Người trẻ: Đừng khinh thường đột quỵ

HỒNG VÂN 23/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Rủi ro về bệnh đột quỵ đúng là tăng theo tuổi tác, nhưng đột quỵ có thể xảy ra với người trẻ, thậm chí trẻ em và thiếu niên.

Tăng ở người trẻ và trung niên

Chris Mahood, 37 tuổi, sống ở Annalong, Bắc Ireland, bị đột quỵ năm anh mới 24 tuổi và con trai vừa chào đời được một tuần.

“Tôi không thể nói hay cử động nửa người bên trái. Tôi ngồi trên xe lăn 3 tháng liền cho tới khi tập đi bộ trở lại. Tôi không thể quay lại công việc cũ vì cơ thể không đáp ứng nổi những đòi hỏi về thể chất của nghề thiết kế sân vườn. Nhưng dần dần tôi nhận ra mình còn có một đứa con trai và tôi cố gắng vì lợi ích của thằng bé”.

Theo một nghiên cứu đăng tháng 2-2020 trên tạp chí quốc tế về đột quỵ, khoảng 10 - 15% số ca đột quỵ xảy ra ở những người độ tuổi từ 18 - 50. Đa số các chuyên gia đồng ý rằng độ tuổi được xem là trẻ khi người bị đột quỵ dưới 45 tuổi.

Tại Mỹ, đột quỵ có xu hướng giảm chung nhưng lại tăng ở người trẻ và trung niên. Trong một nghiên cứu đăng tháng 9-2020 trên tạp chí Tim Mạch Dự Phòng Mỹ, số ca đột quỵ ở người Mỹ trong nhóm 20 - 44 tuổi tăng từ 17 ca/100.000 người trưởng thành năm 1993 lên 28 ca/100.000 người trưởng thành năm 2015.

Tại châu Âu, những ca đột quỵ ở người dưới 55 tuổi đã tăng từ 10,7 ca/100.000 người trưởng thành trong giai đoạn 1994 - 2002 lên 18,1 ca/100.000 người trưởng thành trong giai đoạn 2003 - 2011.

Số liệu ở châu Á khá hiếm nhưng ở Ấn Độ, một nghiên cứu dựa trên dân số ước tính trong giai đoạn 2003 - 2005, tỉ lệ đột quỵ trung bình hằng năm chỉ là 4/100.000 bệnh nhân dưới 40 tuổi và đặc biệt cao hơn là 41/100.000 ở nhóm từ 40 - 44 tuổi.

Nhiều nghiên cứu đã xem xét sự phân bố của yếu tố chủng tộc, dân tộc, giới tính trong các ca đột quỵ ở mọi nhóm tuổi và thấy rằng: đột quỵ phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới nhưng phụ nữ lại có tỉ lệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cao hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn nam.

Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy rủi ro đột quỵ tăng ở phụ nữ tuổi từ 18 - 44 cao hơn nam giới. Phụ nữ có những yếu tố nguy cơ đặc biệt liên quan đến giới tính như tình trạng huyết áp cao (do nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ uống thuốc tránh thai có chứa estrogen, đặc biệt nếu họ hút thuốc lá).

Theo trang everydayhealth.com, đột quỵ ở người trẻ thường khác với những gì bác sĩ quan sát được ở bệnh nhân lớn tuổi. 

Trước đây, đột quỵ ở người trẻ không phổ biến và do các đặc điểm như bệnh huyết học, viêm mạch, u ác tính, sử dụng ma túy, do mang thai, có gene làm tăng đông máu hoặc có lỗ thông bầu dục ở hai tâm nhĩ trong tim bẩm sinh, hoặc do họ (nữ giới) sử dụng thuốc tránh thai.

Nhưng gần đây đã có sự thay đổi trong danh mục các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ của người trẻ theo hướng tăng các yếu tố nguy cơ truyền thống như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá và các yếu tố khác.

Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Reuters

Sống lành mạnh

Một nghiên cứu ở Đức thực hiện với 2.125 bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi từ 18 - 55 (do nguyên nhân thiếu máu cục bộ và xuất huyết), các nguyên nhân gây bệnh hàng đầu được ghi nhận là: lười vận động (59,7%), tăng huyết áp (27,1%), lạm dụng bia rượu (17,5%), và hút thuốc lá (12,8%). Ngoài ra, béo phì và đái tháo đường cũng là những nguy cơ đáng kể.

Một nghiên cứu ở Trung Quốc với các bệnh nhân đột quỵ cũng theo hai dạng là thiếu máu cục bộ và xuất huyết cho thấy những nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu theo thứ tự từ cao đến giảm dần: tăng huyết áp, hút thuốc lá, uống bia rượu, có tiền sử bị đột quỵ, bệnh tim, đái tháo đường và tăng lipid máu.

Sự xuất hiện đột quỵ ở người trẻ đặc biệt đáng lo ngại vì sau đột quỵ, những bệnh nhân này thường bị khuyết tật về thể chất, trầm cảm, suy giảm chức năng nhận thức và mất năng suất lao động…

 Tất cả những điều này có những tác động lớn đến cá nhân, xã hội và nền kinh tế. Họ có thể cần một quá trình phục hồi suốt đời và bệnh nhân bị bỏ lỡ nhiều năm làm việc. 

Một nghiên cứu nhỏ ở Anh, công bố tháng 9-2019 trên tạp chí Đột Quỵ ước tính, 44% người dưới 65 tuổi bị đột quỵ không thể trở lại làm việc, phổ biến nhất là do tình trạng khó đi lại vĩnh viễn.

Trang stroke.org.uk chia sẻ câu chuyện của Amber, 19 tuổi, nữ sinh viên đại học năm nhất: sau khi bị đột quỵ, cô không thể nói, đi do não bị chèn ép vì xuất huyết. 

Để cứu sống Amber, các bác sĩ đã phải gỡ một phần hộp sọ để giảm chèn ép cho não. Họ nhận định Amber nhiều khả năng sẽ phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại.

Đa số các trường hợp có thể ngăn ngừa được nếu ta kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình và thực hiện lối sống lành mạnh để giúp giữ lượng cholesterol trong cơ thể ở mức hợp lý. Nếu bạn không hút thuốc, đừng nên thử. 

Lối sống lành mạnh đồng hành với thói quen ăn uống tốt như ít muối, giàu chất xơ… và thường xuyên vận động giúp chúng ta kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, giúp tim và các mạch máu khỏe.

Không thể không nói đến béo phì nếu muốn tránh đột quỵ. Tỉ lệ người béo phì, đặc biệt là trẻ em đã tăng lên ở nhiều nước. Theo bác sĩ Andrew Russman, Trung tâm mạch máu, Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ): “Đột quỵ có xu hướng tăng lên ở người dưới 45 tuổi thì có thể nguyên nhân lớn là do béo phì”.

Béo phì trẻ em và thanh thiếu niên tăng lên đáng báo động trên thế giới, vì béo phì làm tăng các rủi ro về cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường, những yếu tố rủi ro với đột quỵ cho mọi lứa tuổi.

 

Chiến thắng đột quỵ

Một trong những sự khác biệt giữa đột quỵ ở người lớn tuổi và người trẻ tuổi là khả năng hồi phục. Người 30 tuổi có tốc độ phục hồi tốt hơn người 80 tuổi vì não bộ dẻo dai hơn. 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có nhiều yếu tố quyết định mức độ hồi phục của một người sau đột quỵ, như mức độ bị ảnh hưởng của não, sự hỗ trợ của người chăm sóc, chất lượng sức khỏe trước khi người đó bị đột quỵ, chất lượng hỗ trợ của quá trình phục hồi chức năng, và động lực của bệnh nhân. 

AHA cũng chỉ ra, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khoảng một nửa người bị đột quỵ trong vài tháng đầu tiên. Vì vậy hãy xác định tư tưởng, theo dõi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của mình.

Amber không chấp nhận phải ngồi xe lăn suốt đời, cô tin rằng mình có thể chiến thắng căn bệnh. Hiện cô đã có thể nói và đi trở lại. Từ cô nói đầu tiên là “xin chào” và sau đó, cô đã có thể hát trở lại.

Với những ai đã bị đột quỵ, việc tham gia nhóm hỗ trợ người bị đột quỵ có thể có rất nhiều lợi ích vì họ được tiếp thêm động lực và sức mạnh từ những người cùng hoàn cảnh. 

Đột quỵ có thể quật ngã chúng ta một lần, nhưng nếu sống sót, chúng ta không thể để căn bệnh khiến chúng ta gục ngã lần thứ hai và buộc chúng ta ngừng làm những điều mình thích. Các bệnh nhân như Chris hay Amber trong bài đều tham gia các nhóm hỗ trợ và bệnh tình cũng như chất lượng cuộc sống của họ đều tốt hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận