24/12/2018 08:00 GMT+7

Người trẻ không tìm cách hiểu cuộc đời, họ tìm cách hiểu mình

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đó là chắt lọc đằng sau những gì đọng lại của Văn học tuổi 20 lần thứ 6 mà tiêu biểu là ở hai tác phẩm đồng giải nhì: Người lạ và Wittgenstein của thiên đường đen.

Người trẻ không tìm cách hiểu cuộc đời, họ tìm cách hiểu mình - Ảnh 1.

Wittgenstein của thiên đường đen và Người lạ đồng giải nhì Sáng tác Văn học tuổi 20

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với hai cây bút trẻ vừa đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6.

Đây là năm đầu tiên Văn học tuổi 20 không trao giải nhất.

Một phản tư trong thế giới hư ảo

Wittgenstein của thiên đường đen do tác giả Maik Cây sáng tác là câu chuyện kể về cuộc hành trình của Bô đến thành phố Lê.

Từ một kẻ đánh mất khát vọng sống sau cái chết của người anh yêu thương nhất, Bô đã tìm thấy ở thành phố Lê gia đình của mình và hơn hết, anh tìm thấy ở nơi đây những nỗ lực sinh tồn, ước mơ của con người…

* Điều gì khó khăn nhất đối với Maik Cây khi xây dựng thế giới giả tưởng trong Wittgenstein của thiên đường đen?
- Như tất cả các tác phẩm hư ảo, khó khăn đối với người viết xuất phát từ việc mình không sống trong thế giới ấy, tôi phải tưởng tượng ra những chi tiết của thành phố Lê, cách nó vận hành, sự thay đổi tính cách của người dân nơi này.
Thế nhưng, tôi cho rằng có một điều khó khăn hơn trong quá trình sáng tác đó chính là làm sao đưa những cảm xúc của mình - khi miên man, lúc nhẹ nhàng, nặng nề - trút vào được cuốn sách, bởi ngôn từ về bản chất chỉ là "xác chữ", quan trọng mình phải thổi hồn vào nó.

* Làm sao để đưa cảm xúc cá nhân vào thế giới giả tưởng mà không khiến thế giới ấy mất tính logic?

- Có thể nói Wittgenstein của thiên đường đen là một tác phẩm hư cấu nhưng lại là ở một ngách rất khác do với những tác phẩm cùng thể loại này.

Tôi xây dựng Wittgenstein của thiên đường đen dựa trên những ý tưởng về một thành phố hậu tận thế, phản địa đàng nên dù sao đi nữa cũng dễ dàng hơn so với các tác giả phải hư cấu hóa toàn bộ thế giới.

Với tôi, nhân vật trong sách là một bức tranh khảm của rất nhiều nền văn hóa, cảm xúc, vì vậy làm sao để đi vào thế giới của các nhân vật bằng sự chân thành nhất của mình mới là điều quan trọng hơn cả.

* Đến với dòng văn học hư cấu vốn ít được độc giả Việt Nam chú ý cũng như ít có sáng tác đi trước để học hỏi, Maik Cây đã tìm tòi về thể loại này như thế nào?

- Nhìn chung ở Việt Nam dòng văn học nào cũng thiếu tác phẩm, tư liệu mang tính nền tảng chứ không chỉ riêng văn học hư cấu. Tuy nhiên, những tác phẩm như vậy trên thế giới lại là một biển cả vô biên.

Khi bạn có một chút vốn liếng tiếng Anh hoặc có thể tiếp cận được các tác phẩm miễn phí trên internet thì cả cái biển cả mênh mông ấy chính là của bạn, hay nói như Shakespeare thì "Cuộc đời là con hầu của anh", bạn có tất cả nguồn lực để khai thác cho việc viết lách.

Nghệ thuật là một thế giới quá rộng lớn, cũng chính vì thế khi tiếp xúc với văn chương, tôi hàm ơn tất cả những viết, người hát, người vẽ… đã tạo nên cảm hứng cho mình.

* Maik Cây chia sẻ lúc nhận giải "Ngôn từ là sức mạnh của sự khai phóng", vậy với bạn, giới hạn của sự khai phóng ấy là gì?

- Giới hạn của sự khai phóng nằm ở chính người tiếp nhận ngôn từ và người tạo ra ngôn từ. Tôi không muốn người đọc nghĩ rằng mỗi tác phẩm văn học là một bảng mã và cần phải được giải mã.

Tôi cho rằng cái cần được giải mã lớn nhất là bạn tự giải mã chính mình, cuốn sách hay bất cứ sản phẩm văn hóa, trải nghiệm nào bạn tiếp nhận là chìa khóa để bạn tự khám phá bản thân.

Người trẻ không tìm cách hiểu cuộc đời, họ tìm cách hiểu mình - Ảnh 3.

Đối thoại với Người lạ, nhưng ai là "người lạ"?

Tác phẩm Người lạ của cây bút Mai Thảo Yên viết về An, một nghiên cứu sinh ngành xã hội học ở đất nước Thụy Điển. Rời mảnh đất Sài Gòn để dấn thân vào con đường khoa học ở một vùng đất xa lạ, đã có lúc An lạc mất bản thể trong cả hai nơi chốn - một người Sài Gòn lạc lõng, một nhà nghiên cứu chênh vênh ở Thụy Điển.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, hoặc được đối thoại, hoặc rơi vào thinh không: Tôi còn bao nhiêu niềm tin vào tự do? Tôi có được sống trọn vẹn tuổi trẻ? Có lại tin vào lòng hướng thiện của con người?...

* Độc giả có thể thấy phần nào Mai Thảo Yên trong nhân vật An, cũng đều rời xa Sài Gòn để trở thành một nghiên cứu sinh xã hội học ở Thụy Điển. Vậy cuốn sách có tác động gì đối với Mai Thảo Yên trong hành trình du học?
- Tôi viết cuốn sách này trong giai đoạn rất chông chênh khi bước vào con đường nghiên cứu sinh tiến sĩ ở đại học Upsala, Thụy Điển.
Rất khó để tôi có thể gọi tên những bức bối của mình quãng thời gian ấy, việc cho ra đời cuốn sách này giúp tôi định dạng những suy tư, trăn trở và nhìn ra con đường mình đang chọn có thể cô đơn, chông gai. Nhưng mình đã xác định đi với đam mê thì cần phải có sự dũng cảm.

* Những nghiên cứu xã hội học đã giúp Mai Thảo Yên như thế nào trong quá trình viết Người lạ?

- Tôi chủ yếu nghiên cứu về bản dạng giới, liên tầng, xã hội học cảm xúc. Những nghiên cứu này cho phép tôi nhìn các sự vật xung quanh với đôi mắt cởi mở hơn, gạt bỏ định kiến.

Chẳng hạn nhân vật của tôi có cái nhìn đa chiều về sự kiện diễn ra nên từ đó nhân vật có thể tự đối thoại và tôi lại đối thoại với chính nhân vật. Cuốn sách này cũng tựa một khảo sát xã hội học của riêng tôi về bản thể của mình vậy.

Văn chương với tôi như sự giải thoát và đối thoại, có thể những câu hỏi đặt ra trong Người lạ, đến giờ tôi vẫn trên đường tìm kiếm nhưng gọi tên được những cảm xúc mơ hồ, chênh vênh ấy khiến tôi phần nào thấy được sự an yên trong lòng.

Nhà xã hội Michel Foucault đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn, những nghiên cứu của ông chủ yếu thảo luận về việc chúng ta đã bị kiến thức và quyền lực chi phối như thế nào. Ngay trong Người lạ, tôi cũng xây dựng những tình tiết để các nhân vật nhìn ra góc khuất trong đời sống và nhận định được sự chi phối của quyền lực, kiến thức lên định kiến xã hội.

* Nếu không như Mai Thảo Yên có thể vượt qua sự chơi vơi ở đất khách bằng văn chương thì những bạn trẻ khác sẽ làm thế nào để hòa nhập được một nơi xa lạ?

- Tôi mở đầu Người lạ bằng một câu chuyện tình yêu chóng vánh, chưa bắt đầu đã kết thúc. Tình yêu ở xứ lạ là chuyện quan trọng, thế nhưng còn nhiều chuyện đáng quan trọng hơn: Làm thế nào để hòa nhập được một nền văn hóa mới? Liệu con đường mình đã chọn có thỏa đáng?...

Đặt ra những vấn đề này, tôi muốn nhiều bạn trẻ có thể nhìn ra những góc khuất của đời sống du học sinh, không phải lúc nào cũng chỉ có màu hồng mà còn là bao trăn trở, nhọc nhằn.

Phải một thời gian ở Thụy Điển, tôi mới quen với đời sống người dân nơi này nhờ có bạn bè và văn chương. Thế nhưng, có lẽ vượt qua cả một sự giải tỏa nhờ vào Người lạ, ít nhất tôi đã đối mặt với chính mình để tìm lại được mục đích của con đường.

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Không có giải nhất

TTO - Với chủ đề 'Viết về cuộc sống, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay', Văn học tuổi 20 lần 6 đã trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải tư, và 1 giải do bạn đọc bình chọn. Lần này cuộc thi không trao giải nhất.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên