An phận thủ thường để tận hưởng cuộc sống
"Cuộc đời thật ngắn và tôi muốn tận hưởng thời thanh xuân tươi đẹp. Hiện tại tôi không có niềm tin vào nền kinh tế", báo South China Morning Post dẫn lời anh Li, 24 tuổi, nhân viên công nghệ tại một tập đoàn viễn thông quốc doanh của Trung Quốc, chia sẻ.
Anh cho biết mình đang "nằm yên" - cách giới trẻ nước này gọi việc chỉ làm đủ sống để dành thời gian tận hưởng.
Anh và những người "nằm yên" khác quan tâm việc tụ tập với bạn bè, du lịch và các sở thích cá nhân hơn chuyện thăng tiến ở chỗ làm.
Anh Li dự định sống với 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng) mỗi tháng đến năm 30 tuổi, thay vì cố gắng gia tăng thu nhập để mua nhà hay lập gia đình.
Chị Pluto Mo, một người đang "nằm yên" khác, quả quyết: "Tôi sẽ không để các tham vọng xa xôi như mua nhà, mua xe hay lập gia đình cướp đi cuộc sống. Dù không dư dả, tôi vẫn cảm thấy mình đang nhận được nhiều hơn trước".
Làn sóng từng đe dọa thị trường lao động Trung Quốc vài năm trước đã trở lại. Một khảo sát trên mạng xã hội Weibo cho thấy có đến 67.000 người "mệt" và chỉ muốn "nằm xuống", trong khi chỉ 11.000 người chọn sẽ "tiến bước".
Bỏ công sở, làm việc chân tay
Chị Loretta Liu tốt nghiệp trường đại học tốp đầu Trung Quốc năm 2018, từng làm tại nhiều công ty lớn, bất chấp tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc ở mức cao kỷ lục, theo báo New York Times.
Từ năm 2022, chị chuyển sang làm thợ tạo kiểu tại một cửa hàng chăm sóc thú cưng. Tuy thu nhập chỉ bằng 1/5 trước đây, chị vẫn rất vui vì đã đổi nghề.
Giống chị Liu, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc đổi công việc văn phòng, áp lực lớn để làm việc chân tay. Hashtag "Lần đầu làm lao động chân tay" đã thu hút đến 28 triệu lượt xem trên mạng xã hội Xiaohongshum của nước này.
Những người tham gia cho biết họ thích công việc mới ở chỗ không phải làm thêm giờ và môi trường làm việc ít cạnh tranh. Họ thừa nhận khó khăn khi phải cắt giảm chi tiêu, song cho rằng đó là đánh đổi xứng đáng để thoát sự đè nén tinh thần của công việc cũ.
Xuất phát từ sự bi quan vào nền kinh tế
Dịch COVID-19 khiến giới trẻ khắp thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, đánh giá lại giá trị của công việc. Họ nhận thấy việc phải làm nhiều giờ và chịu chèn ép bởi cấp trên không giúp cuộc sống của họ bớt bấp bênh trong bối cảnh kinh tế phát triển chậm dần.
Giáo sư về quyền con người Mary Gallagher tại Đại học Michigan (Mỹ) chia sẻ với báo South China Morning Post: "Vấn đề này xuất phát từ sự bi quan của giới trẻ. Họ cảm thấy triển vọng kinh tế không tốt, chiến tranh và xung đột thì ở khắp nơi. Biến đổi khí hậu và thiên tai cũng khiến mọi thứ căng thẳng hơn".
Trung Quốc hiện cũng không còn trong giai đoạn phát triển bùng nổ.
Một yếu tố khác dẫn đến điều này là cuộc cạnh tranh công việc văn phòng đang ngày càng khốc liệt. Gần 12 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ ra trường vào giữa năm 2023, vào lúc tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 ở nước này đã vượt mốc 18%.
"Ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy việc đổ công sức cho cơ hội thành công giữa quá nhiều sự cạnh tranh là không đáng. Tâm lý này sẽ tiếp tục hiện diện trừ khi sự thay đổi lớn xảy ra", ông Barclay Bram, nhà nghiên cứu tại Trung tâm phân tích Trung Quốc, Viện Chính sách xã hội châu Á, chia sẻ.
Ông Bram bổ sung: "Trung Quốc cũng không còn trong giai đoạn phát triển thần kỳ mà thế hệ trước trải nghiệm. Giới trẻ ngày nay phải tìm cách mới để cân đối lại kỳ vọng và tìm ý nghĩa cuộc sống trong thực tiễn mới này".
Hậu quả khôn lường cho xã hội
Cả hai xu hướng trên đều có tác động vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Điều này trực tiếp làm giảm nhu cầu của thị trường, lung lay động lực phát triển của kinh tế quốc gia.
Tiến sĩ Gavin Chiu Sin-hin - nguyên phó giáo sư tại Đại học Thâm Quyến - phân tích: "Trung Quốc vẫn chưa là quốc gia phát triển và xã hội nước này đã phải đối mặt nguy cơ dân số già trước khi kịp giàu".
"Nằm yên" cho thấy sự phản kháng của người trẻ với hiện trạng kinh tế - xã hội, song cũng khiến nước này gặp khó trong việc tránh bẫy thu nhập trung bình, ông Chiu bổ sung.
Tháng 10-2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích công khai lối sống đang đe dọa cốt lõi học thuyết "giấc mộng Trung Hoa" của ông.
Trong bài xã luận đăng trên tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập khẳng định lối sống này cần bị gạt bỏ để "tránh sự thui chột của giai cấp xã hội, mở khóa cho việc thăng tiến, tạo cơ hội cho nhiều người làm giàu và hình thành môi trường phát triển mà mọi người đều được tham gia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận