Tình yêu ngược thời đại
Những tấm ảnh phim mang lại màu sắc riêng biệt - Ảnh: NGUYỄN TÙNG LÂM
Giữa thời đại mà chỉ cần một cú bấmn điện thoại đã có bức ảnh, việc chụp rồi đợi tráng, scan rõ ràng là một sự cổ hủ. Những thủ tục rườm rà của chiếc máy phim dần bị coi là "lỗi thời", là lãng phí vô ích.
Sự quay lưng của người chụp với ảnh phim khiến những cái tên như Yashica, Minolta, Pentax dần trở nên xa lạ trong những năm 2000. Những người yêu ảnh phim trong quá khứ, mỗi ngày thức dậy lại nhận ra loại phim mình ưa thích đã ngừng sản xuất.
Màu ảnh phim không cần chỉnh sửa cũng đẹp tới mê hoặc. Ảnh: NGUYỄN TÙNG LÂM
Mỗi lần bấm máy, tiếng màn trập bật ra đầy sống động như trong những bộ phim cũ những năm 1990.
Nguyễn Tùng Lâm
Nhưng con người vốn ham thích những gì mình không có. Người của thời đại trước bị quyến rũ với những phát minh vượt ngoài mong đợi. Kẻ sinh ra trong cái nôi công nghệ số lại tò mò về những món đồ thời "ông bà anh".
Những đứa trẻ hoài cổ lại lục tìm những chiếc máy cũ. Chúng bắt đầu mày mò lại từng nút chỉnh tốc, khẩu; chọn từng cuộn phim - mặc cho những điều đó có thể giải quyết bằng chế độ Auto của máy số.
Máy ảnh phim là lựa chọn của Tùng Lâm suốt một năm qua - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Tùng Lâm (23 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu làm quen với máy ảnh số từ năm 2010. Nhưng suốt 1 năm làm quen cùng máy phim, Lâm không còn mấy lần sử dụng đến máy số. Với cậu, chụp phim đem lại màu sắc tự nhiên hơn, ảnh trông có sức sống hơn. Cậu nói: "Chụp phim khiến mình có cảm giác như được sống lại thời ngày xưa".
Sự cố gắng của những người trẻ yêu phim cũng dần khiến những chiếc máy cũ dần hồi sinh từ cõi chết.
Cuộc chơi của những kẻ mộng mơ
Chụp ảnh phim là một quá trình kiên nhẫn. Bắt đầu từ việc chọn phim: ảnh ám xanh, ám đỏ, vàng hay đen trắng; ISO 100, 200 hay 400…, rồi tới lắp phim, chụp ảnh, tráng, scan là hàng loạt công đoạn chưa kể tới ti tỉ rủi ro khác: gắn phim trật chốt, máy ảnh hở sáng, phim kẹt chồng, hỏng đo sáng…
Nhưng chính những bước phức tạp ấy lại là sự hấp dẫn của ảnh phim. Sự đắt đỏ và hiếm của những cuộn phim khiến cho người chơi phải tỉ mỉ hơn trong từng lần bấm máy "Cảm giác mỗi lần căn ke ảnh, rồi chờ đợi thành quả là sự hồi hộp khó tả. Vì chụp xong phải tráng mới biết như nào, nên mình luôn có cảm giác bức ảnh của khoảnh khắc ấy là duy nhất, không thể nắm bắt lại" - Trần Quốc Việt (21 tuổi, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết.
Quốc Việt luyện tập sự tỉ mỉ bằng máy phim - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mình chụp máy phim, không phải vì điểm mạnh về kỹ thuật mà là về cảm xúc: khi lắp phim, lên phim; khi tỉ mỉ lấy nét, kỹ càng chỉnh thông số và thận trọng khi nhấn chụp.
Trần Quốc Việt
Ngoài thử thách tính kiên nhẫn, máy ảnh phim còn thử thách cả sự sáng tạo của người dùng. Giới hạn trong những chức năng cơ bản, không có hiệu ứng cài sẵn, máy phim khiến người dùng phải tìm tòi để tạo ra những bức ảnh khác biệt.
Grain (hạt màu) trên ảnh phim là điều tạo nên sự khác biệt. Ảnh: NGUYỄN TÙNG LÂM
"Film is not dead"
Sự tồn tại của 48.000 thành viên trong nhóm Film Photo Club trên facebook như lời khẳng định cho sự sống của ảnh phim. Ở đó, người trẻ tấp nập chia sẻ những bức ảnh mang màu sắc của những năm 1970-1980, chia sẻ cho nhau về những loại phim hiếm, không còn sản xuất.
Tinh thần ảnh phim ảnh hưởng trên cả mặt trận kĩ thuật số. Người ta cho ra mắt những chiếc máy ảnh số có giả lập màu phim. Hàng loạt phầm mềm chỉnh màu phim như VSCO, Gudak, Analog Film… cũng xuất hiện cho kịp phong trào.
Người trẻ chia sẻ tác phẩm bằng phim trên cộng đồng chung. Ảnh: NGUYỄN TÙNG LÂM
"Việc tôi chọn máy phim cũng như tìm người yêu vậy. Phải tìm thấy chất riêng phù hợp thì mới gắn bó với nó được. Máy phim đứng ngoài sự phát triển như vũ bão của công nghệ số. Cho dù bao nhiêu chiếc máy số hiện đại có ra đời thì giá trị của máy ảnh phim vẫn không thay đổi" - Lâm cho biết.
Chọn ảnh phim hay số cũng đều mang lại giá trị riêng. Ảnh: NGUYỄN TÙNG LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận