17/01/2014 15:35 GMT+7

Người trẻ Nhật Bản vùng vẫy khởi nghiệp

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Từng có nhiều lần đến Nhật Bản, lần nào tôi cũng phải đem lòng thán phục trước cung cách làm việc của giới trẻ xứ sở Phù Tang.

vAbs2Lk6.jpgPhóng to
Một cửa hàng bánh gạo Nhật Bản - Ảnh: Internet
twVObUG5.jpgPhóng to
Những quầy bán thực phẩm hữu cơ và thiên nhiên có ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản - Ảnh: Internet
BuEdbqKt.jpgPhóng to
Những sinh viên Nhật Bản có thế mạnh là tri thức và sức trẻ để bước vào con đường khởi nghiệp đầy gian nan - Ảnh: Internet

Khách lãng du phương xa lang thang trên đường phố Tokyo ắt phải hoa mắt, chóng mặt trước tốc độ đi bộ "như chớp" của người Nhật - cứ như những bóng ma công nghiệp lướt qua mình. Giới cổ cồn bắt buộc phải quen với cách đi bộ tốc hành như vậy, vì hầu hết họ ở vùng ngoại vi thủ đô, hàng ngày phải đi xe lửa hay xe điện ngầm vào downtown để làm việc. Họ phải cuốc bộ từ nhà ga tới sở làm khá xa và vòng vèo nhiều ngã đường nên nếu lững thững đếm bước thì trễ giờ làm, mất việc như chơi.

Cứ đứng tại một cửa nhà ga nào đó, bạn sẽ thấy tinh thần tập thể và tính kỷ luật rất cao của người Nhật. Mỗi khi có chuyến tàu tới, cả một đạo quân áo vest đen rùng rùng theo nhau một cách trật tự trồi ra từ cửa nhà ga nhập vào dòng lưu thông tấp nập vào giờ cao điểm. Cũng sẽ rất ấn tượng trước hình ảnh "đạo quân" viên chức văn phòng đó đang rầm rập tiến bước đột ngột dừng phắt ngay lại đứng đợi vì phía trước là đèn đỏ!

Tôi vừa đọc được một bài trên báo Mỹ - The Christian Science Monitor - nói rằng: những nhà doanh nghiệp trẻ của Nhật Bản đã tìm được một chỗ đứng ngon lành trong thế giới thực phẩm và thương mại điện tử (e-commerce) ở một trong những nước khắc nghiệt nhất thế giới đối với những người mới khởi nghiệp.

Người ta nói rằng xã hội Nhật Bản đang ngày càng già đi. Hiện nay, có tới 1/4 trong tổng số dân (127 triệu người) của Nhật ở tuổi từ 65 trở lên. Ước tính tới năm 2060, tỉ lệ này sẽ chiếm tới 40%. Cho dù là nước hiện đại bậc nhất châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 3 (có nguồn ghi là thứ 4 sau khi Ấn Độ tăng GDP vượt qua mặt Nhật), Nhật Bản vẫn giữ một nền văn hóa tôn ti trật tự nghiêm khắc. Họ nệ cổ và ưu tiên số 1 cho người nhiều tuổi.

Trên nền tảng đó, cộng thêm với tình hình kinh tế suy thoái trong mấy năm liền vừa qua, chuyện khởi nghiệp của giới trẻ Nhật Bản đã khó khăn lại càng thêm gian nan hơn. Yêu cầu đầu tiên để một người nhảy ra làm ăn là phải biết tự lực cánh sinh.

Vào năm 2008, nữ doanh nhân Takako Endo ở Tokyo hợp tác làm ăn với một xí nghiệp sản xuất bánh senbei (bánh quy gạo - rice cracker) đang gặp khó khăn ở tỉnh Niigata (miền bắc Nhật Bản). Kế hoạch vực dậy xí nghiệp này của chị là cải tiến loại bánh gạo truyền thống Nhật Bản này với các hương vị và cách đóng gói hợp với thời đại, sau đó bán chúng trên mạng Internet cho giới tiêu dùng trẻ tuổi.

Kết quả thật tuyệt vời. 5 năm sau, công ty Twhy Twhy đã thiết lập hệ thống các cửa hàng thường trực ở Nhật Bản và mở rộng doanh nghiệp online của mình tới các nơi khác ở châu Á. Năm 2013, chị Endo được vinh danh là một trong những người đoạt giải Người phụ nữ xuất sắc nhất trong năm của Nikkei - một giải thưởng công nhận các thành quả của phụ nữ Nhật Bản trong lĩnh vực kinh doanh.

Thật ra, thành công của Endo rất ấn tượng nhưng chị đã phải trải qua những năm gian khổ trong môi trường lập nghiệp khắc nghiệt để có thể phát triển doanh nghiệp của mình. Trong bảng xếp hạng Global Entrepreneurship Monitor 2012 (một cuộc khảo sát xếp hạng hoạt động doanh nhân ở 24 nước phát triển), Nhật Bản đứng cuối bảng về môi trường kinh doanh cho người khởi nghiệp.

May mắn cho các hậu bối của Endo là giờ đây các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã quyết định sửa chữa chuyện này. Việc cải thiện tinh thần doanh nghiệp Nhật Bản là nguyên lý chính trong bộ giải pháp cải tổ kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe (gọi là “Abenomics”). Trong các thay đổi được dự kiến có việc nới lỏng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp vay tiền của ngân hàng vốn cực kỳ khó khăn và dành ra khoản 200 triệu USD trong các quỹ của chính phủ để khuyến khích và trợ giúp cho các phụ nữ muốn mở doanh nghiệp.

Khởi đầu doanh nghiệp: cái cần là sự hứng thú

Tuy nhiên, theo báo The Christian Science Monitor, kế hoạch của ông Abe phải đối đầu với những trở ngại cả về kinh tế lẫn văn hóa. Nguồn vốn đầu tư rủi ro (dành cho các doanh nghiệp mới) rất khó kiếm ở Nhật Bản và các khoản nợ ngân hàng thường dựa trên các sự bảo lãnh cá nhân mà nói chung là chẳng thể nào có được đối với một công ty mới ra lò.

Người Nhật Bản có truyền thống ác cảm với sự thất bại. Văn hóa khởi nghiệp của Nhật Bản rõ ràng có nhiều bất lợi cho những doanh nghiệp tí hon. Yuji Genda, một giáo sư khoa xã hội học tại trường Đại học Tokyo, người đã viết về các vấn đề của thị trường lao động mà giới trẻ Nhật Bản đang phải đương đầu, cho rằng khó có thể xác định đâu là nguyên nhân của sự giảm sút các doanh nghiệp mới.

Khu vực tự lao động trong lực lượng lao động đã bắt đầu giảm sút nhanh trong những năm 1980 và trận sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1998 đã khiến môi trường tài chính chung trở nên cảnh giác hơn. Ông nói: “Tôi thích được nhìn thấy sự gia tăng số người tự làm ông chủ của chính mình và bước vào thế giới doanh nghiệp xã hội. Nhưng tôi nghĩ rằng cái nỗi sợ thất bại vẫn còn tồn tại.”

Theo Giáo sư Genda, đó là một vấn đề văn hóa mà nhà nước không thể can thiệp để khắc phục được. Theo truyền thống, doanh nghiệp Nhật Bản luôn tập trung vào những mối liên hệ mạnh, nghĩa là những người có cùng nền tảng, học vấn và thông tin. Giáo sư Genda nói: “Những người này ở trong hệ thống quan hệ mạnh mẽ của bạn sẽ cho bạn sự ổn định; nhưng khi khởi đầu một doanh nghiệp, cái bạn cần hơn cả là sự hứng thú.”

Hiện nay, sự giao thoa giữa thực phẩm và thương mại điện tử được giới chuyên môn đánh giá có thể là một mảnh đất màu mỡ cho các chủ doanh nghiệp đang có nhiều khát vọng. Kohey Takashima, người sáng lập dịch vụ Oisix chuyên chuyển giao trên Internet các loại thực phẩm thiên nhiên và hữu cơ nói rằng: “Có nhiều vấn để về thực phẩm ở Nhật Bản. Chẳng hạn, dây chuyền cung cấp trong ngành công nghệ thực phẩm là quá dài và các nhà sản xuất và những người tiêu dùng ở cách rất xa nhau. Vì thế thật khó để có được thông tin (về thực phẩm). Bằng cách dùng Internet, chúng tôi có thể kết nối nhà sản xuất và khách hàng lại trực tiếp với nhau.”

Thành lập năm 2000, Oisix hiện nay đạt doanh số bán ra hàng năm khoảng 126 triệu USD. Năm 2008, Takashima đã được trao giải thưởng Porter Prize dành cho các doanh nghiệp xuất sắc.

Thị trường thực phẩm thiên nhiên và hữu cơ trị giá 1,4 tỉ USD của Nhật Bản hiện vẫn còn tương đối nhỏ. Mặc dù có số dân bằng 40% số dân Mỹ, người Nhật mới chỉ mua thực phẩm hữu cơ với số lượng chỉ bằng 5% số lượng của người Mỹ mua. Tuy nhiên, có khoảng một nửa số thực phẩm hữu cơ của Nhật Bản được mua qua hình thức Internet, vượt xa tỉ lệ 3,3% của người Mỹ. Ông chủ Takashima của Oisix nói rằng: “Tôi biết ở Mỹ, thực phẩm hữu cơ chiếm phần khổng lồ trên thị trường thực tế, nhưng rất nhỏ trên thị trường online. Vì thế, tôi nghĩ rằng có một cơ hội thật sự cho chúng tôi ở đó.”

Các công ty kinh doanh lớn của Nhật Bản cũng đang nắm bắt xu hướng thị trường trực phẩm hữu cơ nhiều tiềm năng này. Ngay cả những doanh nghiệp khác ngành cũng bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực mới này. Ông lớn viễn thông DoCoMo đã mua lại Radishbo-ya Co., một doanh nghiệp lớn chuyên chuyển giao thực phẩm theo đường online như Oisix. Hệ thống siêu thị Lawson vừa qua cũng chung vốn cổ phần với Daichi wo Mamoru Ka, một công ty kinh doanh thực phẩm hữu cơ online.

Rõ ràng người Nhật Bản biết khai thác tốt thế mạnh của Internet. Trong khi đó, chi phí mở doanh nghiệp kinh doanh online thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp chính thống. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho những người muốn khởi nghiệp, đặc biệt là giới trẻ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên