráo khởi nghiệp cách đây 10 năm. Sau đó, anh đã gầy dựng dần lại mọi thứ một cách thận trọng, không chủ quan trước những kết quả tốt đẹp trước mắt.

Không ít người trẻ ngày nay khấm khá nhanh nhờ biết làm ăn mà không chỉ "an phận" lãnh lương. Họ tận dụng thành công sức trẻ, lòng say mê và quỹ thời gian dài rộng để viết lên những câu chuyện đời mình.

Kỳ tới: Làm giàu nhờ không để tiền nằm yên một chỗ

Người trẻ xài tiền - Kỳ 2: Dè sẻn, mỗi ngày xài 120.000 đồng Người trẻ xài tiền - Kỳ 2: Dè sẻn, mỗi ngày xài 120.000 đồng

TTO - Khác với những bạn trẻ xài tiền thoải mái, để trang trải chi phí đắt đỏ nơi thành phố, nhiều bạn lại "thắt lưng buộc bụng". Họ tự quy định mỗi ngày xài bao nhiêu, cân đo đong đếm để cuối tháng dư ra một chút.

YẾN TRINH - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên