TTCT - Theo báo cáo về thị trường giao đồ ăn 6 nước ASEAN của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của dịch vụ này tại Việt Nam trong năm 2022 là 1,1 tỉ USD. Đằng sau con số tỉ đô người Việt đã chi để "ăn qua app" này là gì? Báo cáo của Momentum Works cho biết Việt Nam nằm trong nhóm tổng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn tăng, cùng với Malaysia và Philippines, trong khi GMV của thị trường giao đồ ăn tại Singapore, Thái Lan và Indonesia cùng giảm.Xu hướng tiếp tục tăng nhanhBà Lê Nguyễn Ngọc Dung, giám đốc phát triển đối tác GoFood (Gojek Việt Nam), cho biết từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi lớn, ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến.Trong giai đoạn dịch, khi dịch vụ ăn uống gặp khó khăn do hạn chế về di chuyển, thị trường giao đồ ăn trực tuyến đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về lượng sử dụng. Năm 2022, khi các hạn chế được dỡ bỏ, cuộc sống dần trở lại bình thường, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến vẫn tiếp tục phát triển và trở thành ngành công nghiệp tỉ đô vào cuối năm. Tần suất đặt món trực tuyến trên GoFood trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.Đại diện của ShopeeFood cũng nhận định thị trường dịch vụ giao đồ ăn có sự tăng trưởng đáng kể những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022. Ở các sự kiện khuyến mãi vào dịp "ngày đôi" (chẳng hạn 3-3), TP.HCM luôn là thành phố có lượng đơn đặt món cao nhất trên cả nước và người dùng có xu hướng đặt món nhiều nhất vào khung giờ trưa. Bên cạnh đó, người dùng tại các tỉnh thành nhỏ cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng nền tảng số cho các nhu cầu gọi đồ ăn thức uống trực tuyến - tại Quảng Nam, số người dùng ShopeeFood năm 2022 đã tăng gấp đôi so với năm trước.Giao đồ ăn đặt online cho khách hàng ở TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNHĐại diện cả hai nhãn hàng nhận định một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao đồ ăn trực tuyến là sự tiện lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng. Người dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm món ăn ngon tại các nhà hàng yêu thích, có nhiều lựa chọn đa dạng, đồng thời so sánh giá cả. Nhờ các chương trình ưu đãi và mã khuyến mãi, khách hàng không chỉ tiết kiệm chi phí mà cả thời gian di chuyển để thưởng thức bữa ăn.Đại diện ShopeeFood cho biết lượng người dùng tích cực nhất trên nền tảng này thường ở độ tuổi từ 18 - 22, với số lượng đơn đặt hàng tăng trưởng đáng kể trong năm 2022 so với một năm trước đó. Trong đó, trà sữa là thức uống được yêu thích nhất.Trà sữa cũng dẫn đầu danh sách các thức uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP.HCM. Số liệu của Gojek Việt Nam còn cho thấy ở các thành phố lớn có sự khác biệt về sở thích dành cho các món đồ ăn thức uống. Trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, xu hướng tiêu dùng có sự khác biệt ở các món đồ ăn thức uống được ưa chuộng. Ngoài trà sữa, tại TP.HCM, người dùng chuộng các món có tính giải khát như nước ép, sinh tố, rau má, trong khi tại Hà Nội, người dùng lại chọn món ăn thanh nhẹ như chè và sữa chua.Theo Statista, dự kiến quy mô của thị trường dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến Việt Nam đạt 2,7 tỉ USD đến năm 2025 (con số toàn cầu là 1,45 ngàn tỉ USD).Lỡ hẹn với cơm nhàTrang Linh, sinh viên năm 1 Trường đại học Luật TP.HCM, có việc làm thêm. Hầu hết thời gian trong ngày, Linh đi học hoặc làm việc, nên ăn ở nhà trở thành điều xa xỉ. Trong tuần, Linh thường chỉ có hai buổi tối cuối tuần là có thể ăn ở nhà. Còn lại, cô gọi đồ ăn bên ngoài hoặc đến hàng quán.Bắt đầu sử dụng ứng dụng đặt thức ăn từ năm lớp 9 và đặt hàng nhiều nhất vào những năm cấp 3, Linh cho biết thói quen này hình thành do cô học bán trú. "Ở trường có suất ăn, nhưng chỉ khoảng 15 - 20% các bạn đăng ký vì các món ăn không đa dạng, mỗi phần ăn cũng ít, trong khi với cùng giá đó, tụi mình có thể đặt đồ ăn bên ngoài với nhiều lựa chọn hơn" - nữ sinh viên Gen Z này nói.Linh giải thích dịch vụ giao nhận đồ ăn giúp cô không phải di chuyển, lại có thể thử nhiều món khác nhau với mức giá hợp lý nhờ mã khuyến mãi, chương trình giảm giá, hoặc đặt cùng bạn bè nên chi phí ship hầu như không đáng kể.Ngay cả khi ở nhà, dù có sẵn đồ ăn nhưng không hợp khẩu vị, Trang Linh thỉnh thoảng vẫn đặt món ăn bên ngoài về. Thói quen đặt hàng này khiến chi phí ăn uống của Linh chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu hằng tháng, ở mức từ 2 - 2,5 triệu đồng. "Mình cũng dự định lên kế hoạch chi tiêu, hạn chế ăn bên ngoài bằng cách mang cơm theo, nhưng nhiều lúc không tiện. Mình không có thời gian, lười và cảm thấy việc mang đồ ăn theo rất rườm rà, lỉnh kỉnh" - cô giải thích.Mặt trái của việc đặt hàng qua mạng, bên cạnh tốn kém, là nhiều lúc món ăn không như mong đợi. Dù ra quán hay đặt qua ứng dụng, khi thấy món ăn không đẹp hoặc có vẻ kém vệ sinh, Linh nói cô sẽ không ăn.Shipper giao đồ ăn khách đặt online ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNHNgọc Tuyền, nhà sáng lập cộng đồng Dear Our Community dành cho người trẻ, cho biết mình ăn bên ngoài rất nhiều, cả ra quán lẫn gọi qua app, vì ở một mình nên ít nấu ăn tại nhà. Ăn uống chiếm khoảng 1/3 tổng chi tiêu của Tuyền, từ 9 - 12 triệu đồng/tháng, bao gồm cả việc gặp gỡ bạn bè, đối tác. Với các bữa ăn cho bản thân, có thể chủ động chọn món để tiết kiệm, Tuyền giới hạn ở mức tối đa 100 ngàn đồng dù ra quán hay đặt qua ứng dụng. Đi với bạn bè thì chi phí sẽ cao hơn, và mức giá 300 - 500 ngàn mỗi người theo Tuyền là chấp nhận được.Không phải là người thích "phiêu lưu", Tuyền cho biết cô chủ yếu chỉ dùng một ứng dụng để đặt món ăn và cũng chỉ chọn các quán quen để đặt lại món cũ. Tuyền cho rằng việc không ở cùng cha mẹ góp phần không nhỏ vào việc cô ăn bên ngoài nhiều. Ở công ty cũ, Tuyền từng thấy nhiều bạn trẻ mang theo cơm nấu sẵn từ nhà, không chỉ tiết kiệm mà còn an toàn hơn. Bản thân cô từng bị ngộ độc thực phẩm vì ăn uống bên ngoài."Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các món ăn bên ngoài gần như mình không kiểm soát được. Người ta nấu sao thì mình ăn vậy, thế nào cũng có rủi ro. Mình vẫn tin là việc ăn uống cùng gia đình sẽ giúp mọi người kết nối với nhau hơn. Bữa ăn gia đình cũng sẽ ngon và quen thuộc hơn" - Tuyền nói.Anh Hoàng Nam, hiện là nhân viên làm theo ca trực tại quận 3 (TP.HCM) cho biết ngoài giờ hành chính, anh thường xuyên có những buổi gặp bạn bè và đối tác để bàn công việc bên ngoài. Vì thời gian làm việc không cố định, có những lúc đi về rất khuya, anh Nam nhấn mạnh sẽ rất "oải" nếu còn phải nấu ăn."Mình sẽ ăn ở quán hoặc đặt tạm đồ ăn về, vì mình muốn ăn xong và nghỉ ngơi sớm. Đó là điều quan trọng nhất. Hơn nữa, khi mình về, người trong gia đình hầu như đều đã đi ngủ, nên ngồi ăn một mình hoài cũng rất buồn" - anh nói.Trái với Ngọc Tuyền, Nam dùng khá nhiều ứng dụng khác nhau để đặt hàng, nhờ vậy nhận ra ứng dụng nào có các khuyến mãi tốt tùy từng thời điểm. Theo anh, ngoài sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, việc đặt món ăn khá hữu ích vào những lúc sức khỏe anh đang kém, cần tìm món ăn phù hợp. "Những lúc đau bụng hoặc cảm sốt, mình có thể đặt cháo hoặc thậm chí các món tiềm cách nhà mình hơn 11km" - anh nói.Ngoài ra, đặt thức ăn qua ứng dụng tiện lợi hơn vào những lúc thời tiết quá nóng, mưa lớn, hoặc khi tập thể phòng có những bữa ăn xế chiều, không chỉ sạc năng lượng mà còn tăng sự giao lưu, gắn kết.Là những người đã đi làm nhiều năm, cả anh Nam và Tuyền, đại diện thế hệ 8x và 9x, đều cho biết bản thân từng lên kế hoạch chi tiêu cho việc ăn uống hằng tháng và hiện nay đã tạo thành thói quen khá ổn định. "Mức chi tiêu của mình luôn nằm trong giới hạn cho phép. Thỉnh thoảng có tháng dư, có tháng hụt, nhưng cơ bản không vượt ra ngoài khả năng kiểm soát" - anh cho biết.Điều tiếc nuối của Nam, và có lẽ cũng của nhiều người khác, là muốn ăn ở nhà vì biết rõ việc ăn bên ngoài sẽ không tiết kiệm được, nhưng không thể. "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khiến mình bất an, nhiều lúc "nhắm mắt cho qua", chưa kể món ăn không hợp khẩu vị" - anh nói.■ Đại diện Gojek cho biết trong danh mục đồ ăn, đa số các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GoFood là các món thuần Việt như cơm, các món sợi, bún khô. Trong đó, món cơm Việt Nam kết hợp với đa dạng các loại đồ ăn, đặc biệt là với gà, được ưa chuộng nhất tại cả TP.HCM và Hà Nội. Về sự khác biệt ở hai miền, món ăn Hàn Quốc lọt vào danh sách các món ăn được đặt nhiều nhất ở TPHCM, trong khi ở Hà Nội là món bánh mì truyền thống. Tags: Người trẻ ViệtGiao đồ ănThói quen tiêu dùngThương mại điện tửDịch vụ ăn uốngĐặt món trực tuyếnTiết kiệm chi phíĐơn đặt hàngYêu thích nhất
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.