02/07/2015 08:14 GMT+7

Người trẻ Việt không còn tự ti cả chiều cao lẫn thể lực

PHAN QUANG TRUNG (55 tuổi)
PHAN QUANG TRUNG (55 tuổi)

TTO - Người trẻ Việt Nam không còn cảm giác tự ti cả về chiều cao và thể lực. Nước nhà có thể tự hào vì tuổi trẻ đã đảm đương được vai trò đại diện cho quốc gia cả về trí tuệ lẫn sức vóc trên đấu trường quốc tế.

Mùa quả ngọt ngào

Năm nay quả đúng là một năm được mùa của thể thao Việt Nam. Niềm vui dẫn đầu SEA Games với 70 huy chương vàng chưa kịp lắng xuống thì tin vui đội tuyển bóng đá nam đoạt vé dự vòng chung kết World Cup càng làm nức lòng người hâm mộ.

Có thế chứ! Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, đứng hàng thứ hai trong các nước Đông Nam Á và trong tốp 20 nước có dân số cao nhất thế giới nên thành tích thể thao như thế mới xứng tầm và còn nhiều cơ hội phát triển cao hơn nữa.

Tôi có quá mơ mộng không? Không! Đây là một niềm tin như đinh đóng cột rằng chúng ta sẽ làm được trong vòng 20 năm tới, thậm chí có khi còn sớm hơn nếu cả nước đồng lòng, quyết chí.

Khi ấy, người trẻ Việt Nam không còn cảm giác tự ti cả về chiều cao và thể lực. Nước nhà có thể tự hào vì tuổi trẻ đã đảm đương được vai trò đại diện cho quốc gia cả về trí tuệ lẫn sức vóc trên đấu trường quốc tế. Đã qua lâu rồi cảnh các đoàn học sinh, sinh viên nước ta chiến thắng rạng rỡ trở về từ các cuộc thi Olympic toán, vật lý, hóa học… hay cờ vua, cờ chớp, trong khi các đội tuyển thể thao thì thường “học tập là chính”.

Nhớ ngày nào mỗi lần có dịp đi ngang qua trường đại học mà lòng cứ buồn man mác khi thấy các em, cả nam lẫn nữ, đa số thấp bé và gầy nhom. Lòng tự hỏi một đất nước mà thế hệ thanh niên rường cột lại thấp bé như thế thì công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sẽ ra sao đây?

Đã đành trí tuệ của người dân Việt chưa chắc thua kém ai nhưng với sức vóc như thế thì quả thật trong dạ không yên chút nào.

Đã biết chỗ yếu thì phải khắc phục cho dù tốn bao nhiêu tiền của và thời gian vẫn phải làm; và làm cho bằng được.

Chỉ bằng ngân sách nhà nước thì không đủ, chúng ta vận động các tổ chức quốc tế, vận động toàn dân và kiều bào đóng góp… Mỗi người, mỗi ngành, ai làm việc nấy nhưng đều nhắm một mục đích là làm cho không phải một, mà là hàng mấy mươi triệu thanh niên Việt Nam vươn vai lớn dậy như Phù Đổng. Một cuộc trường chinh thời bình bắt đầu!

Nâng cao tầm vóc Việt

Chàng nông dân Rip van Winkle trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Washington Irving (1783-1859) ngủ một giấc dài 20 năm và khi thức dậy thấy mọi sự đã thay đổi. Còn chúng ta không phải vậy. Hai mươi năm đòi hỏi cả một thế hệ phải kiên trì làm không biết bao nhiêu việc để nhằm một mục đích duy nhất là nâng cao tầm vóc Việt.

Đầu tiên là chế độ dinh dưỡng cho các bà mẹ tương lai để mẹ luôn tròn, con luôn vuông. Tuy đất nước chưa phải giàu có gì nhưng cũng không còn quá khó khăn như trước và thu nhập của mọi hộ gia đình cũng được nâng cao nên các giải pháp thực hiện theo quyết sách này đều được triển khai hiệu quả.

Các bé được đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế và tiêm chủng đúng mức để phát triển thật tốt trong những tháng năm đầu đời. Khi các bé vào nhà trẻ thì đã có chương trình sữa học đường, trước tiên do các doanh nghiệp kinh doanh sữa bảo trợ, cha mẹ các bé đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp và ngân sách địa phương…

Các trường mẫu giáo vẫn tiếp tục chương trình sữa học đường cho các bé cùng với các tiết dạy bơi hằng tuần trong hồ bơi của trường, vừa xóa nạn đuối nước cho các bé vừa góp phần đào tạo các kình ngư cho đất nước trong tương lai.

Điều mà cả xã hội cần quan tâm đóng góp là trang bị điều kiện vật chất, chuyên môn cho việc dạy/học và rèn luyện thể chất ở bậc trung học.

Do thiếu điều kiện cơ sở vật chất (và có khi thiếu cả giáo viên) nên thường các em chỉ được hướng dẫn “cho biết” thế nào là chạy 100m, thế nào là nhảy cao, thế nào là nhảy xa… sau đó thi kiểm tra lấy điểm môn chứ không hề có điều kiện luyện tập và thi đấu đúng nghĩa.

Ở lứa tuổi này mà thiếu điều kiện luyện tập thì làm sao các em phát triển hết mức về mặt thể chất được.

Ở các trường đại học thì cơ sở vật chất cho thể dục thể thao thường tốt hơn nhưng ở độ tuổi này sự phát triển thể chất của các em có phần chậm lại, cộng thêm nỗi lo toan cơm áo gạo tiền đầu đời có thể khiến việc rèn luyện giảm hẳn hiệu quả.

Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển với chỉ số thể chất của người dân cao và thành tích đáng nể trên đấu trường thể thao thế giới đều cho thấy họ có một điểm chung là: cấp trung học cung cấp nguồn vận động viên cho quốc gia để được đào tạo thành những kiện tướng trong trường đại học.

Nhờ vậy, giai đoạn đỉnh cao của các vận động viên mới được kéo dài. Đó mới chỉ là mặt phát triển thể chất và tầm vóc.

Thế sức chịu đựng thì sao? Chúng ta hết sức tự hào có môn quốc võ Vovinam đã phát triển ra hơn 40 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, tại thành phố Cần Thơ tôi đang sống không tìm thấy một trung tâm huấn luyện Vovinam nào mà chỉ nghe nói có một số trung tâm ở một vài huyện.

Chúng ta cần đưa môn võ quốc hồn quốc túy này vào hệ thống giáo dục từ cấp I đến hết cấp III như là một môn học bắt buộc. Đây sẽ là một dự án hết sức lớn lao, tốn kém, cần thời gian dài để chuẩn bị đội ngũ huấn luyện viên (cũng là đội ngũ giáo viên) đủ cả về số lượng và chất lượng trước khi chính thức triển khai.

Những lợi ích đạt được sẽ to lớn khôn cùng và sẽ đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ đây về sau: người dân Việt sẽ vừa mạnh về thể chất vừa vững vàng về tinh thần, sống thượng tôn pháp luật trên tinh thần thượng võ, dám trừ gian diệt bạo để bảo vệ công lý… qua đó đẩy lùi mọi tệ nạn như rượu chè, ma túy, cướp giật.

Gần 3 triệu kiều bào đang sinh sống khắp thế giới cũng sẽ đóng góp phần đáng kể vào công cuộc nâng cao tầm vóc Việt một khi họ (hoặc con cháu họ) trở về Việt Nam làm ăn hay định cư lâu dài vì đa số có thể chất tốt và được giáo dục bài bản.

Cùng với đó, con số gần 1 triệu du học sinh ra nước ngoài học tập hằng năm sẽ tất yếu dẫn đến rất nhiều cuộc hôn nhân với người nước ngoài. Nếu chúng ta có chính sách khuyến khích hấp dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những cuộc hôn nhân như thế thì cái lợi trước mắt là ta đưa đi một nhưng khi về lại thành hai. Cái lợi lâu dài, quan trọng hơn, là góp phần nâng cao tầm vóc con dân Việt ở các thế hệ sau.

Nhìn rộng ra toàn xã hội thì những chương trình vận động kiểu như nhà nhà luyện tập, người người luyện tập không phải là mới nhưng vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh ý thức giữ gìn sức khỏe và rèn luyện thân thể của người dân ngày một nâng cao.

Vai trò của chính quyền các cấp là hỗ trợ việc thành lập những cơ sở tập luyện như câu lạc bộ bóng bàn, sân cầu lông, sân bóng chuyền… để trẻ già bé lớn đều có thể tham gia tùy theo thể chất và sở thích của mình.

Ánh sáng rọi tới đâu, bóng tối tệ nạn sẽ lùi tới đó. 

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại VN không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh VN 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để VN có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

PHAN QUANG TRUNG (55 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên