25/02/2025 11:52 GMT+7

Người trẻ gen Z luôn rộn ràng khi online, gặp sếp lại lắp bắp không nên câu

Rất nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra bạn trẻ thế hệ Z ngày nay đầy tài năng và sáng tạo, vượt trội nhiều mặt. Vậy tại sao các 'sếp' vẫn cứ ta thán về lao động gen Z của mình, đặc biệt các lỗi trong giao tiếp?

Người trẻ gen Z luôn rộn ràng khi online, gặp sếp lại lắp bắp không nên câu - Ảnh 1.

Bạn trẻ gen Z được đánh giá rất giỏi về công nghệ. Ảnh chụp sinh viên trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Ngày Sinh viên TP.HCM sáng tạo - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Việc trang bị, trau dồi kỹ năng mềm cho sinh viên hiện được các trường đại học xem như một "học phần" quan trọng hàng đầu, tiêu chí chấm xét đầu ra cho sinh viên. Nhưng sao gen Z vẫn mắc lỗi kỹ năng mềm?

Gen Z luôn sôi nổi trên mạng?

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online, chị Ngọc Thùy (đã đổi tên theo yêu cầu), người quản trị trực tiếp gần 100 nhân sự với đa phần là bạn trẻ gen Z tại một start-up trẻ ở TP.HCM, nói về việc này bằng những lời than phiền.

Chị tâm sự rất bất ngờ khi các bạn trẻ thời nay luôn sôi nổi trên mạng xã hội với những tài khoản mảng ẩn danh. Nhưng khi giao tiếp trực diện, họ luôn rụt rè, hay lờ đi, không dám nhìn thẳng vào người đang trò chuyện dù đó có là sếp hay đồng nghiệp.

Trò chuyện trực tuyến qua màn hình điện thoại cùng sếp hay đồng nghiệp, họ cũng kiệm lời. Các cuộc trò chuyện online thường có xu hướng kết thúc sớm bằng cách thả tim, like cụt lủn.

"Nhưng đừng nghĩ các bạn ấy hiền. Khi đụng đến quyền lợi, trách nhiệm thì họ (những bạn trẻ vừa tốt nghiệp, đi làm dưới 3 năm - PV) rất nóng tính, tranh luận gay gắt, thậm chí vượt quá mức cần thiết", chị Ngọc Thùy chia sẻ.

Theo chị Ngọc Thùy, việc người trẻ "quá chú trọng và đề cao cái tôi cá nhân rồi khiến mình trở nên nổi bật một cách sặc sỡ, có phần lố lăng". 

Trong khi đó, người trẻ mới đi làm lại thường có thói quen bỏ qua những tiểu tiết trong công việc lẫn việc xây dựng phong cách sống, ăn mặc. "Họ ăn mặc sặc sỡ cũng đẹp. Nhưng chiếc áo hôm đó không ủi phẳng, thậm chí nhăn nhó rất khó coi, cùng đầu tóc bù xù, phong thái uể oải", chị nói thêm.

Người trẻ gen Z luôn rộn ràng khi online, gặp sếp lại lắp bắp không nên câu - Ảnh 2.

Học sinh tham gia trải nghiệm phỏng vấn tuyển dụng thử tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh năm 2025 - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN

Giữ miệng trước các vấn đề nhạy cảm

Anh Mai Đức Hòa (chủ một công ty truyền thông tại quận 1, TP.HCM) cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi gen Z có thể online 24/7, thích được trao đổi luôn công việc qua tin nhắn. Nhưng khi đối diện với vấn đề nan giải, các bạn trẻ chọn "đã xem" rồi không trả lời, "thời gian nhảy số hơi lâu". Việc rụt rè cũng có thể là một trong những lý do khiến họ phản ứng chậm với mọi thứ khi cần.

Một điểm mạnh nhưng cũng trở thành điểm yếu, lỗi trong giao tiếp mà người trẻ thường mắc phải được chị Thùy nhắc đến đó là tính thật thà. Đôi khi việc này giúp các bạn trẻ chiếm được thiện cảm của đồng nghiệp. Nhưng cũng vì quá thật thà "nên trở thành cái gai trong mắt mọi người" khi không thể tự nhận định được vấn đề.

Anh Hòa chia sẻ thêm, khả năng nhạy bén thông tin, sở thích "hóng drama" giúp những người mới đi làm sớm nắm bắt tình hình doanh nghiệp lẫn đời sống đồng nghiệp. 

Nhưng ở mặt nào đó hoặc trong mắt những người đã đi làm lâu năm, đồng nghiệp trẻ thường không biết, hoặc rất hạn chế khả năng giữ miệng.

"Nhạy bén, nắm bắt sớm các thông tin dư luận là tốt. Nhưng tôi nghĩ người trẻ nên biết và rèn cho mình thói quen nghe đâu để đó, tránh việc hùa theo, ngồi lê đôi mách từ chuyện công ty lẫn đời sống đồng nghiệp, đặc biệt là đem tất cả lên mạng xã hội dưới một tấm khiên là tài khoản ẩn danh", anh Hòa chia sẻ.

Ưu điểm của lao động gen Z

Một báo cáo nghiên cứu từng được Nielsen Việt Nam (công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường) đưa ra cho thấy đến năm 2025, thế hệ Z (1997 - 2015) sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động, tương đương khoảng 15 triệu người. Các ưu điểm vượt trội của lao động gen Z mà báo cáo chỉ ra như:

Sành công nghệ từ nhỏ: Gen Z là thế hệ thành thạo kỹ thuật số từ nhỏ, lớn lên trong môi trường được bao quanh bởi công nghệ, thiết bị tương tác và mạng Internet.

Cởi mở với sự thay đổi: Với nguồn thông tin vô hạn trong tầm tay, bạn trẻ gen Z tiếp thu được nhiều kiến thức và thường xuyên tiếp xúc với kho đề tài phong phú. Họ không ngừng tìm kiếm những ý tưởng và trải nghiệm mới.

Giỏi giao tiếp và thích khám phá thế giới: Khám phá thông tin giúp thế hệ Z có cơ hội tiếp xúc với những luồng tư tưởng tiến bộ, đã hỗ trợ thế hệ Z thành những người suy nghĩ toàn cầu. Họ nhận thức được các vấn đề xã hội và tự học mọi thứ nhờ vào các bài giảng.

Tính tự chủ và sự quyết đoán cao: Những bạn trẻ này cũng rất độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân. Họ không còn chịu nhiều sự ràng buộc của những định kiến cũ, cộng thêm cả sự phát triển của công nghệ nên mọi thông tin cần tìm chỉ mất vài giây để tìm ra. Suy nghĩ của gen Z vì thế cũng cởi mở hơn. Họ được tự do quăng mình trong không gian "cái tôi sáng tạo" để tự tìm câu trả lời: "Tôi là ai?".

Khả năng học ngoại ngữ tốt: "Thế giới phẳng" hướng đến sự giao thoa của mười nhân tố kinh tế, khoa học, xã hội, chính trị... lớn của vũ trụ để tạo nên một thế kỷ siêu gắn kết và bình đẳng. Vì thế gen Z tìm thấy cho mình nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc trau dồi ngoại ngữ. Họ tìm đến các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới vì họ biết đó là thứ họ cần.

Người trẻ gen Z luôn rộn ràng khi online, nhưng gặp sếp lại lắp bắp không nên câu - Ảnh 1.Gen Z là ‘thế hệ không có lý do để thất bại’ hay thấy quá mệt mỏi về thế giới

Gen Z sinh ra trong thời công nghệ phát triển, có điều kiện học hành và kinh tế vô cùng thuận lợi so với thế hệ trước, được coi là ‘thế hệ không có lý do để thất bại’, nhưng lợi thế ấy cũng chính là nỗi khổ sở của họ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên