Phạm Hải Vân cùng quyển sách “Câu chuyện nghệ thuật” phiên bản đặc biệt có hộp - Ảnh: NVCC
Tựa sách loại này cũng khá đa dạng chủ đề và dù không rẻ chút nào song nhiều bạn trẻ vẫn sẵn sàng ra tiền không hẳn vì đam mê sưu tầm mà còn bởi mong muốn sở hữu một tác phẩm mang giá trị đặc biệt cả về nội dung lẫn hình thức.
Bỏ vài triệu, thậm chí vài chục triệu mua sách này phải là người không chỉ yêu sách đơn thuần mà thường nhận ra giá trị của quyển sách đó. Vì mắc tiền nên có khi mua về không dám bóc hộp, chỉ trưng bày và sẽ mua phiên bản thường để đọc.
Ông NGUYỄN ANH DŨNG (nhà sáng lập Sbooks)
Đắt nhưng xứng đáng
Tự nhận không phải chuyên "săn" sách hiếm nhưng Phạm Hải Vân (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vẫn thường mua bản đặc biệt của các tựa sách mình yêu thích, nhất là những quyển có giá trị không thay đổi theo thời gian như sách địa lý, nghệ thuật hoặc lịch sử.
Từng chi gần 1 triệu đồng để mang về cuốn Câu chuyện nghệ thuật phiên bản đặc biệt có hộp, đính kèm bộ postcard những bức tranh do các danh họa vẽ, cô gái cho biết hài lòng vì nội dung sách hay và mang lại lượng kiến thức rất lớn. Theo Vân, sách có chiều sâu cả về nội dung lẫn hình thức cũng phần nào nâng cao giá trị tinh thần cho người đọc.
"Mình từng đọc bản e-book nên khi cầm ấn bản đặc biệt trên tay với hộp đựng và chất lượng giấy in màu rất đẹp, trải nghiệm đọc sách của mình khác hơn rất nhiều, lại là sách nghệ thuật nên rất xứng đáng với mức phí đã chi", Vân khoe.
Cô gái ấy còn sở hữu cuốn Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế. Bạn còn đang ủ mưu sẽ quay lại đường sách Nguyễn Văn Bình để mua quyển sách dạng từ điển rất to với hình ảnh và thông tin về các nền văn hóa trên thế giới có giá khoảng 6 triệu đồng!
Những bản sách đặc biệt nên việc bảo quản cũng có phần đặc biệt hơn. Sách dày, mỗi lần dọn dẹp kệ sách cũng vất vả, ngay cả lật sách cũng sợ bung.
"Dù chưa đến mức chục triệu nhưng cũng cần cẩn thận hơn chút chứ nếu những quyển giá cao hơn, mình sẽ tìm cách bảo quản tốt hơn, như tủ kính chẳng hạn", Vân nói thêm.
Trong khi đó, Trần Đức Hoàng Thông (quận 8, TP.HCM) thường tham gia các nhóm cộng đồng dành cho người sưu tầm các sách bản giới hạn, bản hiếm. Năm 2017, Thông mua được một tác phẩm văn học Nga do Nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô (cũ) phát hành năm 1988 với bìa da và chất giấy đẹp.
Ngoài ra, Thông cũng hay sưu tầm các sách không thương mại hóa mà chỉ được xuất bản với số lượng ít cho những mục đích nhất định, có chữ ký tặng của tác giả hoặc sách không còn xuất bản nữa.
Với anh, mọi thú vui sưu tầm đều cần thời gian, công sức và tài chính. Tuy vậy, nếu đã đam mê và quanh mình cũng có những bạn bè cùng sở thích sẽ rất thú vị khi ngồi lại cùng nhau.
"Ngoài kiến thức, sách bản giới hạn hoặc đặc biệt còn mang bản sắc cá nhân của mỗi người. Đây là những cuốn chỉ được xuất bản một dịp nào đó và chỉ riêng mình có, không có bản thứ hai", Thông lý giải.
Trần Đức Hoàng Thông thường tham gia các nhóm cộng đồng dành cho người sưu tầm các sách bản giới hạn, bản hiếm - Ảnh: NVCC
Đam mê của nhiều người trẻ
Bà Phạm Thủy - giám đốc đối ngoại truyền thông Thái Hà Books - cho biết thực ra việc xuất hiện những cuốn sách đặc biệt hay giới hạn đã có từ khá lâu như ấn bản Truyện Kiều là một ví dụ.
Tuy nhiên, chừng năm năm trở lại đây, thị trường này mới thực sự phát triển mạnh mẽ và sôi động khi một số đơn vị xuất bản lớn cùng giới thiệu những phiên bản giới hạn cho một vài đầu sách đặc trưng của mình và được độc giả đón nhận.
Ban đầu, khách hàng hướng đến của dòng sách này phải có độ tuổi khá chững nhưng thực tế có đến 50% người mua ở độ tuổi 8X, có cả 9X. Sự thu hút của sách bản giới hạn có nhiều yếu tố mà bản thân cuốn sách đã có giá trị nhất định hoặc được độc giả đón nhận rồi.
Chưa kể vì số lượng bản in giới hạn, có cuốn chỉ 5-10 bản, cao hơn chừng 100 bản và nhiều là 300 - 500 bản, nên nếu không nhanh tay cũng khó mà đặt mua được cũng tạo ra cơn sốt với những bản sách đặc biệt này.
Chi phí sản xuất bìa thường quyết định phần nhiều giá bán của loại sách này do được làm hoàn toàn thủ công, cả khâu in ấn cũng khác nếu chất liệu giấy in khác biệt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - nhà sáng lập Sbooks - cho rằng sự xuất hiện của sách phiên bản đặc biệt, giới hạn, sách hiếm... góp phần làm văn hóa đọc thêm nhiều màu sắc, nhất là văn hóa đọc đang trở thành một phần trong "nếp nhà" nhiều gia đình.
Một số gia đình thay cho các tủ rượu, tủ trưng bày bằng tủ sách, và các sách phiên bản đặc biệt trở thành điểm nhấn làm gia tăng giá trị cho "kho tàng" sách trong nhà.
Rón rén giữ gìn, còn gì thú vui đọc sách!
Không đồng tình với sở thích bỏ tiền triệu mua sách, T.L. (một bạn trẻ 9X) nói anh thấy các sách phiên bản đặc biệt, giới hạn đơn giản chỉ là "sách được gia công nhiều hơn một chút với giá bán mắc hơn nhiều chút", bìa quyển nào cũng là da, in nhũ, khâu tay...
Anh bạn này kể có người bạn phải xếp hàng, giành giật để mua quyển sách chỉ giới hạn 100 quyển với giá khoảng 1 triệu đồng và nói có thể trả giá cao để sở hữu thứ gì đó khác lạ, đặc biệt nhưng giờ nhiều nơi thi nhau xuất bản sách đặc biệt, sách giới hạn thì ý nghĩa gì nữa!
"Có những quyển sách dạng này sau đó còn được rao bán, chuyển nhượng từ các bên đầu cơ khiến giá trị tinh thần của sách bị giảm sút. Mình hay xem đi xem lại cuốn mình thích mà mỗi lần mở sách bản giới hạn ra đọc cứ phải rón rén giữ gìn thì còn gì là thú vui đọc sách nữa!", anh bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận