Cao Thúy Nhi: đỉnh núi ở phía trước
Nhắm mắt thấy mùa hè của đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi được lòng khán giả trong nước và bước đầu giới thiệu được tên tuổi êkip tại các liên hoan phim quốc tế. Phim với câu chuyện cảm động, hình ảnh đẹp cùng dàn diễn viên thu hút.
Để Nhắm mắt thấy mùa hè đến được với khán giả, Cao Thúy Nhi và êkip đã cùng khóc cùng cười, trải qua hạnh phúc vỡ òa, đối diện với thất bại, chán chường... có đủ.
"Bối cảnh phim quay ở Nhật Bản, khó khăn nhất là lúc hay tin rớt visa toàn bộ êkip. Mọi thứ dường như tuyệt vọng. Nhưng tôi không cam lòng vì thấy mọi người rất tâm huyết với dự án" - Cao Thúy Nhi kể.
Đạo diễn Cao Thúy Nhi
Từ tâm huyết đó, khán giả được thưởng thức những khung hình lung linh ở xứ sở mặt trời mọc, cùng hình ảnh Đà Lạt mộng mơ được lồng ghép khéo léo qua dòng ký ức đan xen thực tại của nhân vật chính.
Nhắm mắt thấy mùa hè là hành trình đi tìm cha, nhưng cũng là hành trình tìm kiếm chính mình của đạo diễn Cao Thúy Nhi. Nhi nói: "Người trẻ làm phim như đi trong đường hầm, dẫu tăm tối song vẫn lấp lánh ánh sáng cuối con đường. Người trẻ làm phim tựa như người leo núi phải phát cây cỏ mở lối đi, có trăm ngàn gập ghềnh cũng phải chinh phục vì biết chắc rằng đỉnh núi ở phía trước. Người trẻ phải giữ vững niềm tin để tạo động lực cho mình và cho người khác".
Trailer phim Nhắm mắt thấy mùa hè
Nữ đạo diễn sinh năm 1989 cho rằng người trẻ vì chưa có tên tuổi nên khó lòng thuyết phục nhà đầu tư. Bằng mọi cố gắng, sự đam mê từ sâu bên trong, từ niềm tin giá trị bộ phim mang lại, Cao Thúy Nhi đã nhận được cái gật đầu của nhà sản xuất.
Nhưng trước đó, để có được những cảnh quay demo (quay nháp), Nhi đã liều lĩnh đem sổ đỏ nhà "tạm gửi" ở ngân hàng.
Hỏi Nhi vì sao phải liều mạng đến thế, nàng cười nụ cười nhẹ tênh rồi trả lời gọn lỏn "vì mê phim quá". Nhi mê phim từ nhỏ, mỗi khi xem phim lại suy nghĩ một góc cạnh khác đi, mới hơn và luôn đặt câu hỏi "nếu là mình thì sẽ làm sao?". Chẳng còn cách nào khác, Nhi phải vác máy lên và đi làm phim thôi.
Êkip trẻ thực hiện bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè
Quan trọng nhất với Nhi khi làm Nhắm mắt thấy mùa hè là tìm được khán giả của mình. "Áp lực doanh thu không quan trọng lắm đâu.
Điều Nhi quan tâm hàng đầu là làm ra bộ phim có giá trị, mang lại cảm xúc cho khán giả" - Nhi nói. Hiện Cao Thúy Nhi đang làm phó đạo diễn cho phim Trái tim quái vật (đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp). Và tất nhiên Nhi cũng đang chuẩn bị cho dự án thứ hai của chính mình trong năm 2019.
: 7 năm cô đơn tìm Ròm
Phim ngắn 16:30 của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy khai thác câu chuyện của những đứa trẻ bụi đời sống bằng nghề bán vé dò đã chạm vào trái tim người xem.
Từ đây, anh phát triển thành phim dài mang tên Thằng Ròm. Dành 7 năm tuổi trẻ theo đuổi Thằng Ròm, Huy vẫn không thôi khao khát và chờ đợi ngày phim được ra rạp.
Cảnh phim Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy
Huy (sinh năm 1990) vào nghề khá sớm, năm 15 tuổi đã bắt đầu tập tành làm phim. Sau 13 năm làm nghề, Huy tạo được dấu ấn bởi niềm đam mê mãnh liệt cho điện ảnh qua các phim ngắn: Nhìn sẽ thấy (2006), Chìa khóa cuộc đời (2008), Sự sống (2008), Chuyện ba người (2009), Đường bi (2011)...
Huy tâm tư: "Cánh cửa cơ hội tuy khá hẹp với nhà làm phim trẻ vì đầy rủi ro và rất khó tìm được nhà đầu tư sản xuất, song chúng tôi phải làm, làm thật nhiệt huyết. Ngày càng nhiều người trẻ làm phim sáng tạo và cất lên tiếng nói của mình sẽ tạo nên một môi trường điện ảnh phát triển, sắc màu. Từ đó mới có cái để giới thiệu với bạn bè quốc tế".
Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy
Vốn liếng luôn là vấn đề "đau đầu" của các nhà làm phim trẻ, song đó chưa thực là trăn trở của Huy. Huy nói làm phim phải luôn giữ mình để không bị ô tạp từ bên ngoài phá hoại góc nhìn của đạo diễn. Huy có thể đi làm thêm kiếm tiền để nuôi sống đam mê và giữ thăng bằng trước những tác động muốn thay đổi "đứa con" của mình.
Trần Dũng Thanh Huy trên set quay Thằng Ròm
"Thằng Ròm khó thuyết phục nhà sản xuất tin để đầu tư bởi phong cách làm phim khác lạ, không theo bất kỳ quy trình làm phim nào ở Việt Nam. Nó là cuộc chơi của người trẻ, là tiếng nói riêng, tiếng nói của đam mê. Bảy năm, từ năm 20-27 tuổi, tôi vừa cố gắng làm vừa chỉnh sửa, khắc phục. Tôi muốn đứa con của mình có đời sống khi ra rạp. Và điều này còn thể hiện bản lĩnh của người làm phim" - Huy chia sẻ.
13 năm làm nghề, hỏi Huy được gì, Huy cười hề hề vì đã có được lòng tin của nhà đầu tư, đáp ứng được kỳ vọng của giới chuyên môn và có được một cộng đồng làm sáng tạo, có bước đi rõ ràng. Huy vẫn sẽ lắng nghe cuộc sống, quan sát xã hội và khai thác đề tài sâu hơn về con người. Huy nói chừng nào còn suy tư về đời là còn xách máy làm phim.
Roland Nguyễn Nhân: Người tu làm phim
Chính thức làm phim được 8 năm, nhưng đạo diễn Roland Nguyễn Nhân lại là "tân binh" trong làng điện ảnh Việt với tác phẩm đầu tay Dream Man - Lời kết bạn chết chóc thể loại kinh dị, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao.
Tại Mỹ, thời sinh viên, Roland đã gặt hái một vài giải thưởng danh dự như phim ngắn Nợ máu (BloodDebts), phim tài liệu Ballet Podcaster... Anh tốt nghiệp thạc sĩ điện ảnh (MFA) từ Đại học Nghệ thuật điện ảnh Nam California (USC).
Xem trailer chính thức của phim Dream man - Lời kết bạn chết chóc
Roland nói anh yêu thích công việc kể chuyện, thích viết kịch bản phim về chủ nghĩa anh hùng. Thế là Roland về Việt Nam tìm hiểu con người, văn hóa, lịch sử để viết tiểu thuyết. Song song quá trình đó, anh vừa chụp vừa quay thành những đoạn clip, mày mò học dựng phim.
Đến khi thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tay Dream Man, Roland mới thấm khó khăn. Nào là thuyết phục nhà đầu tư, sử dụng kỹ xảo trong phim kinh dị là cả một vấn đề nan giải với người đã quen làm phim độc lập như anh, êkip hậu kỳ có người nước ngoài anh phải kiêm nhiệm vừa chỉ đạo vừa phiên dịch. Hơn nữa, anh lại quá cầu toàn, mong "đứa con" được trình làng tốt nhất có thể.
Đạo diễn Roland Nguyễn
Mất ba năm Dream Man mới có thể ra mắt khán giả, Roland không hẳn làm phim chậm, càng không phải là đạo diễn "có tuổi", nên tốc độ thua người trẻ mà anh tự nhận mình là "người tu làm phim". Anh nói sẽ không làm nếu nó không khó và "hiểu được hạt cát mới hiểu được thế giới".
Bởi vậy với Roland, làm phim không hề hào nhoáng, làm phim là giấc mơ mà ở đó anh là người kể chuyện tài tình dẫn dắt khán giả qua bao cung bậc cảm xúc.
Anh nói: "Để câu chuyện, tiếng nói của mình được cất lên và sống trong lòng khán giả thì nhà làm phim phải trải nghiệm, có góc nhìn riêng. Cuộc đời luôn có vấn đề, ta phải nhận ra, diễn tả nó, rồi căn cứ vào cảm xúc của khán giả để thể hiện câu chuyện ấy thành phim".
Dream man - Lời kết bạn chết chóc
Năm 2019, Roland sẽ dành thời gian viết kịch bản. Anh thường qua Singapore để có không gian yên tĩnh tập trung viết lách. Đề tài chủ nghĩa anh hùng vẫn luôn được Roland ấp ủ.
Có lẽ chừng nào Roland còn "tu" trên đường làm phim thì có lẽ khán giả còn hi vọng, chờ đợi thưởng thức những bộ phim hứa hẹn hấp dẫn, thú vị từ anh vậy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận