13/04/2015 11:38 GMT+7

​Người trẻ đưa hát ví, giặm đi xa

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TT - Những câu ví, giặm vượt khỏi quê hương xứ Nghệ đến với Sài Gòn bằng nỗ lực của những người trẻ.

Một tiết mục trong chương trình “Ân tình ví, giặm” tối 10-4 - Ảnh: Huy Hoàng

Tối 10-4, nhà hát Bến Thành (Q.1, TP.HCM) chật cứng khán giả trong chương trình “Ân tình ví, giặm” do Hội cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tổ chức. 

Chị Võ Thị Minh Huệ, thành viên ban tổ chức (BTC), cho rằng: “Tất cả những sự cổ vũ dù nồng nhiệt hay thầm lặng với tinh thần tự nguyện của cả cộng đồng đã làm nên một món quà tuyệt vời cho những người yêu ví, giặm, yêu xứ Nghệ”.

Nói vậy bởi vào tháng 11-2014, khi dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cộng đồng cựu học sinh Trường Phan Bội Châu đã liên lạc với nhau qua rất nhiều kênh với một ấp ủ “đưa môn nghệ thuật này đi xa hơn”.

“Là một người con xa quê, được nghe làn điệu dân ca quê mình ngay giữa Sài Gòn thật sự là xúc động. Mọi người gặp nhau, hội họp, khóa trước khóa sau gọi nhau í ới kết nối... rồi cũng ra được ví, giặm trên đất Sài Gòn” - anh Nguyễn Tân Cương (thành viên BTC) chia sẻ.

Bạn Phan Đình Tương (24 tuổi, biên - phiên dịch) kể một cách say sưa về tình yêu ví, giặm từ bé, vì sống trong gia đình có ông bà nên được tiếp xúc nhiều.

Chàng trai trẻ còn hát một khúc trong Mẫu tử tình thâm và phân tích bài hát vốn là một bài thơ ru con rồi được phổ nhạc, nói về công ơn cha mẹ... để minh chứng cho sự yêu và hiểu biết về văn hóa quê hương.

“Bản thân tôi là người Hà Tĩnh, được tiếp xúc với dân ca xứ Nghệ từ nhỏ nên tôi luôn yêu và ủng hộ mọi hình thức để bảo tồn, như thông tin về việc đưa ví, giặm vào trường học là một hình thức bảo tồn và phát huy di sản này”- Tương nói.

Bạn Tú Anh (25 tuổi, kiến trúc sư) hào hứng nói: “Có thể nhiều bạn trẻ không biết về thể loại âm nhạc này hoặc cảm thấy không phù hợp, nhưng với những người trẻ như chúng tôi thì được hòa mình vào không gian này mới thấy “chất Nghệ” được gắn kết, thấy văn hóa quê mình được tôn vinh và lòng tự tôn dân tộc được bồi đắp”. 

Một thành viên BTC cho biết các câu lạc bộ ví, giặm đã được thành lập tại các phường xã ở xứ Nghệ. Trong thời gian tới, để lưu truyền và cũng để những người trẻ xa quê có cơ hội tiếp cận bộ môn nghệ thuật này, các câu lạc bộ như vậy sẽ được thành lập tại TP.HCM.

Trong nỗ lực đưa ví, giặm rời làng quê, đồng ruộng, sân đình về với các sân khấu thị thành, đã có nhiều người trẻ góp công, góp sức, góp tiền bạc như thế. Với nhiều người, đó có thể là câu chuyện để đặt niềm tin về cách những người trẻ đối xử với văn hóa truyền thống.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên